Cao Sơn đại vương là tác phẩm nối tiếp mạch nguồn về văn hóa truyền thống của Hà Nội cổ. Từ các truyền thuyết cổ xưa cho tới các nghi lễ được chắt lọc qua ngàn năm lịch sử, hội tụ cùng đó là những nghệ thuật trình diễn dân gian và dân gian đương đại giúp vở diễn mang đến cho người xem nhiều cảm xúc.
Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long và đạo diễn Vạn Nguyễn (Huy Quang) đã xây dựng kịch bản với các tác phẩm mang tính truyền thống, kết hợp kỹ năng dàn dựng tổng hòa giữa ca, múa, nhạc, dẫn chuyện, ánh sáng và kỹ thuật sân khấu…
Đây là tác phẩm thứ 2 Vạn Nguyễn viết và dựng về Tứ trấn Thăng Long. Vở diễn có sự tham gia của NSND Thanh Hoài, NSND Ngọc Khánh, NSƯT Lê Minh, NSƯT Hải Nam, nghệ sĩ Xuân Hoà, Phương Nhung, Hoàng Hải…
Chương trình được chia làm 3 chương mang các nội dung ca ngợi công đức của Cao Sơn đại vương đối với Đại Việt nói chung và với Thăng Long, từ sự tích phù trợ vua Lê Tương Dực tới huyền tích giúp dân trị thủy, trở thành vị thánh đặc biệt linh ứng được thờ ở rất nhiều nơi của vùng đồng bằng Bắc bộ. Và đền thờ chính ngài được vua Lê Tương Dực cho xây là đình Kim Liên trong Tứ trấn Thăng Long.
Giám đốc âm nhạc – NSƯT Thành Nam cho biết, vở diễn mang đến nhiều cung bậc cảm xúc qua sự thể hiện từ nhẹ nhàng đến u linh, thần bí…, cuốn hút người xem lần lượt qua từng lớp diễn”. Ở phần kết, khán giả được đắm mình vào hòa tấu Khúc khải hoàn do tập thể nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long biểu diễn. Khúc tấu đầy hào khí, mạnh mẽ, thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người Tràng An. Âm nhạc rộn rã của trống hội, hình ảnh rồng vàng ẩn hiện trong mây, di tích cổ kính trầm mặc, đêm hội hoa đăng rực rỡ tưng bừng… đã để lại trong lòng khán giả khí thế náo nhiệt và lòng thành kính với tiên hiền, sự trân trọng với văn hóa lịch sử, trân trọng các giá trị di sản của Hà Nội.