Chiều nay 11-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trả lời các câu hỏi chất vấn của nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội về giải pháp, kế hoạch nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, “hồi sinh” các dòng sông trên địa bàn.
Về việc “hồi sinh” các dòng sông ô nhiễm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thành phố đang tập trung làm sống lại sông Tô Lịch. Hiện nay, toàn bộ nước thải ra sông Tô Lịch đã được thu gom lại đưa về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá để xử lý, nước thải sau khi làm sạch, đạt tiêu chuẩn sẽ được bổ cập lại cho sông Tô Lịch.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) để triển khai dự án bơm nước sông Hồng vào sông Tô Lịch, để tạo dòng chảy, thực sự làm “hồi sinh” dòng sông hơn 2.000 năm tuổi này theo đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc làm việc với Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 27-11 vừa qua.
“Thành phố sẽ báo cáo, xin Thủ tướng thực hiện dự án này theo tình huống khẩn cấp để sớm bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch. Các cơ quan liên quan đã khảo sát tuyến, hướng dẫn nước từ sông Hồng. Bây giờ chỉ còn triển khai thôi”- ông Trần Sỹ Thanh nói.
Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội nhấn mạnh trên cơ sở “hồi sinh” sông Tô Lịch, sẽ tạo đà để làm sạch các con sông khác ở nội đô như sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP cho biết Hà Nội cũng phát động phong trào “sáng, xanh, sạch, đẹp” trên toàn địa bàn thành phố, trước mắt là tập trung ở các quận nội thành. Trong đó cải thiện vấn đề thu gom rác thải đang khá bất cập hiện nay.
Cũng theo ông Trần Sỹ Thanh, sau khi HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết về vùng phát thải thấp tại kỳ họp này, UBND TP Hà Nội sẽ nghiên cứu phương án để có chương trình giảm thiểu xe máy chạy bằng xăng, dầu trong khu vực phát thải thấp.
“Thành phố sẽ làm việc với các nhà sản xuất có chương trình giảm giá, hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe máy mới, hoặc xe điện để giảm thiểu ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố” – ông Trần Sỹ Thanh nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh công tác làm “sáng, xanh, sạch, đẹp” Thủ đô cần sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, kêu gọi mỗi người dân, doanh nghiệp cùng chung tay với thành phố để làm thay đổi diện mạo, bộ mặt của Thủ đô.