(Bqp.vn) – Sáng 14/11, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) Chính phủ tổ chức Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương năm 2024.
Các đại biểu dự hội nghị.
Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương; Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải; Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho rằng, Cổng TTĐT các cấp đã làm tốt chức năng đa dạng hóa các phương thức thông tin, đa nền tảng, nắm bắt được xu hướng thông tin, truyền tải kịp thời đến người dân và doanh nghiệp những quyết sách của Chính phủ; nhiều Cổng TTĐT có lượng truy cập lớn và ngày càng tăng. Cổng TTĐT các cấp đóng vai trò ngày càng quan trọng, vừa cung cấp thông tin, vừa tương tác với người dân, “là cầu nối vô cùng quan trọng giữa chính quyền và người dân trong thời đại số”. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn lấy người dân làm trung tâm, phục vụ lợi ích cho nhân dân, luôn đề cao vai trò giám sát cũng như vai trò phản biện của nhân dân và luôn mong muốn người dân tham gia vào hoạt động giám sát quyền lực của các cơ quan Nhà nước. Để thực hiện hiệu quả vai trò này, việc cung cấp thông tin thông suốt giữa chính quyền các cấp với người dân luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Để tăng cường vai trò cũng như hiệu quả hoạt động của các Cổng TTĐT, trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông tham dự hội nghị này tiếp thu, nghiên cứu và có hướng xử lý đối với kiến nghị của cơ quan, ban, ngành đề xuất.
Đối với các Cổng TTĐT, cần nghiêm túc tuân thủ các quy định, các yêu cầu của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP và Thông tư 22/2023/TT-BTTTT; khẩn trương thực hiện kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) và khai thác số liệu giám sát từ hệ thống; đổi mới, phát triển các hình thức truyền thông, cách thức gửi thông tin đa dạng hơn như mạng xã hội, inforgraphic…; đồng thời sớm tổ chức kết nối đồng bộ giữa Cổng TTĐT Chính phủ và các Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương để bảo đảm luồng thông tin thống nhất, xuyên suốt.
Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm phát biểu tại hội nghị.
Báo cáo của Cổng TTĐT Chính phủ tại hội nghị cho thấy, thời gian qua, phần lớn Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương đã cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP; hiện có 04 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 01 cơ quan thuộc Chính phủ và 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng Cổng dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh. Tổng số trang/cổng TTĐT thành phần của các Bộ, ngành, địa phương là 5.635. Có 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai Cổng TTĐT đến cấp quận, huyện (trong đó có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai đến cấp xã, phường). Có 43 Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương đã kết nối, tích hợp đầy đủ với trang/cổng TTĐT thành phần. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã cung cấp thông tin trên các nền tảng Facebook (64 đơn vị), YouTube (25 đơn vị) và Zalo (45 đơn vị). Trong quá trình nâng cấp, phát triển, phần lớn Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương đã chú trọng làm SEO (Search Engine Optimization) để hỗ trợ các công cụ tìm kiếm thông tin (index) (60 đơn vị), đồng thời cung cấp công cụ tìm kiếm theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP (87 đơn vị). Có 66 đơn vị đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hồ sơ đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ cho Cổng TTĐT. Tất cả các hệ thống Cổng TTĐT đều được bảo vệ bởi ít nhất một trong các giải pháp an toàn, an ninh thông tin và hầu hết đã được kiểm tra an toàn an ninh thông tin trước khi đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai hoạt động, cổng TTĐT các Bộ, ngành, ngành địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP do thời gian nâng cấp, phát triển hoàn thành trước khi Nghị định ban hành; nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin đã cũ, lạc hậu; số lượng trang thành phần nhiều, được xây dựng với nhiều công nghệ khác nhau, gây khó khăn trong quá trình thiết kế, nâng cấp. Theo quy định, Cổng TTĐT không phải là cơ quan báo chí nên gây hạn chế trong công tác truyền thông, không áp dụng được các quy định về chế độ, chính sách của cơ quan báo chí…
Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Tổng Biên tập Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Cổng TTĐT Chính phủ giới thiệu Giải pháp kỹ thuật chia sẻ, kết nối, tích hợp thông tin giữa Cổng TTĐT Chính phủ với Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương; báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm của một số Bộ, ngành, địa phương như: Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng; Cổng TTĐT Bộ Công an; Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh; Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng – Ban Cơ yếu Chính phủ…
Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội nghị tập trung làm rõ những kết quả đạt được trong hoạt động của các Cổng TTĐT; phân tích những khó khăn, vướng mắc và thách thức; đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường công tác phối hợp, kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin của Cổng TTĐT Chính phủ với Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa công tác thông tin truyền thông chính sách, phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như phục vụ công tác quản lý, điều hành của các Bộ, ngành, địa phương theo từng lĩnh vực ngày càng thiết thực, hiệu quả. Trong đó, một số ý kiến đề nghị tăng cường kết nối thông tin, dữ liệu đồng bộ; tăng cường truyền thông chính sách, ứng dụng các nền tảng mạng xã hội; có cơ chế chính sách tạo sự thuận lợi cho hoạt động; thống nhất về tổ chức, biên chế để nâng cao chất lượng hoạt động; phối hợp hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá hoạt động Cổng TTĐT.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh, mục đích của hội nghị nhằm phục vụ hiệu quả sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương. Để thực hiện kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng, đồng thời thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, nhất là các đồng chí đứng đầu phải quan tâm, có kế hoạch đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống thông tin để phục vụ tích hợp, kết nối thông tin. Quan tâm, đầu tư nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực làm việc trực tiếp. Các Bộ ngành, địa phương thống nhất Cổng TTĐT trực thuộc Văn phòng. Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Cổng TTĐT Chính phủ không những truyền thông chính sách mà còn phải xử lý những kiến nghị, phản ánh của người dân một cách kịp thời.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ tổng hợp những kiến tại hội nghị, nghiên cứu, tổng hợp đề nghị xem xét, giải quyết.