“Sợi chỉ đỏ” dẫn đến thành công
Liên tiếp đóng góp VĐV giành HCV trong 3 kỳ Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) gần đây; thường xuyên đóng góp khoảng 25 – 30% trong tổng số huy chương của Đoàn thể thao Việt Nam trong nhiều kỳ Đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á (SEA Games); đứng đầu Đại hội thể thao toàn quốc từ năm 2002 đến nay; liên tiếp có VĐV giành vé trực tiếp dự Olympic… Đó chỉ là những nét chấm phá về thể thao thành tích cao Hà Nội trong những năm qua. Tất cả bắt nguồn từ nền tảng là sự quan tâm sát sao của lãnh đạo thành phố, từ những hành động cụ thể tới chính sách, định hướng phát triển được xem như “sợi chỉ đỏ”.
Trong trí nhớ của những người yêu thể thao Hà Nội từ những năm 1960, hình ảnh Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng thường xuyên tới động viên những điển hình tốt, những cơ sở thể dục thể thao (TDTT) trên địa bàn thành phố đã trở nên quen thuộc. Khi Hà Nội phải căng mình chống chiến tranh phá hoại của kẻ thù, dù bận bịu với việc lãnh đạo, chỉ đạo “vừa sản xuất vừa chiến đấu” nhưng ông Trần Duy Hưng vẫn dành thời gian cho công tác thể thao, giao Sở TDTT Hà Nội củng cố các cơ sở thể thao, trong đó có Trường Quần Ngựa – nơi đã đào tạo hàng loạt tài năng thể thao Việt Nam.
Chiến tranh lùi xa, khi Hà Nội cùng cả nước xây dựng và phát triển, thể thao Thủ đô luôn nhận được sự quan tâm sâu sát, tạo điều kiện của lãnh đạo thành phố, những “cú hích” từ các chỉ thị, quyết định mang tính định hướng.
Nếu gọi ra một điểm nhấn đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của thể thao Thủ đô, có lẽ đó là SEA Games 22 (năm 2003) với địa điểm đăng cai chính là Hà Nội. Thủ đô có lần đầu tiên đóng vai trò chính ở một sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Vai trò chính đó không chỉ thể hiện ở công tác tổ chức, mà còn là đóng góp lực lượng.
Theo cố Giám đốc Sở TDTT Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Hoàng Vĩnh Giang, tất cả bắt đầu từ một tầm nhìn xa, được cụ thể hóa từ Chỉ thị số 28, năm 1994, của Thành ủy Hà Nội. Chỉ thị số 28 đã định rõ đường đi của thể thao Hà Nội: Thứ nhất, phải dành kinh phí đáng kể cho việc xây dựng lực lượng thể thao hiện đại, tinh nhuệ, tăng cường đưa vận động viên (VĐV) đi tập huấn, thi đấu dài hạn ở trong nước và nước ngoài; thứ hai, thuê chuyên gia giỏi, bảo đảm công tác tuyển chọn, đào tạo diễn ra bài bản, khoa học; thứ ba, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT, bảo đảm điều kiện đăng cai các đại hội thể thao quốc tế lớn…
Với định hướng rõ ràng đó, Hà Nội tập trung đầu tư xây dựng lực lượng, đưa hàng loạt VĐV năng khiếu tài năng đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài để có một lực lượng hùng hậu, đóng góp vào thành tích nhất toàn đoàn của Đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 22. Với việc đăng cai tổ chức SEA Games 22, chúng ta đã tạo được một hệ thống cơ sở vật chất hiện đại (ở thời điểm đó) phục vụ tập luyện, thi đấu TDTT, đặc biệt là thể thao thành tích cao, có thể đăng cai các sự kiện tầm cỡ châu Á. Việc đầu tư xây dựng Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội (nay là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng quy trình khép kín trong tập luyện, ăn, ở, sinh hoạt, học văn hóa… của hàng nghìn VĐV được xem là bước đi tiên phong của thể thao Hà Nội, tạo cơ sở cho những thành công tiếp theo.
Sau này, thể thao Hà Nội tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt, thông qua Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 9-7-2012 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT Thủ đô đến năm 2020; Quyết định số 369/QĐ-UBND ngày 16-1-2014 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch phát triển TDTT thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 12-11-2020 về việc đẩy mạnh công tác chuẩn bị đăng cai SEA Games lần thứ 31…
Trong Chỉ thị số 01-CT/TU, Thành ủy không chỉ yêu cầu “tuyển chọn, đào tạo lực lượng HLV, VĐV… có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ tham gia Đoàn Thể thao Việt Nam với tỷ lệ cao và đạt thành tích xứng tầm”, mà còn nêu rõ nhiệm vụ “tập trung rà soát, đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình, tổ hợp thể thao phục vụ đăng cai bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn”. Đó cũng là “sợi chỉ đỏ” đặc biệt quan trọng để Hà Nội tiếp tục đăng cai thành công SEA Games 31, định hướng cho cả quá trình đầu tư sau này cho thể thao Thủ đô.
Hay gần đây nhất, cuối năm 2023, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, trong đó có quy định một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV, HLV đạt thành tích cao của thành phố Hà Nội. Quy định này được áp dụng từ đầu năm 2024, thực sự là bước đột phá lớn về chế độ đãi ngộ đối với HLV, VĐV Thủ đô, góp phần tạo nền tảng phát triển lực lượng để hướng tới những cái đích xa hơn.
Không được phép dừng lại
Thành công là vậy, dù đã giành được những tấm HCV thế giới, châu Á hay SEA Games… nhưng thể thao Hà Nội chưa thể hài lòng.
Tính đến trước năm 2014, thể thao Hà Nội chưa có VĐV giành HCV cá nhân tại ASIAD. Chúng ta đã huy động nguồn lực để đưa VĐV đến những địa điểm tập huấn tốt nhất ở nước ngoài, và phải đến khi võ sĩ Thủ đô Dương Thúy Vi giành HCV cá nhân môn wushu ở ASIAD năm 2014 (tại Hàn Quốc) thì các nhà quản lý mới bớt “tâm trạng”. Sau đó, tấm HCV tại ASIAD năm 2018 của VĐV Bùi Thị Thu Thảo ở môn điền kinh một lần nữa khẳng định vị thế của thể thao Hà Nội. Rồi đến ASIAD năm 2023, VĐV Hà Nội ở hai đội tuyển cầu mây và karate góp công giúp Đoàn thể thao Việt Nam giành HCV, nhưng những người có trách nhiệm của thể thao Hà Nội vẫn muốn nhiều hơn nữa.
Kể ra như vậy để thấy, ước muốn chinh phục những mục tiêu lớn hơn của thể thao Hà Nội không bao giờ phai nhạt. Thể thao Hà Nội vẫn còn nhiều mục tiêu cần chinh phục, mà quan trọng nhất là có VĐV giành huy chương Olympic, có nhiều VĐV giành HCV cá nhân hơn ở mỗi kỳ ASIAD… Đi kèm với đó, chúng ta cần có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại hơn hẳn so với hiện nay, có thêm điều kiện phát triển y học thể thao…
Thực tế, không ai hiểu thể thao thành tích cao Hà Nội bằng chính những người đang gắn bó với phần việc này. Trong một lần trao đổi gần đây với báo chí, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Đinh Văn Luyến không giấu vẻ trầm ngâm khi cho rằng thể thao Hà Nội vẫn còn quá nhiều việc phải làm để khẳng định vị thế của mình. Tuy nhiên, nhìn về phía trước, sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, của nhân dân chính là động lực để những người có trách nhiệm tin rằng mình có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tin rằng thể thao Hà Nội sẽ sớm thể hiện bước phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/the-thao-thanh-tich-cao-ha-noi-hanh-trinh-khong-co-diem-dung-681056.html