Bản đồ Hà Nội
Thế kỷ XX, Hà Nội nhiều lần xảy ra động đất cấp 6 và đã 2 lần động đất cấp 7. Những năm gần đây, hiện tượng động đất ở vùng Hà Nội tăng lên rõ rệt. Mặt đất Hà Nội xuất hiện nhiều khe nứt sâu, phương Tây Bắc – Đông Nam, trùng với hướng sông Hồng và cũng là hướng các đứt gãy sâu trong vỏ trái đất.
Một điều hiển nhiên, đất Hà Nội là đất bãi và trên bãi của sông Hồng, do phù sa sông Hồng đắp đổi. Cho nên đất Hà Nội nội thành, bên Hồ Tây, có dòng Tô Lịch, lại có rất nhiều đầm hồ. Xem trên bản đồ từ thời xưa cho đến giữa thế kỷ này, thì lãnh thổ Hà Nội là một vùng đầm lầy, một thành phố sông hồ, nửa đất, nửa nước. Phần lãnh thổ chủ yếu của Thăng Long – Hà Nội xưa là phần đất bồi, được bao bọc bởi sông Hồng ở Bắc và phía Đông, bởi sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu (nhánh sông Tô) ở phía Tây và phía Nam.
Trong tờ chiếu (hỏi ý các quan) về việc dời Đô, Lý Công Uẩn nói: “Ở trung tâm cõi bờ đất nước, có cái thế rồng cuộn hổ ngồi, vị trí ở giữa bốn phương Đông Tây Nam Bắc, địa hình thế núi sông sau trước. Ở nơi đó địa thế rộng mà bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, cư dân không khổ vì ngập lụt, muôn vật đều phì nhiêu tươi tốt. Xem khắp nước Việt ta chỗ ấy là nơi hơn cả, thực là chỗ bốn phương tụ hội, là nơi đô thành bậc nhất của Đế vương muôn đời!”
Ta có thể xem đó là một bản tuyên ngôn địa chính trị – địa chiến lược về Hà Nội nghìn xưa và cái “rốn” của Long thành là núi Nùng. Trên núi ấy, các vua Lý-Trần-Lê xây điện Càn Nguyên, điện Kính Thiên và núi Nùng. Huyền thoại được thiêng hoá và cùng Sông Cái, trở thành hai biểu tượng của Kinh thành Núi Nùng-Sông Nhị.