Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Nên mở rộng hay bó hẹp?
Đại biểu Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, nêu thực tế đơn vị đang phải quản lý số lượng vật chứng tài sản rất lớn, rất lãng phí, trong khi có những tài sản để lâu quá mất giá trị.
“Nhiều vật chứng không thanh lý được, cứ phải ngồi giữ khư khư”, ông Trung nêu thực tế.
Theo ông Trung, việc này dẫn đến lãng phí tài sản hao mòn mất giá trị. Bên cạnh đó phải có kho vật chứng, Công an Hà Nội phải có kho vật chứng, công an các quận cũng có kho vật chứng nhưng các quận nội thành lấy đâu ra đất để xây kho với lượng vật chứng rất lớn.
Ngoài ra, còn phải bố trí người trông coi. Giám đốc Công an Hà Nội nêu dẫn chứng thời gian qua đã nhận vụ án hàng chục tấn đất hiếm không biết cất đi đâu, lại phải xây một cái nhà tạm để tránh thất thoát tài sản.
Ông Trung khẳng định, thực tế hiện nay rất bất cập, vướng mắc khó khăn, rất bức xúc. Do đó, việc ban hành nghị quyết này rất cần thiết.
“Tuy nhiên, đối chiếu với tờ trình và nghị quyết thì phạm vi điều chỉnh quá hẹp. Chỉ các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo dõi chỉ đạo và chỉ một số dự án”, ông Trung nói và cho rằng cần tính toán mở rộng phạm vi, thậm chí có luật về việc này và rút ngắn thời gian thí điểm.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, chưa nên mở rộng phạm vi thí điểm mà chỉ nên tập trung vào các vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Theo bà Thủy, không nên cầu toàn, cũng không nên nóng vội.
Vị đại biểu nêu ví dụ vụ án gỗ trắc tại Quảng Trị, bà Thủy cho rằng sai lầm của cơ quan tố tụng dẫn đến loạt sai lầm sau đó. Với các vụ án tài sản là vật chứng, sau khi thẩm định được đấu giá, bán tài sản.
Tuy nhiên, vụ án này cơ quan điều tra đã định giá để bán, sau đó lại được xác định việc này chưa đúng quy định pháp luật.
Bà Thủy cho rằng cần áp dụng thận trọng và bổ sung quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Thời gian thí điểm có thể quy định linh hoạt, không nhất thiết phải 3 năm, vừa làm vừa đánh giá và kết hợp với việc sửa các luật khác.
“Có những vụ án máy móc để vài năm thành sắt vụn”
Từ góc độ ngân hàng, đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank cho rằng phạm vi điều chỉnh cần rộng hơn.
Dẫn chứng trường hợp Ngân hàng Agribank xử lý tài sản của Công ty thủy sản Trung Nam, có tài sản đảm bảo khoảng 280 tỷ đồng, theo ông Ấn, nếu thời điểm đó cho xử lý tài sản có thể thu được ngay nhưng đến nay nợ lãi phát sinh hơn 300 tỷ đồng mà tài sản vẫn phong tỏa.
Ông cho rằng thiệt hại không chỉ cho tổ chức cá nhân mà còn cho Nhà nước.
“Chừng ấy tiền mà quay vòng cho vay thì thu được còn nhiều hơn. Nếu tiền bỏ vào kho bạc thiệt hại cho cả người bị hại, giảm khả năng khắc phục hậu quả của bị can. Tiền vào kho bạc không tăng nhưng vào ngân hàng thương mại thì cả trăm hay nghìn tỷ đồng chỉ cần vài ba tháng sẽ tăng lên”, ông Ấn nói.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội, đề xuất sớm ban hành nghị quyết, bởi quy định hiện hành vô cùng bất cập, gây bất lợi cho bị cáo, bị hại.
Theo ông, quy định hiện nay khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra có quyền phong tỏa, kê biên tài sản nhưng cơ quan cuối cùng giải quyết số tài sản này là tòa án nên thời gian rất lâu, thông thường kéo dài 1-2 năm gây hư hỏng vật chứng.
Nêu ví dụ vụ án liên quan đến cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, ông Chính cho biết có thiết bị y tế 40 tỷ đồng bị phong tỏa kê biên nhưng sau xử lý vụ án, điều chuyển cho bệnh viện khác cũng không ai dám nhận, phải bỏ không.
“Có những vụ án máy móc để vài năm thành sắt vụn”, ông Chính nói và đề nghị không chỉ giới hạn xử lý ở các vụ án tham nhũng mà nên mở rộng phạm vi.
Dantri.vn
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/dbqh-nhac-lai-vu-an-cuu-giam-doc-benh-vien-bach-mai-ky-an-go-trac-20241030122547543.htm