Quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho Nhân dân, huyện Sóc Sơn đã đẩy mạnh các hoạt động văn hóa cơ sở, tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa. Gắn quy hoạch các thiết thế văn hóa với quy hoạch phát triển đô thị. Năm 2024, huyện đã đầu tư 105.395 triệu đồng để triển khai thực hiện dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp 51 nhà văn hóa.
Trong những năm vừa qua, việc nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh luôn được huyện Sóc Sơn quan tâm triển khai.
Các cấp ủy Đảng cơ sở đã gắn nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của địa phương, đơn vị. Các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội của huyện đã tích cực tham gia xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch trong đoàn viên, hội viên. Nhiều mô hình truyền thông được xây dựng triển khai trên cơ sở thế mạnh và đặc trưng riêng của mỗi ban, ngành, đoàn thể đảm bảo tiếp cận từng nhóm đối tượng. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã gắn việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với việc đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động (CVĐ)“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tích cực tham gia xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, xây dựng quỹ khuyến học góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện.
Lễ hội Gióng được tổ chức an toàn, trang trọng đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của các tầng lớp Nhân dân và du khách gần xa
Liên đoàn lao động với phong trào thi đua xây dựng “Nếp sống văn minh công nghiệp”, xây dựng công sở sạch – đẹp – an toàn; Hội Phụ nữ với phong trào thi đua “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”; phong trào xây dựng phụ nữ Thủ đô “Trung hậu – sáng tạo – đảm đang – thanh lịch” “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”; Hội cựu chiến binh với phong trào “Xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh – cựu chiến binh Thủ đô thanh lịch, văn minh – Hội viên gương mẫu, Gia đình hội viên văn hóa”; Hội Nông dân với CVĐ “Người nông dân Hà Nội thanh lịch – văn minh” với 5 tiêu chuẩn thanh lịch – hiểu biết – năng động – nghĩa tình – kỷ cương; ngành Giáo dục đào tạo với phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch”; Ngành văn hóa và thông tin đẩy mạnh xây dựng gia đình văn hóa gắn với sinh hoạt câu lạc bộ gia đình văn hóa (GĐVH), gia đình thể thao.
Nhân dân tích cực tham gia trồng, chăm sóc hoa làm đẹp môi trường sống
Nhận thức rõ ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của việc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, các đơn vị, các xã, thị trấn trong huyện thường xuyên tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng GĐVH, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Trên cơ sở tiêu chuẩn chung, các địa phương, đơn vị có trách nhiệm cụ thể hóa các tiêu chuẩn gắn với tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh; nâng cao chất lượng bình xét danh hiệu GĐVH. Lồng ghép nội dung triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong đó lưu ý triển khai thực hiện gắn với quy trình bình xét danh hiệu GĐVH và các hoạt động nghiệp vụ của đơn vị. Trong đó, xây dựng GĐVHvới những giá trị thiết thực đó là: hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng, tình cảm giữa vợ với chồng, cha mẹ với con, anh chị em với nhau…
Năm 2024, toàn huyện có 84.182/86.512 hộ gia đình đăng ký xây dựng GĐVH đạt tỷ lệ 97,51% (bằng so với cùng kỳ năm 2023); 183/183 thôn, làng đăng ký danh hiệu làng văn hóa (đạt 100 %); 05/05 tổ dân phố đăng ký tổ dân phố văn hóa (đạt 100%). Qua bình xét có: 82.482/86.512 hộ gia đình đạt danh hiệu GĐVH đạt tỷ lệ 95% (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2023); 100% (05/05) tổ dân phố đủ điều kiện xét công nhận Tổ dân phố văn hóa; 170/183 thôn làng đủ điều kiện xét công nhận danh hiệu Thôn văn hóa năm 2024 (đạt 92,8%).
Việc lan tỏa những tấm gương GĐVH được đẩy mạnh thông qua các hội nghị, buổi sinh hoạt, nói chuyện với chủ đề: Xây dựng gia đình văn minh – hạnh phúc, “Yêu thương và chia sẻ”, “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” nhằm đề cao vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách mỗi người, xây dựng gia đình hạnh phúc là góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển.
Quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho Nhân dân, huyện Sóc Sơn đã đẩy mạnh các hoạt động văn hóa cơ sở, tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa. Gắn quy hoạch các thiết thế văn hóa với quy hoạch phát triển đô thị. Năm 2024, huyện đã đầu tư 105.395 triệu đồng để triển khai thực hiện dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp 51 nhà văn hóa. Các địa phương cũng vận động nguồn xã hội hóa để đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị luyện tập thể dục thể thao. Các khu văn hóa thể thao đã phát huy hiệu quả, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, tạo sân chơi bổ ích, góp phần giảm các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng và có chất lượng. Các hội diễn, liên hoan văn nghệ được tổ chức thường xuyên vào các dịp lễ hội, các sự kiện lớn của Thủ đô, huyện. Các câu lạc bộ duy trì việc luyện tập, biểu diễn, giao lưu… để tăng cường tinh thần đoàn kết, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân địa phương. Đồng thời, duy trì hoạt động của các câu lạc bộ thể dục thể thao ở cơ sở. Phối hợp chỉ đạo, triển khai tổ chức các hoạt động thể dục thể thao cho mọi đối tượng ở cơ sở. Phong trào luyện tập thể dục thể thao đã phát triển sâu rộng tới từng thôn, xóm, khu dân cư, các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan đơn vị trên địa bàn. Hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, thu hút được nhiều đối tượng tham gia luyện tập, tạo không khí sôi nổi đồng thời tăng cường tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp Nhân dân.
Trong thời gian tới, huyện Sóc Sơn tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thiết thực vào xây dựng huyện Sóc Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh.
An Minh
Nguồn: https://sovhtt.hanoi.gov.vn/huyen-soc-son-nang-cao-doi-song-tinh-than-cua-nhan-dan-xay-dung-moi-truong-van-hoa-lanh-manh/