Chiều ngày 11/12, tại Hà Nội, hội thảo giới thiệu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) được tổ chức đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ giữa Việt Nam và Israel.
VIFTA không chỉ mở rộng cơ hội thương mại mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Israel sẽ hỗ trợ Việt Nam cải tiến và triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, cơ cấu thương mại của Việt Nam và Israel không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. Đây là tiền đề quan trọng để hai bên có thể mở rộng trao đổi thương mại trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Nguyễn. |
Theo đó, Việt Nam và Israel trải qua quá trình đàm phán khó khăn, nhưng với nhiều nỗ lực và quyết tâm, hai bên cuối cùng hiệp định đã được ký kết và đưa vào thực thi. Kim ngạch thương mại hiện nay mới chỉ đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế giữa hai bên. VIFTA sẽ tạo ra tiền đề để hai bên triển khai nhiều hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư, du lịch và các hoạt động giao lưu khác.
Ngoài thương mại, VIFTA còn tạo động lực lớn cho hợp tác đầu tư giữa hai nước. Việc đơn giản hóa thủ tục pháp lý và giảm rào cản hành chính giúp các doanh nghiệp Việt Nam và Israel có thêm sự tự tin trong việc mở rộng hoạt động đầu tư.
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết, tuy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Israel chưa lớn như nhiều nước, nhưng hiệp định đi vào thực thi sẽ giúp cân bằng hơn cán cân thương mại song phương.
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Nguyễn. |
Israel là đối tác rất quan trọng của Việt Nam ở Trung Đông, là kênh giúp Việt Nam tiến vào khu vực. Vì thế, việc thực thi VIFTA không chỉ thể hiện ở những con số, mà còn là cơ hội cho những ngành mà Việt Nam hướng tới trong tương lai.
Ở chiều ngược lại, Israel cũng rất quan tâm đến khu vực này, trong đó Việt Nam là một đối tác đang nổi lên. Hai bên nhìn thấy ở nhau những lợi thế mang tính bổ sung cao.
Nhân dịp diễn ra hội thảo, Việt Nam và Israel ký kết Sáng kiến Hợp tác nông nghiệp, nhằm mở rộng áp dụng kỹ thuật tưới nước của Israel ra các tỉnh thành của Việt Nam.
Lễ ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ tưới tiêu hiện đại giữa Israel và Việt Nam. Ảnh: Phương Nguyễn. |
Sau khi áp dụng thí điểm ở các vườn cam của tỉnh Hà Tĩnh, công nghệ tưới nước của Israel mang lại những thay đổi tích cực đáng kể, từ đó đã được nhân rộng ra 10 tỉnh, thành của Việt Nam. Sáng kiến được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam giải quyết thách thức quan trọng về quản lý nước hiệu quả trong nông nghiệp.