Trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, nghệ sĩ Hoàng Cúc tỏa sáng qua những vở “Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh”, “Tôi và chúng ta”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Thầy khóa làng tôi”, “Mùa hoa sữa”… Qua màn ảnh, bà được nhớ đến khi vào vai những nhân vật như Tám Bính trong “Bỉ vỏ”, Dương Thái Phi trong “Kiếp phù du”, Thủy trong “Tướng về hưu”…
1. NSND Hoàng Cúc quê ở Hưng Yên. Từ thời niên thiếu bà đã bộc lộ năng khiếu thanh nhạc và sở thích ca hát. Khi Đoàn nghệ thuật Tuyên Quang tổ chức chiêu mộ diễn viên ở miền Bắc, bà đã được đoàn mời về công tác với vai trò diễn viên hát (ca sĩ).
Những tưởng Hoàng Cúc sẽ thành danh trong lĩnh vực âm nhạc nhưng số phận lại đưa bà đến với sân khấu kịch nói khi bà quyết định đăng ký thi vào khoa Kịch nói của Trường Nghệ thuật Việt Bắc vào năm 1982 với một khóa học kéo dài 4 năm. Sau khi tốt nghiệp, Hoàng Cúc đầu quân cho Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội) và tỏa sáng trên sân khấu với hàng loạt vở diễn được khán giả Thủ đô yêu thích, góp phần làm nên thành công chung của Nhà hát Kịch Hà Nội, như “Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh”, “Tôi và chúng ta”, “Em đẹp dần lên trong mắt anh”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Thầy khóa làng tôi”, “Mùa hoa sữa”… Với gương mặt đẹp, quyến rũ một cách bí ẩn, lạnh lùng, nghệ sĩ Hoàng Cúc được các đạo diễn điện ảnh chú ý và mời tham gia các bộ phim có nhân vật nữ chính cá tính. Mỗi vai diễn mà Hoàng Cúc đảm nhận trong phim là một số phận người phụ nữ khác nhau, nhưng bà đã làm cho những người phụ nữ đó mãi mãi được người hâm mộ nhớ đến.
Lần đầu tiên Hoàng Cúc xuất hiện trên màn ảnh là trong phim truyền hình “Chuyện thường ngày ở huyện” của cố đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung, được dàn dựng theo một vở kịch của Liên Xô. Sau đó, Hoàng Cúc tiếp tục được đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung mời tham gia bộ phim điện ảnh “Hồi chuông màu da cam”. Nhân vật trong phim do bà đảm nhận là Thu Trang, vợ một phi công của chế độ cũ. Thu Trang sống trong cuộc sống màu hồng với người chồng rất mực yêu thương vợ cho đến khi cả hai đón đứa con đầu lòng. Nỗi đau đớn tột cùng ào tới khi đứa bé ra đời có hình hài không giống bình thường, là bởi người chồng đã bị nhiễm chất độc da cam trong một lần anh thực hiện chuyến bay rải chất hóa học xuống những cánh rừng quê hương mình. Người đàn bà đẹp vô tội, khát khao hạnh phúc lại trở thành nạn nhân của một bi kịch và đã phải tìm đến cái chết để tự giải thoát. Nỗi đau của người mẹ, người vợ trong phim được Hoàng Cúc thể hiện một cách chân thực qua từng ánh mắt, cử chỉ lúc dồn nén, lúc vỡ òa, khiến khán giả không thể quên được vai diễn của bà cùng thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải.
2. Có thể nói, lối diễn xuất không đơn thuần là diễn mà là sự hóa thân hoàn hảo của nghệ sĩ Hoàng Cúc vào nhân vật trong những bộ phim hấp dẫn ở những năm cuối thập niên 1980, đầu 1990 đã góp phần giúp đời sống điện ảnh Việt Nam có nhiều khởi sắc. Trong “Bỉ vỏ”, kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng, cây bút nổi tiếng dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945, Hoàng Cúc đã thể hiện xuất sắc vai Tám Bính, một cô gái quê bị dòng đời xô đẩy trở thành “chị đại” khét tiếng tại các nhà ga, bến tàu thành phố cảng Hải Phòng. Cuộc đời Tám Bính với những góc khuất đau thương, bị vùi dập mà tha hóa, biến chất, trở thành kẻ lưu manh, bất cần đời trong một xã hội loạn lạc đã được nghệ sĩ Hoàng Cúc “trần thuật” một cách chân thực, khiến người xem nhớ mãi. Và, cái tên Hoàng Cúc dường như “đóng đinh” nhân vật Tám Bính cho đến tận hôm nay.
Sau khi thành công đưa Tám Bính từ trang sách lên màn ảnh, nghệ sĩ Hoàng Cúc tiếp tục thể hiện thế mạnh của mình là đôi mắt đượm buồn trên gương mặt quyến rũ, lạnh lùng để thể hiện chiều sâu nội tâm, tính cách nhân vật Thái phi Dương Ngọc Hoan (Dương Thái Phi) trong phim “Kiếp phù du” – một chính cung bị chúa Trịnh Sâm ruồng bỏ. Bà đã xuất sắc vào vai một người mẹ đau đớn nhìn con trai bị tống vào ngục tối mà đành nuốt hận vào trong, giả bộ nhu mì trước mặt Quốc mẫu hòng toan tính có được sự trợ giúp để báo thù Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Hai sắc thái đau đớn, uất nghẹn và kiêu căng, ngạo mạn ở người đàn bà quyền lực bị thất thế được bà thể hiện qua từng cử chỉ, từ ánh mắt cho tới cái nhếch môi cười trong công cuộc báo thù tàn độc để rồi đến lúc nhận ra mọi thứ đều là phù du, bản thân mình cũng chỉ là kiếp phù du…, tất cả đều chuẩn chỉnh, không có gì để người xem phải phàn nàn.
Một vai diễn để đời nữa của Hoàng Cúc là nhân vật bác sĩ Thủy trong bộ phim “Tướng về hưu”. Thủy là con dâu của một ông tướng đã về hưu, là bác sĩ sản khoa có phong cách sống thực dụng, thức thời, yêu tiền và sòng phẳng đến mức tàn nhẫn. Tận dụng lợi thế về ngoại hình và khả năng diễn xuất chân thực, “diễn mà không diễn”, bà đã tạo nên một nhân vật rất đời, có những hành động, cử chỉ gây ám ảnh cho ông tướng một đời liêm khiết và cho chính người xem. Vai diễn này đã đem lại cho bà giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ IX – năm 1990. Còn “Tướng về hưu” giành giải thưởng Bông sen Bạc (không có Bông sen Vàng), tạo được tiếng vang, gây xôn xao dư luận và được ví như bước ngoặt mở ra một trang mới trong sáng tác điện ảnh nước nhà, được xem là bước đột phá trong sự nghiệp của đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi.
3. Tròn 30 năm gắn bó với sân khấu từ khi ra trường cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 2012, trải qua nhiều vị trí khác nhau, NSND Hoàng Cúc luôn hết mình với công việc, với nghề diễn mà bà theo đuổi. 11 năm làm Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, Hoàng Cúc đã nỗ lực cùng các đồng nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn của sân khấu kịch, ra sức tìm kịch bản hay và thành công với các vở diễn “Cát bụi”, “Mắt phố”… Với điện ảnh, tuy không đóng nhiều phim nhưng mỗi vai diễn của Hoàng Cúc, dù ở thể loại cổ trang hay hiện đại, đều đem đến một sức hấp dẫn bí ẩn khó cưỡng.
Ở tuổi lục tuần, nghệ sĩ Hoàng Cúc vẫn đẹp. Trong ngôi nhà ngày nào cũng tràn ngập hoa, bà tận hưởng cuộc sống bình yên, làm đẹp cho mình, cho đời và làm thơ, như một cách giải tỏa năng lượng. Những khi rảnh rỗi, bà hẹn gặp bạn đồng hương, đồng nghiệp và các cuộc gặp gỡ cũng thường xoay quanh việc làm đẹp, hiếm khi nói chuyện về công việc hay về nghề nghiệp của nhau.
Dẫu cuộc đời có những lúc thăng trầm nhưng người phụ nữ có một chút gì đó tính cách của Tám Bính, Dương Thái Phi, bác sĩ Thủy… đã vững vàng vượt qua. Rời khỏi những vai diễn nổi sóng trên màn ảnh và cả sân khấu, Hoàng Cúc là “vai chính” trong bộ phim chân thực và hấp dẫn về cuộc đời mình – vai người bà, người mẹ, người bạn giỏi giang, nhỏ nhẹ, tận tâm, nhiệt tình của cháu, con và bạn bè.
NSND Hoàng Cúc tên đầy đủ Hoàng Thị Cúc, sinh năm 1957 tại Hưng Yên. Một số phim điện ảnh mà bà tham gia: “Người tôi yêu”, “Dòng sông khát vọng, “Đằng sau cánh cửa”, “Sa bẫy”, “Tình yêu bên bờ vực thẳm”, “Giông tố”; phim truyền hình: “Em không phải là đàn bà”, “Hoa hồng trên ngực trái”. Với những đóng góp của mình cho nghệ thuật sân khấu và điện ảnh nước nhà, năm 1997, Hoàng Cúc được phong tặng danh hiệu NSƯT; năm 2011, bà được phong tặng danh hiệu NSND.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/nghe-si-nhan-dan-hoang-cuc-ghi-dau-an-bang-nhung-vai-dien-nhu-khong-dien-677033.html