Hà Nội: Đình chỉ lưu hành, thu hồi 2 loại mỹ phẩm kém chất lượng
Sở Y tế Hà Nội ban hành 2 văn bản thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tại Văn bản 4612/SYT-NVD, Sở Y tế Hà Nội thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi lô sản phẩm Kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser, hộp 1 lọ 8g; số lô: 23032401; NSX: 23/3/2024; HSD: 23/03/2027; số công bố: 001366/22/CBMP-HCM;
Ảnh minh họa |
Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, sản xuất: Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nguyễn Quách (địa chỉ: 25 đường 4C, khu phố 4, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM).
Sản phẩm được sản xuất tại Chi nhánh Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nguyễn Quách (địa chỉ: 111/10 Lê Đình Cẩn, khu phố 6, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. HCM).
Lý do là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa thành phần chất bảo quản Methyl paraen và Propyl paraben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Tại Văn bản 4613/SYT-NVD, Sở Y tế Hà Nội thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Kem bôi da Thuần Mộc – hộp 1 tuýp 16g.
Sản phẩm này trên nhãn ghi số lô: 07/2024/NHB; NSX: 25/6/2024; HSD: 24/12/2026; SCB: 94/23/CBMP-HB; tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty cổ phần Hòa Bình Pharma (địa chỉ: xóm Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình); Công ty cổ phần dược mỹ phẩm Tân Vạn Xuân (địa chỉ: xóm Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) sản xuất.
Sản phẩm bị đình chỉ lưu hành, thu hồi do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn khẩn trương rà soát, ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm nêu trên.
Đối với phòng y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế đề nghị thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm nêu trên; kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của các cơ sở (nếu có);
Sở Y tế sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông để thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm và người dân biết để không buôn bán, sử dụng các loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng nêu trên.
Trước đó, về quản lý sản phẩm mỹ phẩm, Bộ Y tế đã có Văn bản chỉ đạo số 3873/BYT-VPB về vấn đề này, trong đó nêu rõ qua thông tin từ báo chí, thời gian qua phát hiện một số vụ việc liên quan đến việc cơ quan chức năng phát hiện và xử lý một số cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm giả, mỹ phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ được mua, bán trên các trang mạng xã hội gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý Dược, Thanh tra Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc thủ tục hành chính về cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm đảm bảo tiến độ về thời gian, không gây phiền hà cho các doanh nghiệp.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm mỹ phẩm, tập trung về vấn đề nguồn gốc xuất xứ, thông tin quảng cáo.
Chủ động phối hợp với cơ quan quản lý thị trường địa phương thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện các trường hợp sản xuất, kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm giả, nhái nhãn hiệu hoặc quảng cáo sai lệch, quá phạm vi công dụng được công bố, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nói về nguy cơ của người dùng khi sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng, bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, việc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng không chỉ khiến da nổi nhiều mụn, mà những bệnh nhân bị biến chứng nặng có thể phải đối mặt với các triệu chứng phù nề, sẹo sâu, da mặt bị hủy hoại, thậm chí có trường hợp tử vong do nhiễm độc chì.
Để điều trị cho bệnh nhân từng dùng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là những loại có chứa corticoid, bác sỹ phải căn cứ vào từng mức độ tổn thương, thể bệnh để có phác đồ điều trị riêng. Thời gian điều trị kéo dài, gây tốn kém về tiền bạc.
Để làm đẹp an toàn, bác sỹ Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo, mọi người cần lưu ý làm đẹp đúng cách. Phải mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được bán tại những cơ sở uy tín, có tem nhãn, tiêu chuẩn, số đăng ký, hạn dùng rõ ràng.
Trước khi quyết định làm đẹp da hay chữa mụn trứng cá, thâm nám da bằng bất cứ sản phẩm nào, nên có tư vấn của bác sỹ da liễu. Bên cạnh đó, mỗi người cần trang bị kiến thức cơ bản về tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng mỹ phẩm để chủ động phòng, tránh và xử lý kịp thời.
Ngoài ra, trước khi sử dụng mỹ phẩm, cần thử trước các phản ứng kích ứng, dị ứng, bằng cách thoa một lượng nhỏ trên vùng da của mặt trong cổ tay, chờ đợi một thời gian xem có biểu hiện gì hay không, rồi mới quyết định tiếp tục sử dụng.
Theo chuyên gia, sau khi dùng mỹ phẩm, nếu thấy có dấu hiệu nóng, đỏ, ngứa, nổi mụn thì phải ngừng sử dụng ngay lập tức, rửa sạch vùng da tiếp xúc mỹ phẩm nhằm hạn chế tác động.
“Khi đã có dấu hiệu dị ứng, tuyệt đối không sử dụng các loại mỹ phẩm khác, không sờ nặn, hạn chế tiếp xúc ánh nắng. Trường hợp diễn tiến nặng tăng dần thì cần đến khám bác sỹ chuyên khoa da liễu để có hướng điều trị tối ưu”, lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo.