Khách vất vả đợi xe
Tuổi Trẻ Online ghi nhận trưa 12-1, tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, các chuyến bay liên tiếp hạ cánh, dòng người ùn ùn đổ về làn taxi và xe công nghệ. Nhu cầu vận chuyển tăng cao, dòng xe taxi xếp hàng ở Tân Sơn Nhất đủ đón khách, song có thời điểm lại vắng xe.
Tại làn C ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, chị Thủy có chuyến bay từ Hà Nội vào, cùng chồng và hai con nhỏ đứng chờ taxi. Một điều phối viên hãng taxi tiến đến, niềm nở hỏi “đi đâu chị ơi?”. Chị Thủy trả lời: “Cho tôi về đường Bà Huyện Thanh Quan”. Ngay lập tức, người điều phối báo giá là 220.000 đồng.
Ngạc nhiên, chị Thủy hỏi lại sao không tính tiền theo đồng hồ mà lại báo giá cố định. Điều phối viên giải thích là kẹt xe, giờ quay đầu xe về sân bay rất khó, tài xế phải chờ lâu nên muốn có xe đi nhanh sẽ có giá này.
Không hài lòng, chị Thủy quyết định chuyển sang làn xe công nghệ. Đặt xe qua ứng dụng, chị nhận được báo giá 150.000 đồng cho cùng quãng đường. Dù phải chờ gần 20 phút mới có tài xế vào đón, chị vẫn chọn phương án này.
Nhiều hành khách khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Một số người lựa chọn đi bộ ra ngoài sân bay đến cây xăng trên đường Trường Sơn để đón xe, dù điều này gây không ít bất tiện.
Tài xế taxi kêu trời vì kẹt xe
Anh N.T., điều phối viên một hãng taxi, chia sẻ việc taxi quay đầu tại sân bay hiện nay là bài toán nan giải. Với quãng đường từ sân bay về quận 3, nếu đường thông thoáng chỉ mất 20 phút, nhưng khi kẹt xe thời gian có thể kéo dài đến 1 – 1,5 tiếng.
Việc vào sân bay đón khách cũng gặp nhiều khó khăn vì tài xế phải xếp hàng chờ lâu, tuân thủ các quy định giám sát nghiêm ngặt như nghỉ ngơi 15 phút bắt buộc sau mỗi 4 tiếng lái xe.
Một số tài xế taxi của các hãng như Vinasun, Vinataxi, Mai Linh than thở chạy một ngày chỉ kiếm được vài trăm ngàn nhưng bị phạt lên đến hàng chục triệu. Đường kẹt, đèn tín hiệu nhấp nháy liên tục, không ai dám chạy nữa.
Không chỉ đối mặt với kẹt xe, tài xế còn chịu áp lực từ hệ thống giám sát và chi phí phát sinh khi phải ra vào sân bay. Chưa kể vào sân bay phải xếp tài, di chuyển lần lượt, chứ không phải ào ào là vào ngay.
“Trên xe có gắn thiết bị giám sát. Cứ 4 tiếng hoạt động máy kêu tít tít là tài xế phải nghỉ 15 phút. Giữa đường kẹt xe, không biết xử lý sao. Kẹt xe kiểu này khó khăn lắm” – anh T. nói.
Di chuyển đến bãi xe đợi taxi trong phạm vi nhà giữ xe của TCP, Tuổi Trẻ Online trao đổi thêm với nhiều tài xế của Vinasun, Vinataxi, Mai Linh. Hầu hết nhiều tài xế lo ngại về mức phạt mới khiến việc chạy xe khá căng thẳng. Đường đông, kẹt xe kéo dài, chạy không chuẩn là “dính” phạt vài chục triệu khiến tài xế lo sợ.
Trong khi đó, tài xế than vất vả đón khách ở sân bay. Khách lo lắng khó đặt xe nên bật app đặt xe trong khi đang chờ lấy hành lý. Tài xế tới nơi, khách vẫn còn ở trong nhà ga.
Tài xế chờ lâu cũng không dám hủy cuốc vì ảnh hưởng đến tỉ lệ hoạt động, dễ bị khóa tài khoản. Đậu xe lâu bị điều phối xe hối đi, có tài xế phải bấm bụng “chạy ra rồi chạy vào” đón khách, mỗi lần ra khỏi cổng thu phí tốn 25.000 đồng/lượt.
Tăng chính sách thưởng thu hút tài xế vào sân bay đón khách
Trao đổi với doanh nghiệp kinh doanh taxi, các hãng đang tập trung điều hướng xe về khu vực sân bay, bến xe để tăng cường đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Một lãnh đạo hãng taxi khẳng định ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, xe sẽ được bố trí điều hành linh hoạt từ bãi đậu xe ngoài đường Trường Sơn vào sân bay nhanh chóng. Nhận thấy khu vực nào nhu cầu tăng cao, hãng linh hoạt điều hướng xe đến đó.
Hãng đã quán triệt với tài xế không xảy ra “tật xấu” của taxi như lựa chọn hành khách đi gần, đi xa, chạy đúng giá cước theo đồng hồ hoặc trên app. Trong khi đó, các tài xế xe công nghệ cũng không khá hơn. Họ phải chờ lâu để đón khách, thậm chí bị hủy chuyến vì khách chưa lấy xong hành lý.
Để khuyến khích tài xế nhận cuốc xe ở sân bay, Grab đang triển khai chương trình thưởng nhằm khích lệ tài xế hoàn thành chuyến xe trong thời điểm cận Tết.
Cụ thể, tài xế sẽ nhận được 40.000 đồng/ngày nếu hoàn thành ít nhất hai chuyến trong khung giờ từ 16h đến 23h59, với điều kiện tỉ lệ nhận chuyến trên 90% và tỉ lệ hủy dưới 7%.