Dẫu vậy, giấc mơ chinh phục khán giả quê nhà của bộ phim nói riêng, cũng như hầu hết các phim độc lập, vẫn muôn trùng gian khó.
Một bộ phim thú vị
Ra rạp ngày 3-1, “Mưa trên cánh bướm” là bộ phim Việt “mở bát” năm 2025. Thú vị hơn, đó lại là một bộ phim độc lập – dòng phim mới nghe đã thấy kén người xem – chứ không phải một “bom tấn” thương mại với những ngôi sao giải trí đông người hâm mộ, nhiều chiêu trò hút khách.
Trước khi công chiếu, “Mưa trên cánh bướm” đã được công chúng quen tên bởi phim đã có một hành trình ấn tượng tại nhiều liên hoan phim trên thế giới và xuất sắc giành tới 2 giải tại Liên hoan phim Venice lần thứ 81, bao gồm giải Circolo del Cinema Verona cho phim sáng tạo nhất – do các nhà phê bình phim quốc tế dưới 35 tuổi chấm, và giải cao nhất của hạng mục này – IWONDERFULL Grand Prize cho phim hay nhất. Bên cạnh đó, phim cũng chinh chiến tại gần 20 liên hoan phim lớn nhỏ trên toàn cầu và giành về nhiều giải thưởng quan trọng khác.
Hai giải thưởng lớn kể trên đã phần nào gợi mở cho công chúng về một bộ phim “không như thường thấy”. “Mưa trên cánh bướm” hòa trộn giữa các yếu tố tâm lý, hài đen, kinh dị và giả tưởng để kể một câu chuyện về một gia đình ở Hà Nội. Bối cảnh Hà Nội quen thuộc với những khu nhà tập thể cũ, nếp sống rất Hà Nội, cảnh tắc đường, trung tâm tiệc cưới ồn ào, cầu Long Biên, sông Hồng – thật bất ngờ, lại được sử dụng để kể một câu chuyện vừa rất đỗi quen thuộc, vừa khó đoán biết, ma mị.
Phim xoay quanh gia đình bà Tâm (nghệ sĩ Tú Oanh đóng), sau khi phát hiện chồng ngoại tình, bà Tâm tìm đến một thầy bùa nhằm “kéo hồn” chồng về nhà, nhưng lại vô tình đánh thức một thế lực kỳ bí trong chính ngôi nhà của mình.
“Mưa trên cánh bướm” đúng như tên gọi của nó, chứa đựng nhiều thông điệp về đời sống tinh thần của người phụ nữ Việt trong đời sống đô thị hiện đại. Họ mang trong mình nhiều ẩn ức, khao khát hạnh phúc nhưng phần nhiều bế tắc. Đây là câu chuyện mà đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh đã dành tới 5 năm để thực hiện trong đó có 4 năm cho việc phát triển kịch bản.
Diệu Linh chia sẻ, bản thân muốn khắc họa những gì thân thuộc nhất ở những người phụ nữ xung quanh cô, cách họ khát khao hạnh phúc, cách họ đối mặt với những khủng hoảng của cuộc sống, hay cả những sự “cằn nhằn” mà cô nghĩ rằng rất độc đáo và đáng yêu.
Cần có thêm sân chơi
Trong buổi ra mắt phim “Mưa trên cánh bướm”, ê kíp làm phim đã nói khá nhiều về ước mơ và niềm hạnh phúc khi được chiếu tại hệ thống rạp thương mại cho khán giả nước nhà.
Đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh đùa vui: “Giống như khi mình ra ngoài xã hội, là chính mình và rất tự do, thì khi về nhà với bố mẹ lại lo lắng vì không biết bố mẹ sẽ đón nhận cá tính thật của mình như thế nào, thì việc bộ phim được chiếu tại quê nhà cũng cho Linh cảm giác như thế”.
Trong khi đó, diễn viên chính Tú Oanh cũng bày tỏ, việc dạo bước trên thảm đỏ tại các liên hoan phim lớn với cô thậm chí còn không áp lực và xúc động như khi được đứng trên sân khấu ra mắt bộ phim tại quê hương Việt Nam. Điều này cho thấy, dù bộ phim có thành danh đến đâu, khán giả trong nước vẫn là “đích đến” của người thực hiện.
Nhưng với bảng thành tích dài, với vị trí là phim mở màn năm mới, “Mưa trên cánh bướm” vẫn chưa tạo được dấu ấn ngoài rạp, nếu không muốn nói sự tương tác của người xem với phim còn khá lạnh lẽo. Với mong muốn ủng hộ phim Việt, đặc biệt là những phim đã được đánh giá cao về chất lượng ở các liên hoan phim thế giới, chị Tuyết Mai (quận Hai Bà Trưng) “ngóng” từng ngày phim “Mưa trên cánh bướm” ra rạp.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu lịch chiếu, chị không khỏi thất vọng bởi bộ phim chỉ có 1 – 2 khung giờ chiếu/ngày và được xếp vào những khung giờ “kén” người xem như 12h45, 22h30, 23h30… Trong khi đó, những bộ phim nước ngoài như “Vùng đất linh hồn”, “Nhím Sonic 3”… áp đảo về suất chiếu và chiếm gần hết các khung giờ đẹp. Trong suất chiếu 12h45 ngày 5-1 mà chị Mai chọn xem phim “Mưa trên cánh bướm”, cả phòng chiếu chỉ có 4 khán giả!
Những năm gần đây, điện ảnh nước nhà đã chứng kiến một “làn sóng” phim Việt mạnh mẽ tại các liên hoan phim lớn, mang về những giải thưởng danh giá. Cuối năm 2022, sau khi ra mắt ấn tượng tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo, bộ phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận tin vui khi giành giải cao nhất Montgolfière d’or tại Liên hoan phim Quốc tế Ba châu lục, được tổ chức tại Nantes, Pháp.
Gây tiếng vang lớn vào mùa hè 2023, “Bên trong vỏ kén vàng” đã mang về cho đạo diễn Phạm Thiên Ân giải thưởng Camera d’Or dành cho phim đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2023.
Tại Liên hoan phim Berlin 2024, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Phạm Ngọc Lân “Cu li không bao giờ khóc” cũng đã xuất sắc được xướng tên tại giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc…
Tuy nhiên, với những bộ phim kể trên, việc thành danh ngoài rạp thương mại chỉ là một “giấc mơ trưa”, đầy hứng khởi ban đầu nhưng sớm tàn bởi phim độc lập hay đấy, độc đáo, sáng tạo đấy song thường kén khán giả.
Bởi vậy, thiết nghĩ với những bộ phim đã gây tiếng vang, cần có một sân chơi riêng, có cơ chế khuyến khích trong phát hành để khán giả của dòng phim này có thêm cơ hội thưởng thức và ê kíp sáng tạo được động viên để tiếp tục cho ra đời những bộ phim nghệ thuật giàu cá tính.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/giac-mo-trua-cua-phim-doc-lap-690148.html