Nhiều chương trình hấp dẫn và độc đáo
Dấu ấn công nghiệp văn hóa Thủ đô trong năm 2024 phải kể đến các lễ hội cộng đồng, trong đó là Ngày hội văn hóa vì hòa bình và Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2024. Lần đầu tiên, Ngày hội văn hóa vì hòa bình được dàn dựng như một đại thực cảnh với hơn 10.000 người biểu diễn để giới thiệu tinh hoa di sản vật thể và phi vật thể của Hà Nội. Chương trình trở thành mô hình điển hình cho công nghệ trình diễn và sáng tạo của một lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn của Thủ đô văn hiến.
Trong khi đó, Lễ hội thiết kế sáng tạo thu hút khoảng 300.000 lượt người dân và du khách. Ngoài số lượng người tham gia, đội ngũ sáng tạo đông đảo, lễ hội gây ấn tượng với nhiều hoạt động sáng tạo trên các lĩnh vực: Kiến trúc, biểu diễn, mỹ thuật, thời trang… Lần đầu tiên, nhiều công trình di sản kiến trúc của Thủ đô mở cửa cho khách tham quan tạo sức hút đặc biệt như: Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội); Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ)… Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, giá trị lớn nhất của các lễ hội này là mang đến không gian hưởng thụ nghệ thuật cho cộng đồng, trong đó người dân cũng trở thành chủ thể sáng tạo.
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật Thủ đô trong năm qua có nhiều khởi sắc, đóng góp hiệu quả cho phát triển công nghiệp văn hóa. Hàng loạt sự kiện văn hóa, giải trí lớn diễn ra tại Hà Nội minh chứng cho sức hút và năng lực tổ chức các sự kiện tầm vóc của Thủ đô. Đáng chú ý là các chương trình biểu diễn quy mô lớn thu hút đông người xem như: Concert “Anh trai say hi” tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình; đêm diễn của ban nhạc Bond tại Trung tâm Hội nghị quốc gia; đêm diễn của nhóm nhạc Westlife tại Cung Điền kinh trong nhà Mỹ Đình. Bên cạnh đó, hàng loạt nghệ sĩ thực hiện đêm diễn ấn tượng như “Người đàn ông hát” của ca sĩ Tùng Dương, “Vũ concert” của ca sĩ Vũ…
Cuối năm 2024, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long gây “sốt” với vở nhạc kịch “Giấc mơ Chí Phèo”. Điều đáng nói, vở diễn đã và đang thu hút đông khán giả đặt vé. Nghệ sĩ nhân dân Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long chia sẻ, vở nhạc kịch được hình thành sau 10 năm ấp ủ và được đầu tư kỹ lưỡng nhằm góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Đi đầu về ứng dụng công nghệ số
Trong thời đại mới, Hà Nội là địa phương đi đầu về ứng dụng công nghệ số trong phát triển công nghiệp văn hóa. Tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024, việc đưa robot phục vụ và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – phở Hà Nội đã tạo dấu ấn đậm nét. Không gian “phở số” gây chú ý đặc biệt, góp phần hiệu quả trong việc giới thiệu di sản cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khách.
Cùng chủ trương sáng tạo trên tinh thần đổi mới và ứng dụng công nghệ, các điểm đến, di tích của Thủ đô tăng cường trải nghiệm công nghệ cho du khách. Điển hình là Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám ra mắt thêm phiên bản tour đêm “Sử đá lưu danh” tiếp tục sử dụng công nghệ trình chiếu ánh sáng 3D. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội giới thiệu các phim 3D về những nghi lễ cung đình xưa, như: Lễ ban quạt, lễ chính đán để phục vụ du khách tham quan. Di tích Nhà tù Hỏa Lò kết hợp hình thức biểu diễn, trưng bày với trình chiếu phim, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động.
Trong hoạt động du lịch, bên cạnh sản phẩm đã tạo dấu ấn nhiều năm nay, điểm sáng của du lịch Hà Nội trong năm qua là xây dựng các tuyến, điểm du lịch mới. Một số sản phẩm du lịch đưa ứng dụng công nghệ để du khách chơi trò chơi kết hợp trải nghiệm di sản, chẳng hạn Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) cho du khách khám phá làng cổ thông qua ứng dụng trò chơi Outing. Đánh giá về việc đưa công nghệ số trong phát triển các sản phẩm du lịch, văn hóa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Du lịch xanh Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, Hà Nội đang là điểm sáng trong ứng dụng công nghệ vào các hoạt động và xây dựng sản phẩm văn hóa, du lịch, mang đến sự mới mẻ cho hoạt động quảng bá, thu hút du khách, góp phần hiệu quả vào phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Dấu ấn công nghiệp văn hóa Thủ đô trong năm 2024 có bước tiến rõ nét, mở ra nhiều triển vọng để Hà Nội tập trung đầu tư, phát triển vào nhiều lĩnh vực. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với việc định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.
“Các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm những chính sách mới liên quan đến lĩnh vực văn hóa, nhất là việc đầu tư công, quản trị tư; chú ý chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/dau-an-cong-nghiep-van-hoa-thu-do-689793.html