Đặc biệt, để chuyển hóa các “tài nguyên văn hóa”, “lấy văn hóa để nuôi văn hóa”, cần xóa những định kiến về thị trường văn hóa, cùng nhau chia sẻ, tìm hướng đi cho các mô hình khởi nghiệp về văn hóa.
Nở rộ nhiều mô hình công nghiệp văn hóa
Nếu có dịp đến thăm một số quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển, hẳn nhiều người sẽ chợt nhận ra rằng điều còn thiếu và yếu khi làm văn hóa sáng tạo ở trong nước ta là một câu chuyện để kể. Hà Nội chẳng hạn, dày đặc làng nghề và làng có nghề, nhiều di tích lịch sử phong phú và một hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ, thế nhưng nhiều năm trước đây cách kể chuyện về những “vốn dân tộc” ấy còn theo lối mòn, không tạo được sức hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Khai thác giá trị văn hóa, để văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước là chủ trương xuyên suốt của Đảng qua nhiều kỳ đại hội. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam…”. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, đồng thời yêu cầu: “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh…”.
Với những tiềm năng sẵn có từ kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể như các di tích, nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian, thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, truyền thuyết, hình tượng anh hùng… Việt Nam được đánh giá là sở hữu những tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa mà không phải quốc gia nào cũng có được. Chính vì thế, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Từ bầu không khí chung này cùng với sự chủ động, mạnh dạn của các chủ thể sáng tạo đã xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa. Nhiều người trẻ dấn thân và khởi nghiệp thành công như Đặng Văn Hậu với “Tò he Việt”, Nguyễn Đức Lộc với “Ỷ Vân Hiên”, Nguyễn Việt Nam với “Tired City”, Trần Hồng Nhung với “Zó Project”, Bùi Thị Mai Lan với “Thêu tay Tú Thị”, Trịnh Thu Trang với “Họa sắc Việt”…
Đặc biệt, nhiều sản phẩm lấy cảm hứng từ lịch sử như bộ cờ tướng “Chiếu kinh thành” của Nguyễn Quốc Duy, game “Thần tích” của Lê Mạnh Cương, cờ lịch sử của Quý Đạt và Nguyệt Minh… Đó là chưa kể nhiều mô hình sáng tạo như Bảo tàng Quảng Ninh, Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội… đã tạo ra các điểm du lịch, điểm đến mang lại giá trị kinh tế cụ thể, bền vững…
Băn khoăn về lối đi cho ngành công nghiệp văn hóa
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta nói chung và Thủ đô nói riêng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, môi trường đầu tư, kinh doanh còn một số “điểm nghẽn”… Chị Giàng Thị Mo, thành viên nhóm Hmong Culture chia sẻ, hai khó khăn lớn nhất trong hoạt động của nhóm là thiếu quỹ và địa điểm. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều nhóm sáng tạo trẻ ở Hà Nội hiện nay khi tìm kiếm các nguồn lực về tiếp cận tài chính, địa điểm để có thể tổ chức thường xuyên hơn những hoạt động sự kiện nhằm phổ biến, lan tỏa văn hóa đến cộng đồng.
TS Lư Thị Thanh Lê, giảng viên khoa Công nghiệp văn hóa và Di sản, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) còn chỉ ra những khó khăn trong việc tìm lối đi bền vững cho các doanh nghiệp văn hóa: “Hiện tại, rất nhiều làng nghề còn hạn chế về đổi mới mẫu mã và quản trị. Nhiều cơ sở sản xuất thủ công truyền thống rơi vào vòng luẩn quẩn: Không tiếp cận được nguồn vốn vì không có tư cách pháp nhân nhưng cũng chưa dám đăng ký kinh doanh vì phải lo đầu ra, nuôi nhân viên và các vấn đề quản trị khác”. Do các hoạt động hỗ trợ hiện chủ yếu tập trung vào hoạt động triển lãm, truyền thông về nghề, mở lớp truyền nghề miễn phí nên vẫn nặng về bảo tồn, chứ chưa tạo được đà cho phát triển sản xuất, kinh doanh sáng tạo.
Từ kinh nghiệm vun đắp, duy trì hoạt động của “Nhóm Người Dao Việt Nam: Gắn kết từ bản sắc”, TS Bàn Tuấn Năng chia sẻ: “Phát triển kinh tế từ văn hóa thì phải tạo thành mạng lưới kết nối, hỗ trợ nhau mỗi người một sản phẩm, chứ không phải mạnh ai nấy làm. Và phải phát triển cộng đồng ấy trên nền tảng số chứ không phải cứ bước theo sau con trâu mãi”.
Trong một chương trình về kết nối sáng tạo với di sản cách đây không lâu, đại diện của nhiều nhóm hoạt động trong lĩnh vực di sản và sáng tạo đều cho rằng đã đến lúc cần có một quỹ di sản, trong đó sẽ dành một phần tài trợ cho các cá nhân, nhóm khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cũng đã thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), trong đó có việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.
“Lấy văn hóa nuôi văn hóa”
Nghị quyết 33-NQ/TW là một trong những nghị quyết đầu tiên đề cập tới thị trường văn hóa. Có thể nói đây là một bước ngoặt và một cuộc cách mạng về phát triển bền vững, nhất là khi chúng ta vừa bước ra khỏi nền kinh tế bao cấp. Coi trọng xây dựng thị trường văn hóa là một quan điểm, thái độ rất mạnh mẽ, có ý nghĩa to lớn đối với phát triển bền vững và nhờ nền tảng của Nghị quyết 33-NQ/TW, chúng ta mới có Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa năm 2016 như một sự nối tiếp cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn nội dung Nghị quyết. Nghị quyết đã tạo ra tâm thế sẵn sàng hơn cho các ngành, các cấp cùng thúc đẩy văn hóa, đặc biệt là tâm thế phát triển văn hóa sẵn sàng phục vụ thị trường.
Nếu hơn chục năm về trước, công nghiệp văn hóa còn là khái niệm khá xa lạ với mọi người thì giờ đây khắp nơi bàn về công nghiệp văn hóa như một thứ ngôn ngữ chung của phát triển bền vững, rất dễ hiểu và nhiều cảm hứng. Trong đó, câu chuyện “lấy văn hóa nuôi văn hóa” đang nhận được nhiều sự quan tâm. Trân trọng văn hóa không chỉ là tiêu chí mà các doanh nghiệp phải theo đuổi mà đổi lại, nó còn tạo đà phát triển cho doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng, cái khó là chúng ta cần xóa bỏ định kiến làm kinh tế trong văn hóa.
Công ước của UNESCO về sự đa dạng văn hóa biểu đạt cũng đã hóa giải về định kiến này. Trong sản phẩm thị trường đã có yếu tố văn hóa vì thế chúng ta cần coi các sản phẩm văn hóa là “hàng hóa đặc biệt” của nền kinh tế thị trường, lấy quy luật giá cả điều tiết việc sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ văn hóa, từ thói quen hưởng thụ sản phẩm và dịch vụ được bao cấp sang sử dụng sản phẩm và dịch vụ phải trả tiền… “Từ sự trân trọng kinh tế văn hóa, nỗ lực làm lành mạnh thị trường văn hóa cùng với việc trả công xứng đáng cho tài năng, trí tuệ của những người làm ra sản phẩm văn hóa…, chúng ta sẽ tạo ra những đột phá trong phát triển văn hóa, phục vụ cho sự phát triển bền vững đất nước” – TS Lư Thị Thanh Lê khẳng định.
(Còn tiếp)
Nguồn: https://hanoimoi.vn/10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-33-nq-tw-hien-thuc-sinh-dong-nhin-tu-ha-noi-bai-4-xoa-dinh-kien-ve-thi-truong-van-hoa-686108.html