Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 của Việt Nam với mục tiêu tổng quát là: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao… Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Điều đáng nói là để hiện thực hóa mục tiêu trên, nguồn nhân lực chính là yếu tố then chốt quyết định sự thành công, trong đó nguồn nhân lực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) phải thực sự tốt. Tuy nhiên, soi chiếu vào thực tế hiện nay, nhiều thứ vẫn còn khập khiễng.
Minh chứng là, những năm gần đây, tỷ lệ thí sinh có xu hướng chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng thấp. Đơn cử, năm 2023, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên chiếm 44,7% tổng số thí sinh. Đến năm 2024, tỷ lệ này lại tiếp tục giảm, trong số gần 1,1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chỉ có 37% thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên. Điều này khiến nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại về lâu dài, tỷ lệ này sẽ làm mất cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực giữa các lĩnh vực, ảnh hưởng đến mục tiêu ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, các ngành công nghiệp mới.
Theo tìm hiểu, việc định hướng lựa chọn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên/Khoa học xã hội được các nhà trường tư vấn định hướng cho các em từ năm lớp 10. Cụ thể, học sinh dựa vào định hướng nghề nghiệp của bản thân để lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp (tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội).
Bài thi Khoa học xã hội được nhiều học sinh đánh giá “dễ thở” hơn bài thi Khoa học tự nhiên và là giải pháp an toàn để tránh bị điểm liệt |
Tuy nhiên, theo nhiều học sinh khối 12 cho biết, thời điểm chốt tổ hợp thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì đã có kết quả trúng tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ vào các trường đại học, nên nhiều em chọn bài thi tổ hợp nhẹ nhàng để hoàn tất điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông. Bài thi Khoa học xã hội được nhiều học sinh đánh giá “dễ thở” hơn bài thi Khoa học tự nhiên và là giải pháp an toàn để tránh bị điểm liệt.
Giáo viên các trường trung học phổ thông cũng lý giải, nhiều thí sinh lựa chọn bài thi Khoa học xã hội bởi cho rằng, các môn thi thành phần của bài thi này gần gũi với cuộc sống, có thể suy luận tình huống, suy đoán đáp án. Với những học sinh chưa vững kiến thức các môn Khoa học tự nhiên, việc chọn bài thi Khoa học xã hội không chỉ đạt mục đích tốt nghiệp mà còn giúp các em có thêm thời gian, đầu tư vào các môn thi bắt buộc vừa để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa dùng xét tuyển đại học như: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Nhận xét về tỷ lệ lựa chọn khập khiễng giữa 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội của các thí sinh những năm qua, các chuyên gia về giáo dục cho rằng đây là một thực tế đáng lo ngại.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội – cho biết, các nghiên cứu khoa học giáo dục đã chỉ ra rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, kiến thức về STEM, Khoa học tự nhiên không chỉ là yêu cầu đối với các ngành thuộc về khoa học, công nghệ, kỹ thuật mà còn là hành trang cho tất cả các lĩnh vực.
“Nguồn nhân lực khi không được trang bị các kiến thức, kỹ năng liên quan đến STEM, Khoa học tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phát triển các ngành công nghiệp mới. Một quốc gia có tỷ lệ thí sinh lựa chọn bài thi Khoa học xã hội để xét tuyển đại học nhiều hơn Khoa học tự nhiên đã và đang đặt ra câu hỏi rất lớn rằng như vậy thì làm sao nguồn nhân lực có thể hội nhập được trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0?” – thầy Đức chia sẻ.
Cơ sở giáo dục đại học là nơi đào tạo nhân lực trực tiếp cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ảnh: Quốc Thắng |
Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ đánh giá, đối với những ngành thuộc Khoa học xã hội, trước đây trong chương trình đào tạo thường không/ít có các học phần về khoa học tự nhiên, công nghệ thì hiện nay cũng cần phải trang bị một tỷ lệ nhất định kiến thức về STEM, công nghệ thông tin trong các chương trình đào tạo. Chính vì vậy, việc ít thí sinh chọn tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên không chỉ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng nhân lực trong kỷ nguyên công nghệ, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực trong các lĩnh vực khác như luật, kinh tế,… đều là những ngành “xương sống” trong bối cảnh hiện nay.
“Việc thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông chọn bài thi Khoa học tự nhiên ngày càng ít cho thấy, giới trẻ đang có tâm lý “theo dễ, bỏ khó”. Hệ quả là các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ ít có nguồn thí sinh để tuyển sinh, sẽ có trường phải “nới” các điều kiện tuyển sinh khiến cho chất lượng đầu vào phần nào bị hạn chế. Về phía thí sinh, sẽ có em trúng tuyển vào các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ với mức điểm không vượt trội, khó theo chương trình học dẫn tới tỷ lệ sinh viên các ngành khoa học, kỹ thuật bỏ học sau khi hết năm nhất cao” – thầy Đức nhận định.
Có thể thấy, trong quá trình phát triển, có nghề sẽ mất đi và nhiều nghề mới ra đời nên việc lựa chọn tổ hợp môn thi có thể thay đổi để phù hợp với xu thế, bối cảnh của xã hội.
Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” nêu rõ, cần đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị; và trong số 50.000 kỹ sư cần có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ chuyên môn sâu về AI (trí tuệ nhân tạo).
Nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI thường là người tốt nghiệp các ngành đào tạo thuộc Khoa học tự nhiên. Để vừa đạt số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp mới, cần phải có cơ chế chính sách áp dụng cho người học và người tham gia đào tạo nguồn nhân lực này, nhất là đối với người học (như miễn giảm học phí, tặng học bổng,…) nhằm tạo sức hấp dẫn cho các em theo học ngành thuộc Khoa học tự nhiên.
“Nhà nước cần có chính sách nhằm thu hút nhân tài, hỗ trợ người giỏi theo đuổi các ngành kỹ thuật, công nghệ. Bởi đây là những ngành khó, nhưng thường lại có nhiều em điều kiện hoàn cảnh khó khăn theo học nên rất cần được hỗ trợ để các em có thể theo đuổi đam mê, chí hướng, thành tài. Từ đó, góp phần thay đổi chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực trong đào tạo và sử dụng sau này” – thầy Đức nêu quan điểm.