Chạy xe qua phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), nếu không chủ ý tìm kiếm, rất khó để nhìn thấy một quán bánh rán siêu nhỏ, nằm lọt thỏm giữa hai cửa hàng lớn, ẩn mình sau một gốc cây.
Thực khách đến đây thường nhận biết bằng cách “tìm quán nào đông người đứng xếp hàng”.
Quán bánh rán gia truyền của gia đình anh Nguyễn Quốc Khánh (30 tuổi) chuyển về phố Thái Thịnh gần 5 năm. Để tiết kiệm chi phí, chủ quán chọn thuê cửa hàng nhỏ, mặt tiền hơn 1m, khá khuất tầm nhìn bởi nhiều vật cản.
Tuy vậy, quán bánh rán này vẫn thu hút rất nhiều thực khách ở Hà Nội. Hàng ngày, quán mở cửa bán hàng từ 7h đến 18h, khung giờ nào cũng tấp nập người mua.
“Vào mùa đông, cứ từ 15h trở đi, khách sẽ xếp hàng dài ở mép vỉa hè chờ mua bánh. Lúc này phải 2-3 người cùng phục vụ mới kịp”, anh Khánh nói.
Cửa hàng của anh Khánh chỉ bán hai loại bánh rán truyền thống là bánh rán đường và bánh rán mật. Từ công thức làm bánh được ông bà truyền lại, chủ quán thay đổi một số hương vị để phù hợp với khẩu vị của đa số thực khách.
Thay vì làm nhân ngọt, chủ quán chuyển sang làm nhân mặn để trung hòa vị giác, giảm cảm giác ngọt gắt và ngấy khi ăn.
Bánh rán đường sử dụng đường kính trắng, bánh rán mật được làm từ mật mía. Theo chủ quán, đây là mật mía được đặt riêng từ Mộc Châu (Sơn La).
“Loại mật này không phổ biến ở Hà Nội. Tôi đã cất công đi tìm một xưởng sản xuất uy tín sao cho vị ngọt lên bánh tự nhiên, không gắt, đảm bảo lớp mật khi tan chảy bám đều, bao phủ lấy chiếc bánh”, anh Khánh nói.
Bánh nặn xong được thả vào chảo dầu thứ nhất để ngâm, đến khi bánh nổi mới vớt sang chảo rán. Rán là công đoạn khó nhất vì cần căn chỉnh nhiệt độ phù hợp từng giai đoạn.
Khi mới chuyển sang chảo rán, dầu không được để quá sôi, khiến bánh khô và nổ vỏ do bên trong chưa nở hết. Cần tăng nhiệt từ từ để bánh chín dần. Mỗi mẻ bánh làm trong khoảng 30-35 phút.
Bánh rán chín để ráo dầu rồi chuyển sang bước cuối cùng. Đường kính trắng và mật mía được nấu trong hai chảo riêng đến khi nóng chảy, chuyển sang dạng lỏng, sánh, đặc. Cho bánh đã rán chín vào, nhanh tay đảo liên tục để vỏ bánh được phủ đều mật, đường.
Đối lập với lớp vỏ bánh cứng, giòn và ngọt là nhân đậu xanh xay nhuyễn, mịn, vị mặn và bùi. Lượng nhân được căn chỉnh vừa phải để khi cắn, đỗ xanh dàn đều ra toàn bộ chiếc bánh nhưng không bị tràn ra ngoài.
Bánh rán đường được thực khách yêu thích vào mùa hè, bánh rán mật thường đắt hàng vào mùa đông.
Chiếc bánh rán có kích thước khá lớn, bằng lòng bàn tay, mỗi người chỉ ăn 2-3 cái đã no. Cả hai loại bánh đều đồng giá 6.000 đồng/chiếc.
Đạt và Phương (quê Thái Nguyên), hai khách quen của quán bánh rán, chia sẻ: “Chúng tôi đã ăn bánh rán ở quán này hơn 1 năm. Lần nào về quê, hai đứa cũng tạt qua đây để mua mang về làm quà cho cả nhà”.
Theo hai bạn trẻ, bánh rán ở đây có hương vị truyền thống khá thân thuộc, dễ ăn. Tuy nhiên thời gian chờ mua bánh khá lâu, diện tích quán nhỏ nên thường không thể ngồi ăn tại quán.
Dù không nhận bán sỉ cho cơ sở nào khác nhưng quán bánh rán của anh Khánh thường xuyên nhận được những đơn hàng số lượng lớn, khoảng 100-200 chiếc. Trong ảnh là một đơn hàng 100 chiếc bánh rán: 50 đường-50 mật, vận chuyển đến cho một khách lẻ ở Cầu Giấy (Hà Nội).
Mỗi ngày quán bán khoảng 7.000-10.000 chiếc, cao điểm mùa đông bán hơn 12.000 chiếc. Tuy mặt tiền và không gian nơi chế biến đều nhỏ nhưng vẫn mang về cho quán bánh rán trung bình 50-60 triệu đồng/ngày doanh thu.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/du-lich/ha-noi-quan-banh-ran-thu-50-trieu-dongngay-khach-xep-hang-cho-mua-20241110021025594.htm#&gid=1&pid=10