Hà Nội đang tập trung khai thác giá trị to lớn từ quà lưu niệm, trong đó có những thức quà tạo thành sản phẩm đặc trưng, nhắm phát huy tiềm năng của các đặc sản, làng nghề truyền thống.
Quà lưu niệm gắn với câu chuyện văn hoá Hà Nội
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định: “Mùa thu Hà Nội luôn là cơ hội để kích cầu du lịch Thủ đô. Khai thác thông qua quà tặng ẩm thực, các đơn vị cung cấp dịch vụ ẩm thực, ăn uống sẽ có thêm động lực, cơ hội để đáp ứng nhu cầu của du khách. Thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo, lễ hội, để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong ngành du lịch, giúp các đơn vị rút kinh nghiệm và ngày càng hoàn thiện sản phẩm, mang đến cho du khách ẩm thực Hà Nội trọn vẹn nhất”.
Với bề dày lịch sử và văn hóa nghìn năm, Hà Nội từ lâu đã thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ngoài tiềm năng du lịch từ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, Hà Nội còn ghi danh trên bản đồ du lịch thế giới bởi những món ăn và sản phẩm thủ công truyền thống, mang đậm nét đặc trưng của đất kinh kỳ.
Nhắc đến “quà” Hà Nội, du khách thường nhắc ngay đến Cốm làng Vòng, bánh cuốn Thanh Trì, phở cuốn Hương Mai, hay những sản phẩm thủ công như: Gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Đường Lâm… Tất cả đã trở thành những biểu tượng văn hóa độc đáo, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hình ảnh Hà Nội trong mắt bạn bè quốc tế.
Các sản phẩm đặc sản và quà tặng của Thủ đô không chỉ đơn thuần là những món hàng để bán, mà còn là những câu chuyện văn hóa, là những ký ức và tình cảm được gói gọn trong từng món quà. Điều này không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm du lịch, mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô.
Bà Vũ Thị Phúc, chủ cơ sở cốm Mộc Lam của làng Mễ Trì (Hà Nội) cho biết, cơ sở giới thiệu các sản phẩm cốm gia truyền truyền thống Hà Nội như: Cốm tươi, xôi cốm, cốm xào… Sản phẩm được du khách khen luôn là động lực để duy trì sản phẩm truyền thống, lan toả đến giới trẻ nhớ về sản phẩm cốm xưa.
Bà Nguyễn Thị The, phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) nhận xét: “Thời gian gần đây, Hà Nội tổ chức nhiều chương trình quảng bá sản phẩm nghề truyền thống tới du khách. Chúng tôi cũng thường tham gia để giao lưu học hỏi, hoàn thiên sản phẩm. Hiện, sản phẩm bánh cuốn của làng nghề được các cấp chính quyền quan tâm, trở thành đặc sản, từng bước quảng bá tới du khách trong và ngoài nước”.
Còn bà Nguyễn Thị Lành tự hào với nem nắm chợ Vôi, Chương Mỹ (Hà Nội). Món nem nắm đều có ở các tỉnh, thành phố, nhưng mỗi nơi có công thức riêng, hương vị riêng. Điều này phụ thuộc gia vị và sản phẩm nem nắm chợ Vôi đã đạt sản phẩm OCOP 2 sao, được kỳ vọng trở thành thức quà của Hà Nội cho du khách.
Thúc đẩy phát triển du lịch quà tặng
Theo các chuyên gia du lịch, dù Hà Nội có 1.350 làng nghề, với nhiều sản phẩm quà tặng, nhưng việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, do tính biểu trưng chưa cao, khó thu hút du khách mua khi đến Hà Nội.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng chia sẻ, Hà Nội được biết đến là vùng đất trăm nghề, nhưng hiện các sản phẩm quà lưu niệm vẫn na ná nhau, không có điểm nhấn. Ở đâu người ta cũng thấy những áo phông, cốc chén, nón lá, móc khóa… với hình ảnh cô gái mặc áo dài, xích lô, gánh hàng rong hay các hoa văn, họa tiết thổ cẩm… nên nhiều du khách không mặn mà. Trong khi sản phẩm đặc trưng lại đang thiếu nhiều.
Thức quà mang tính đặc trưng Hà Nội. Ảnh: LP
Thực tế cho thấy, mặc dù nhu cầu mua đồ lưu niệm khi đến Hà Nội của du khách lớn, nhưng các làng nghề chủ yếu sản xuất phục vụ xuất khẩu, chưa chú trọng khai thác thị trường ngách trong việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Theo Giám đốc Công ty CP Thương mại và du lịch Ngọc Châu Á Tiến Thành Định, nhiều năm qua, các công ty du lịch không có nhiều lựa chọn khi tìm mua quà tặng cho khách nước ngoài. Nguyên nhân là bởi các làng nghề, điểm đến vẫn “loay hoay” trong phát triển sản phẩm quà tặng và chưa có định hướng về nhận diện thương hiệu, khó tạo được chú ý cho du khách.
Về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm quà tặng, Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị sự kiện (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) TS Trịnh Lê Anh gợi ý, để các món quà tặng Hà Nội lưu giữ trong tâm trí du khách, nhà sản xuất phải có những câu chuyện văn hóa gắn với sản phẩm. Từ đó, chạm vào cảm xúc của du khách, kích thích nhu cầu mua sắm của khách.
Chia sẻ từ thực tế của làng cổ Đường Lâm về xây dựng và phát triển quà tặng cho du khách, Trưởng Ban quản lý làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đường Thạo cho biết, để khắc phục yếu điểm này, trong thời gian qua, Đường Lâm đã phối hợp với một số nghệ nhân, tạo các lớp trải nghiệm mỹ thuật truyền thống như nghệ thuật sơn mài, làm gốm… Tạo điều kiện cho du khách trực tiếp tham gia trải nghiệm vẽ mỹ thuật trên ngói cổ, cánh cửa cũ… và mang những sản phẩm đó về làm kỷ niệm.
Để sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch của Hà Nội phát triển, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) Lê Bá Ngọc đề xuất, Hà Nội phải xác định được sản phẩm nào bán cho đối tượng nào, để có sản phẩm phù hợp mang thông điệp của Hà Nội. Bên cạnh việc xây dựng kênh tiêu thụ trực tiếp tại các tuyến phố trung tâm, làng nghề nên tận dụng thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới du khách quốc tế.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang kỳ vọng, loại hình du lịch quà tặng được các nghệ nhân, nhà cung ứng sáng tạo sản phẩm đặc trưng của Hà Nội thay vì cho sản phẩm thông thường. Một sản phẩm quà tặng cho khách du lịch nên mang nhiều ý nghĩa về văn hóa, tinh thần được thiết kế nhỏ gọn, sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường. Nếu đáp ứng đúng nhu cầu, khách du lịch sẽ nhớ mãi về sản phẩm, điểm đến, không chỉ dừng lại giữa việc mua và bán.