Đấu giá đất Sóc Sơn có người trả 30 tỷ đồng/m2; Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế mua bán nhà, đất theo thời gian sở hữu
Quyết định thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại trên toàn quốc; Kỳ vọng khả năng thanh toán của chủ đầu tư bất động sản phục hồi; Hà Nội sẽ có nhà hát Opera hiện đại bậc nhất, rộng hơn 25.000 m2.
Sau đây là các tin tức bất động sản nổi bật trong tuần.
Quyết định thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại trên toàn quốc
Chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất với 415/460 đại biểu có mặt tán thành, 19 vị không tán thành, 26 vị không biểu quyết.
Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết. |
Nghị quyết quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (dự án thí điểm) trên phạm vi toàn quốc đối với các trường hợp: dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất; dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất; dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp nữa là dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản được các tổ chức đang sử dụng đất thành lập để thực hiện dự án nhà ở thương mại trên diện tích của cơ sở sản xuất, kinh doanh phải di dời do ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Các dự án thí điểm, theo nghị quyết phải đáp ứng các điều kiện: phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt.
Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án nằm trong danh mục các khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua theo quy định của Nghị quyết này.
Có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thí điểm đối với trường hợp quy định tại Nghị quyết này, cũng là điều kiện được nêu tại nghị quyết.
Tổ chức kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc lựa chọn dự án thí điểm phải đáp ứng các tiêu chí: được thực hiện tại khu vực đô thị hoặc khu vực được quy hoạch phát triển đô thị; tổng diện tích đất ở trong các dự án thí điểm (bao gồm đất ở hiện hữu và đất dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở) không vượt quá 30% của phần diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất ở) theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 đã được phê duyệt; không thuộc các dự án quy định tại khoản 4 Điều 67 Luật Đất đai;
Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết, khu đất thực hiện dự án thí điểm phải không thuộc danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất được HĐND cấp tỉnh thông qua theo quy định tại khoản 5 Điều 72 Luật Đất đai.
Đối với diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết này mà chưa bàn giao về cho địa phương quản lý thì ưu tiên giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thực hiện dự án thí điểm để ưu tiên bán, cho thuê, cho thuê mua đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025 và được thực hiện trong 5 năm.
Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế mua bán nhà, đất theo thời gian sở hữu
Mới đây, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Trong đó, Bộ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đối với thu nhập chịu thuế của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản để đảm bảo đồng bộ với luật Đất đai năm 2024.
Đề xuất đánh thuế của Bộ Tài chính nhắm trực tiếp tới các đối tượng đầu cơ bất động sản. Ảnh: Thanh Vũ |
Cụ thể trong tờ trình, Bộ Tài chính cho biết, chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành không phân biệt theo thời gian nắm giữ bất động sản của người chuyển nhượng.
Trong khi đó, một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ bất động sản trong nền kinh tế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân.
Đáng chú ý, một số nước còn áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản dựa theo tần suất giao dịch, thời gian mua đi, bán lại của bất động sản. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, diễn ra chậm hơn thì thuế suất thấp hơn.
Bộ Tài chính dẫn chứng tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán. Sau 2 năm, mức thuế suất là 50%. Tới năm thứ 3, con số sẽ là 25%.
Còn tại Đài Loan, giao dịch bất động sản được thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua, mức thuế suất là 45%. Thực hiện trong 2 – 5 năm, thuế suất sẽ còn 35%. Trong 5 – 10 năm là 20% và sau 10 năm là 15%.
Theo Bộ Tài chính, để có mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản, Nhà nước có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của một số nước.
Về mức thuế suất cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản. Ngoài ra, việc áp dụng chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai, nhà ở.
Bên cạnh đó, sự đồng bộ, mức độ sẵn sàng của hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký đất đai, bất động sản cũng là một yếu tố quan trọng quyết định tới sự thành công của chính sách.
Kỳ vọng khả năng thanh toán của chủ đầu tư bất động sản phục hồi
Báo cáo ngành bất động sản nhà ở dựa trên số liệu top 30 công ty bất động sản nhà ở về doanh thu do VIS Rating công bố rộng rãi chiều ngày 28/11 nhận định, doanh số bán hàng bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM trong quý III/2024 tăng 48% so với quý trước, mức cao nhất trong 4 quý vừa qua. Nhu cầu nhà ở vẫn mạnh mẽ, thể hiện qua tỷ lệ hấp thụ cao và sự tăng trưởng mạnh mẽ của cho vay mua nhà ở mức 7%, so với cùng kỳ năm trước chỉ 1%.
Kỳ vọng về giá nhà tăng, kết hợp với việc giảm mức thanh toán trước khi mua nhà, sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ từ người mua nhà. Nhiều chủ đầu tư như Vinhomes, Nam Long, Nhà Khang Điền, An Gia và Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu đã ghi nhận doanh số bán hàng tăng lên, chủ yếu ở các phân khúc cao cấp.
Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận 9 tháng 2024 của các chủ đầu tư mà trong danh sách theo dõi của báo cáo đã giảm lần lượt 20% và 43% so với cùng kỳ năm ngoái, do lượng bàn giao giảm từ doanh số bán hàng yếu năm 2023. Do đó, dự kiến hơn 60% chủ đầu tư sẽ không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024.
Năm 2025, VIS Rating kỳ vọng các chủ đầu tư sẽ tăng mạnh số lượng dự án mới, giúp cải thiện doanh số bán hàng và dòng tiền của họ. Khả năng trả nợ của ngành duy trì mức yếu trong quý III/2024, nhưng kỳ vọng mức đòn bẩy sẽ được kiểm soát nhờ các quy định mới và dòng tiền của chủ đầu tư sẽ cải thiện nhờ doanh số bán hàng tăng lên.
Kỳ vọng khả năng thanh toán nợ của các chủ đầu tư bất động sản sẽ bắt đầu cải thiện từ mức yếu của năm 2023 – 2024. Ảnh: VIS Rating |
Tính đến quý III/2024, hơn một nửa chủ đầu tư mà VIS Rating theo dõi có hồ sơ đòn bẩy và khả năng trả nợ mức yếu. Điều này chủ yếu do sử dụng đòn bẩy quá mức để phát triển dự án trong giai đoạn 2021 – 2023 và tồn kho các dự án chưa hoàn thành cũng như hàng tồn kho chưa bán được khi tâm lý thị trường xấu đi kể từ năm 2023.
Nhưng khi tiến độ bán hàng được cải thiện, VIS Rating kỳ vọng khả năng thanh toán nợ của các chủ đầu tư bất động sản sẽ bắt đầu cải thiện từ mức yếu của năm 2023 – 2024.
Với triển vọng tích cực về doanh số bán dự án mới và dòng tiền, các tỷ số bao phủ nợ của các chủ đầu tư sẽ dần được cải thiện. Các quy định mới được ban hành vào tháng 7/2024 sẽ giới hạn mức sử dụng nợ cho các dự án mới. Vì vậy, VIS Rating kỳ vọng tăng trưởng nợ vay sẽ tiếp tục chậm lại từ mức cao 15%/năm trong giai đoạn 2022 – 2023.
Hà Nội sẽ có nhà hát Opera hiện đại bậc nhất, rộng hơn 25.000 m2
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn ký ban hành Quyết định số 6132/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500.
Theo đó, tổng diện tích khu đất lập quy hoạch khoảng 44,1 ha. Dự án sẽ bao gồm công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề, công trình tôn giáo tín ngưỡng, khu vui chơi giải trí và dịch vụ khách sạn, thương mại.
Phối cảnh nhà hát Opera mới. |
Đáng chú ý, bán đảo Quảng An còn là nơi được chỉ định để xây dựng nhà hát Opera mới của thành phố. Đây sẽ là một công trình nghệ thuật có quy mô lớn, hiện đại, đại diện tiêu biểu cho hình ảnh Thủ đô. Khu vực nhà hát sẽ được xây dựng trên diện tích đất hơn 25.000 m2 với tổng sàn xây dựng là 42.000 m2.
Trước đó, trong một cuộc hội nghị lấy ý kiến người dân vào tháng 7/2022, Phó chủ tịch quận Tây Hồ lúc đó là ông Nguyễn Lê Hoàng đã khẳng định rằng, nhà hát sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến không gian mặt nước và cũng không nằm trong diện tích mặt nước hồ Tây.
Ngoài ra, một thông tin khác cũng được công chúng quan tâm chính là danh tính người thiết kế công trình trọng đại này. Nhân vật được “chọn mặt, gửi vàng” đó chính là ông Renzo Piano, một kiến trúc sư nổi tiếng người Italy. Ông chính là “tác giả” của sân bay quốc tế Kansai (Nhật Bản) – sân bay đầu tiên được xây trên biển; khu phức hợp âm nhạc Thính phòng Parco della Musica (Italy) – một trong những công trình biểu diễn nghệ thuật lớn nhất châu Âu…
Trong bản thiết kế nhà hát Opera tại bán đảo Quảng An, ông Renzo Piano đã lên ý tưởng về phần kết cấu vỏ mái chỉ dày khoảng 200 – 600mm. Kết cấu siêu mỏng trên đã được vị kiến trúc sư nung nấu từ 40 năm trước – thời điểm mà kỹ thuật xây dựng chưa thể đáp ứng yêu cầu đặc biệt này.
Không chỉ có vỏ mái độc đáo bậc nhất thế giới, nhà hát Opera mới của Thủ đô còn được ứng dụng nhiều công nghệ và kỹ thuật thiết kế tân tiến. Toàn bộ tường của khán phòng chính được trang bị hệ thống các tấm acoustic có thể vận hành bằng cơ khí.
Với mỗi loại hình biểu diễn diễn khác nhau, các tấm acoustic sẽ được điều khiển đóng, mở, lên xuống theo các hướng và vị trí tương ứng. Từ đó, đảm bảo độ phản xạ âm, hút âm và thời gian âm vang phù hợp với yêu cầu của từng chương trình nghệ thuật.
Đấu giá đất Sóc Sơn: Trả tới 30 tỷ đồng/m2, sau đó “sợ quá, xin rút”?
Theo nguồn tin của phóng viên Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, trong phiên đấu giá 58 thửa đất tại xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), khi thấy bản thân không còn cơ hội đấu trúng các lô đất đẹp, nhiều đối tượng đã trả giá cao một cách phi lý.
Phiếu trả giá của khách hàng tại vòng 6. Do mức giá đã bị đẩy lên quá cao nên người tham gia xin rút. |
Cụ thể, đến vòng đấu thứ 5, có người đã ghi phiếu trả giá đất lên tới hơn 30 tỷ đồng/m2. Nhiều lô đất khác cũng được trả giá rất cao, khoảng 60 – 101 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến vòng thứ 6 – vòng đấu cuối cùng, họ lại xin không trả giá tiếp.
Sau cùng, chỉ có 22/58 lô đất được đấu trúng, mức giá dao động từ 32 – 50 triệu đồng/m2. Tất cả những người “hét” giá cao ở vòng 5 đều đã xin dừng trả giá ở vòng 6.
Mức giá được trả tại vòng 5. |
Chia sẻ với phóng viên, nguồn tin – đồng thời cũng là người trực tiếp tham gia phiên đấu giá cho biết, những lô đất tại đây chỉ có giá trung bình khoảng 35 – 40 triệu đồng/m2. Bản thân các hội, nhóm đi đấu giá lần này không thực sự am hiểu về thị trường nên tự đánh mất cơ hội. Hành động trả giá mang tính bộc phát, không những không giải quyết được vấn đề, mà còn làm xấu hình ảnh những phiên đấu giá đất, gây tác động tiêu cực tới thị trường.
“Tôi hy vọng các cơ quan chức năng sẽ rà soát thật kỹ phiên đấu giá này. Đây là hành vi cố tình, có tổ chức và coi thường pháp luật”, nhân vật bức xúc cho biết.
58 thửa đất được đưa lên “sàn” có giá khởi điểm là 2,8 triệu đồng/m2. Diện tích từ 90 – 220 m2. Số tiền cọc đối với các thửa đất dao động từ 44 – 111 triệu đồng/lô. Việc đấu giá sẽ được thực hiện bằng cách bỏ phiếu trực tiếp qua 6 vòng bắt buộc.
Trước đó, vào tháng 3/2024, một phiên đấu giá đất tại Hoài Đức đã bị huỷ bỏ vì có dấu hiệu sai phạm. Theo đó, ngay tại vòng 1 của phiên đấu giá, 15/33 thửa đất đã được trả giá lên tới 100 – 180 triệu đồng/m2, từ mức giá khởi điểm chỉ 57 – 62 triệu đồng/m2.
Sau đó tại vòng 2, khách hàng trả giá cao nhất lại không trả giá để cố tình bị truất quyền, tạo điều kiện cho người trả thấp hơn ở vòng 1 trúng đấu giá. Xét thấy khách hàng có dấu hiệu đấu vi phạm quy định về đấu giá tài sản nên ban tổ chức đã niêm phong toàn bộ hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, phiếu trả giá để chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình Định đấu giá tìm chủ đầu tư dự án khu dân cư hơn 1.700 tỷ đồng
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp tỉnh Bình Định) vừa thông báo đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án khu dân cư, dịch vụ và giáo dục phía Tây đường Tây Sơn.
Theo đó, khu đất tổ chức đấu giá thuộc khu đất Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải Bình Định và các khu liền kề nằm ở phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn. Diện tích khu đất hơn 6,3 ha, trong đó diện tích đất xây dựng nhà ở liền kề là hơn 2,5 ha; đất công trình thương mại dịch vụ hơn 0,4 ha…
Quy hoạch Dự án Khu dân cư, dịch vụ và giáo dục phía Tây đường Tây Sơn. |
Quy mô dự án gồm 238 lô nhà ở liền kề (nhà đầu tư phải xây thô và hoàn thiện mặt ngoài, cao tối đa 4 tầng); xây dựng công trình thương mại dịch vụ để hoạt động du lịch, kinh doanh văn phòng (chiều cao tối đa 5 tầng).
Ngoài ra, nhà đầu tư phải trách nhiệm đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật đất giáo dục với diện tích 0,4 ha; đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội (khu đất dành ra quỹ đất 20%, khoảng 0,5 ha để phát triển nhà ở xã hội).
Theo Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, giá khởi điểm của tài sản là hơn 558 tỷ đồng, bước giá 5% (hơn 27,9 tỷ đồng). Thời gian tổ chức cuộc đấu giá vào 8h30 ngày 21/12/2024, tại Hội trường Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, số 37 đường Phan Đình Phùng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Chi phí thực hiện dự án là 1.144 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất). Tiến độ thực hiện dự án trong vòng 48 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá hoặc phê duyệt chấp thuận nhà đầu tư.
Thừa Thiên Huế đấu giá khu đất “vàng” hơn 1.600 m2 để thực hiện dự án thương mại
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vào ngày 7/12 tới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất – Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công ty TNHH Đấu giá hợp Danh tài chính và giá cả Quảng Nam sẽ tiến hành đấu giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức cho thuê đất để thực hiện đầu tư dự án Khu thương mại dịch vụ tại khu nhà đất số 47 Hai Bà Trưng, TP. Huế.
Theo đó, khu đất 47 Hai Bà Trưng có diện tích 1.646,6 m2; với tài sản trên đất gắn liền với khu đất đấu giá gồm 1 nhà làm việc 3 tầng, 1 nhà làm việc 2 tầng, 1 nhà bảo vệ với diện tích xây dựng 685 m2, diện tích sàn 1.628 m2. Với thời hạn sử dụng đất 50 năm, kể từ ngày có Quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thu tiền một lần cho cả thời hạn thuê.
Dự kiến,mức giá khởi điểm để đấu giá khu nhà đất là 100,42 tỷ đồng. Trong đó, giá khởi điểm đối với quyền sử dụng đất 93,47 tỷ đồng, giá khởi điểm đối với tài sản gắn liền trên đất 6,94 tỷ đồng. Với mức thu tiền đặt trước hơn 20 tỷ đồng, mỗi bước giá đối với quyền sử dụng đất 1,8 tỷ đồng, với tài sản trên đất 140 triệu đồng.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khu đất sau khi đấu giá sẽ được đầu tư dự án Khu thương mại, dịch vụ với quy mô 9 tầng. Sản phẩm, dịch vụ cung cấp của dự án này đó là cung cấp các dịch vụ thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí thiết yếu.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 233,047 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư phải đảm bảo tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất, trong đó khởi công xây dựng không quá 12 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất.