Ngày 3/2, Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố làm việc và kiểm tra công tác tổ chức lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) và lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn).
Trong sáng 3/2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ), nhiều lễ hội lớn trên địa bàn Hà Nội được khai mạc như Lễ kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng; lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh); lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn); lễ khai hội chùa Hương Xuân Ất Tỵ 2025…
Lễ hội Cổ Loa Xuân Ất Tỵ 2025 chính thức khai hội với các hoạt động dâng hương, lễ rước. Từ sáng sớm, hoạt động rước và dâng hương diễn ra trong không khí tươi vui. Trước đó, vào ngày 2/2, Tuần văn hoá lễ hội Cổ Loa đã khai mạc với các hoạt động văn hoá, thể thao đặc sắc, thu hút hàng vạn người tham dự.
Lễ hội Cổ Loa có quy mô, lịch sử hình thành từ lâu đời, tổ chức trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Hằng năm, lễ hội thu hút hàng vạn người tham dự. Do đó, công tác chuẩn bị tổ chức đòi hỏi chu đáo, đầy đủ, có nhiều điểm nhấn và đổi mới về công tác quản lý. Ban tổ chức lễ hội Cổ Loa 2025 cho biết, điểm nổi bật tại lễ hội năm nay là đã di chuyển 100% các điểm kinh doanh dịch vụ ra ngoài không gian tổ chức lễ hội Cổ Loa, bảo đảm không gian sáng, xanh, sạch, đẹp. Ban tổ chức đã ra mắt chuyên trang https://dulichcoloa.com.vn; tăng cường công tác tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu tuyến du lịch hành trình di sản từ Cổ Loa về Đền Sái và hành trình di sản về vùng đất cố đô.
Tại lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Ban Tổ chức đã thực hiện công tác tuyên truyền lễ hội từ sớm về thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, công tác phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường. Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, không khí lễ hội cũng như các hoạt động quản lý, tổ chức lễ hội tại các điểm trên đã diễn ra khá quy củ, đúng quy định. Nhiều hoạt động nghi lễ truyền thống được tổ chức trang trọng, không gian và môi trường tại các lễ hội, di tích xanh, sạch, đẹp; các hoạt động tiêu cực, mặt trái được chấn chỉnh, đẩy lùi để các lễ hội đầu Xuân thực sự mang đến tâm thế thanh an cho người đi lễ.
Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Lễ hội Gióng đền Sóc cũng chính thức khai mạc sáng 3/2. Là một trong những lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất trong văn hóa tín ngưỡng của người dân huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, mùa lễ hội năm nào Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc cũng thu hút hàng chục vạn người dân, phật tử từ khắp nơi tụ hội. Năm nay, Lễ hội Gióng đền Sóc sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 3 đến 5/2/2025 (tức ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Theo ghi nhận, ngay từ sáng sớm hàng nghìn người đã có mặt tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc tham dự lễ khai hội.
Theo ông Đào Anh Tú – Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch – di tích đền Sóc, Phó Trưởng ban tổ chức Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2025 cho biết, trong những mùa lễ hội gần đây, việc tán lộc giò hoa tre đã được địa phương thay đổi, vừa bảo đảm các nghi lễ truyền thống, vừa bảo đảm an toàn, văn minh trong lễ hội. Việc thay đổi này được đông đảo người dân và du khách thập phương đồng tình, ủng hộ nhằm bảo đảm trật tự và văn minh cho Lễ hội Gióng.
Theo Ban tổ chức, tại Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2025, các hoạt động dịch vụ như trông giữ xe và kinh doanh buôn bán tại lễ hội sẽ được siết chặt hơn; nghiêm cấm việc nâng giá bán sản phẩm, buôn bán hàng giả, hàng nhái, ấn phẩm mê tín dị đoan tại lễ hội. Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho biết, tình trạng bán hàng rong sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Các trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc trá hình, ăn tiền cũng bị nghiêm cấm tại lễ hội Gióng đền Sóc năm 2025.
Ông Tống Giang Phúc cũng cho biết, lễ hội năm nay có nhiều đổi mới. Từ đêm 30 Tết, phần hội đã diễn ra, người dân và du khách đã đi lễ từ Tết Nguyên đán. Lượng khách đến đền Sóc từ trong Tết lên tới hàng vạn người.
“Ban tổ chức đã có phương án bảo đảm an ninh, an toàn, trông giữ xe cho người dân và du khách. Huyện bố trí lực lượng trực xuyên Tết, đến nay chưa xảy ra tình huống mất cắp, ùn tắc giao thông. Ban tổ chức đã thực hiện công tác tuyên truyền lễ hội từ sớm về thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, công tác phòng chống cháy nổ, cháy rừng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường. Lễ hội diễn ra theo đúng kịch bản. Phần lễ và phần rước lễ thực hiện bảo đảm đúng truyền thống”, ông Tống Giang Phúc cho biết.
Trong sáng khai mạc lễ hội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát công tác tổ chức lễ hội. Đoàn kiểm tra ghi nhận lễ hội được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, đúng tinh thần giữ gìn bản sắc truyền thống mang đến sự tươi vui cho người dân và du khách. Các nghi lễ tiến hành bảo đảm trật tự, không để xảy ra tình trạng lộn xộn, tranh cướp lộc. Đoàn kiểm tra lưu ý, Ban tổ chức cần chú ý công tác phòng, chống cháy nổ, giữ gìn vệ sinh môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền giá trị của lễ hội, nếp sống văn minh nơi thờ tự và bộ quy tắc ứng xử của thành phố.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài ghi nhận và đánh giá tại các di tích đã có nhiều nỗ lực, tạo điểm mới trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm nay, góp phần tôn vinh và phát huy giá trị di tích và bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng thời cũng lưu ý các điểm di tích này tiếp tục thực hiện tốt, phát huy kết quả đạt được, kiên quyết đẩy lùi những tiêu cực trong lễ hội, nhất là chú trọng công tác vệ sinh môi trường, vị trí để các hòm công đức, kiên quyết xử lý các trường hợp bán hàng rong tại khu vực tổ chức lễ hội…
TN
Nguồn: https://sovhtt.hanoi.gov.vn/dam-bao-cac-le-hoi-dien-ra-an-toan-van-minh-gop-phan-ton-vinh-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong/