Đồng thời, Thông tư mới cũng được kỳ vọng sẽ khắc phục được những tiêu cực của việc dạy thêm, học thêm cả trong và ngoài nhà trường, góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng dạy thêm, học thêm như hiện nay.
Điểm đáng chú ý của Thông tư số 29 là siết cả việc dạy thêm, học thêm cả trong và ngoài nhà trường. Trong đó, hạn chế các đối tượng được học thêm trong nhà trường, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường và nhà trường không thu tiền của các đối tượng này gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Về đối tượng người dạy, Thông tư 29 quy định giáo viên thuộc các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền học đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để hạn chế việc giáo viên đưa học sinh của mình ra ngoài dạy thêm. Quy định này sẽ tác động mạnh mẽ tới cả người dạy và người học; khắc phục hầu hết các tiêu cực của việc dạy thêm trước đây như ép buộc, bớt xén bài trên lớp, phân biệt đối xử giữa học sinh đi học thêm và không đi học thêm, đưa việc dạy và học trong nhà trường trở lại đúng quỹ đạo vốn có.
Đối với hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, theo quy định của Thông tư 29, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải công khai các thông tin về việc dạy của mình và phải báo cáo hiệu trưởng về môn dạy, thời gian, địa điểm, tức hiệu trưởng có trách nhiệm quản lí cả việc giáo viên dạy thêm bên ngoài. Đây được xem là thay đổi căn bản góp phần khắc phục việc quản lí hoạt động dạy thêm không hiệu quả thời gian qua; từng bước đưa hoạt động dạy thêm, học thêm đi vào chuyên nghiệp, minh bạch…
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội cho rằng, điểm đột phá của Thông tư 29 do Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành là đưa dạy thêm là loại hình kinh doanh có điều kiện; góp phần khắc phục những bất cập trong quản lý dạy thêm, học thêm hiện nay.
Để đưa việc dạy thêm, học thêm vào quỹ đạo tích cực trong thời gian tới, thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng, rất cần đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết cần làm tốt khâu đăng ký kinh doanh theo hướng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GD&ĐT cần công khai các tiêu chí, điều kiện để đăng ký dạy thêm; nghiêm túc trong việc xét duyệt hồ sơ, cấp đăng ký kinh doanh.
Cùng với đó, làm tốt khâu quản lí hoạt động dạy thêm như: Các cấp chính quyền theo phân công nhiệm vụ cần giám sát, kiểm tra và xử lí kịp thời các vi phạm; các đơn vị quản lý giáo dục cần làm tốt việc quản lí chuyên môn và phối hợp thanh, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm; tăng cường sự giám sát của học sinh, phụ huynh, truyền thông và của toàn xã hội.
Mặt khác, ngành Giáo dục cũng cần đổi mới cách kiểm tra, đánh giá, thi cử phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Đó là tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Nếu đề thi thay đổi theo hướng này thì cũng tác động trở lại việc dạy và học, khi đó việc học thêm cũng sẽ giảm. Ngoài ra, cần tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp thông tin để học sinh, phụ huynh nhận thức rõ khi nào cần học thêm, học cái gì và học như thế nào; giảm áp lực thi cử, xây dựng thêm trường, lớp nhằm đáp ứng quyền lợi của người học…
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu – Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, việc đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ giúp kiểm soát tốt hơn các trung tâm dạy thêm, ngăn chặn tình trạng chạy đua điểm số, dạy thêm quá tải, gây áp lực cho học sinh, cho cả giáo viên.
Đồng thời, việc đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ giúp phân biệt giữa dạy thêm và hoạt động bổ trợ kiến thức tại trường học; từ đó góp phần giảm thiểu bất bình đẳng, thúc đẩy việc học thêm phải dựa trên nhu cầu thực của người học và khả năng đáp ứng của đơn vị cung cấp dịch vụ. Từ đó vai trò của gia đình, phụ huynh, của chính người học thực sự được nâng cao, mang tính quyết định khi lựa chọn dịch vụ dạy thêm…
Mặc dù ủng hộ tinh thần của Thông tư 29 song vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về các quy định cần được làm rõ thêm. Chẳng hạn như Thông tư 29 quy định “việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được phép thu tiền của học sinh”. Vậy nguồn kinh phí để các trường chi trả cho giáo viên khi tham gia bồi dưỡng kiến thức cho các đối tượng này sẽ lấy từ đâu?
Bên cạnh đó, hiện cũng có một số đối tượng có nhu cầu bồi dưỡng kiến thức thêm trong nhà trường như học sinh trung bình muốn phấn đấu lên khá, học sinh khá muốn phấn đấu lên giỏi thì nhà trường cũng muốn có thể hỗ trợ thêm cho các em này nếu các em thực sự có nhu cầu. Tuy vậy, theo quy định trong Thông tư 29, các em này lại không nằm trong các đối tượng để tổ chức dạy thêm trong nhà trường.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng lo ngại Thông tư 29 có thể sẽ mở đường cho các trung tâm dạy thêm mọc lên như nấm để hợp thức hoá nhu cầu với những tên gọi mỹ miều như: Trung tâm phát triển nhân lực chất lượng cao; trung tâm ôn thi chất lượng cao; trung tâm bồi dưỡng năng lực, tư duy….
Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/dua-day-them-hoc-them-vao-quy-dao-tich-cuc-i755859/