Dự kỳ họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH thành phố…
Tâm huyết, trách nhiệm trong thảo luận về kinh tế – xã hội
Thực hiện chương trình của kỳ họp, chiều 1-7, HĐND thành phố thảo luận tại tổ về lĩnh vực kinh tế – xã hội với 4 nội dung quan trọng. Các tổ đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, chất lượng với 40 lượt đại biểu phát biểu.
Nhấn mạnh, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong 6 tháng cuối năm 2024, đến thời điểm ngày 1-7-2024, có 7 luật có hiệu lực. Do đó, các đại biểu đề nghị UBND thành phố cần bổ sung các giải pháp triển khai thực hiện các luật này trong báo cáo kinh tế – xã hội 6 tháng cuối năm 2024; đặc biệt tập trung triển khai quán triệt thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) để các cấp, ngành nằm rõ từng nội dung, có kế hoạch lộ trình triển khai thực hiện cụ thể.
Về nội dung điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2024 và định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của thành phố Hà Nội; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, đại biểu đề nghị UBND thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong triển khai các dự án đầu tư công; trong đó cần có những chỉ đạo, định hướng lớn trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, giải quyết đồng bộ cho toàn thành phố chứ không phải chỉ riêng lẻ từng khu vực.
Cho ý kiến về Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các đại biểu đề nghị UBND thành phố tiếp tục rà soát Đề án để bảo đảm triển khai những nội dung liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng phòng cháy, chữa cháy được nêu trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy.
Thảo luận về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, đa số đại biểu đánh giá cao việc xây dựng và triển khai Đề án nhằm tạo bộ mặt mới cho giao thông công cộng của Thủ đô trong tương lai. Đại biểu đề nghị UBND thành phố tiếp tục rà soát Đề án để bảo đảm triển khai những nội dung liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông công cộng, hạ tầng đường sắt đô thị được nêu trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được Quốc hội cho ý kiến.
Đồng bộ công nghệ giữa các hệ thống đường sắt đô thị
Để hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu, báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu HĐND nêu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; trong đó phân công cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện chỉ tiêu và lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị đối với 17 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu Đại hội và 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2024 và 2025.
Để phấn đấu hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2024 ở mức cao nhất, tại kỳ họp này, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố thông qua mức hệ số điều chỉnh giá đất đối với các trường hợp áp dụng hệ số theo quy định của pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh công tác xác định giá đất cụ thể đối với các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ngay trong 6 tháng đầu năm 2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Thường trực Thành ủy đã tổ chức các hội nghị giao ban xây dựng cơ bản; UBND thành phố đã rà soát, ban hành 2 kế hoạch thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó đã rà soát, chỉ ra các điểm nghẽn của giải ngân vốn đầu tư công, tập trung một số nguyên nhân chính là vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, quy hoạch, chỉ giới đường đỏ, đánh giá tác động môi trường.
Đối với đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, UBND thành phố đã cập nhật, bổ sung ngay những vấn đề liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Luật vào dự thảo Đề án, cụ thể về biện pháp xử lý đối với các cơ sở, công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
Sơ bộ khái toán dự kiến kinh phí để thực hiện Đề án đến năm 2030 là khoảng 26.341 tỷ đồng nhưng thực tế có thể là 19.960 tỷ đồng (chiếm 75,8%).
Thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và Chỉ thị của Chính phủ, UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu tham mưu HĐND thành phố các quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các công trình vi phạm, có hướng dẫn cụ thể về giải pháp để đảm bảo an toàn cho nhóm cơ sở loại hình nhà trọ, chung cư mini, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
Về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, đồng chí Dương Đức Tuấn cho biết, hiện tại dự thảo Đề án cũng đang đề xuất theo hướng ưu tiên giải quyết là việc lựa chọn áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ chung, đồng bộ cho toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị của các địa phương. UBND thành phố sẽ chỉ đạo thành viên Tổ công tác, Ban Quản lý đường sắt đô thị tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hồ Chí Minh để hoàn thiện nội dung đề xuất.
UBND thành phố sẽ chỉ đạo thành viên Tổ công tác, Ban Quản lý đường sắt đô thị rà soát, hoàn thiện nội dung Đề án cũng như thúc đẩy thủ tục chuẩn bị đầu tư tuyến 2A kéo dài (Cát Linh – Hà Đông kéo dài) và các tuyến đã có nghiên cứu và dự kiến hoàn thành trong phân kỳ đầu tiên của Đề án (đến năm 2030).
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ha-noi-day-nhanh-viec-dau-tu-duong-sat-do-thi-tuyen-cat-linh-ha-dong-keo-dai-670917.html