Nằm trong chương trình Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương” do UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP Đà Lạt, ngày 18-12, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà làm chính sách đã cùng nhau ngồi lại trong phiên thảo luận chủ đề “Phát triển du lịch xanh tại Đà Lạt.”
Đà Lạt sẽ đẳng cấp, sang trọng hơn nhờ công nghiệp văn hóa
Bên lề hội thảo, trao đổi về kỳ vọng của Đà Lạt trong phát triển công nghiệp văn hóa, ông Đặng Đức Hiệp – bí thư Thành ủy Đà Lạt, cho biết: “Đà Lạt không chỉ kỳ vọng du khách đến Đà Lạt đông hơn, vượt con số 10 triệu khách/năm, mà còn kỳ vọng du khách sẽ vui vẻ hơn để chi tiêu nhiều hơn. Đông hơn và chi tiêu nhiều hơn nhưng không tăng phát thải là một thách thức với Đà Lạt.
Trong nhiều tính toán của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt, chỉ có công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo cùng du lịch xanh mới có thể thay đổi cốt lõi du lịch Đà Lạt.
Đà Lạt, nói theo một cách dân dã, là sẽ “sang hơn, xịn hơn” nhờ phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo.
Với Đà Lạt, bác sĩ Alexandre Yersin đã lấy năm chữ cái đầu tiên của năm từ trong một câu châm ngôn bằng tiếng Latin như các thành phố châu Âu là “Dat Allis Laetitum Alliis Temperriem”, nghĩa là: “Cho người này niềm vui, cho người kia mát lành”. Du lịch Đà Lạt sẽ làm được điều này khi bám sát giá trị xanh, văn hóa, sáng tạo âm nhạc”.
Hãng hàng không Vietjet: Những đường bay nội địa và quốc tế nhộn nhịp kết nối với Đà Lạt
Ông Hà Năng Việt – phó tổng giám đốc thương mại công ty cổ phần Hàng không Vietjet – cho biết với Đà Lạt, ngay từ những ngày đầu mới khai thác, hãng đã xem đây là điểm đến du lịch hấp dẫn của Việt Nam. Hãng đang khai thác nhiều đường bay đến Đà Lạt. Trong đó, có những đường bay nhộn nhịp như kết nối Đà Lạt với TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, TP Vinh, TP Phú Quốc hay Cần Thơ…
Đây là những đường bay thường xuyên, duy trì khoảng 120 chuyến bay đi đến mỗi tuần, cung cấp tương ứng 1.300 ghế từ các đến với Đà Lạt.
Về mở đường bay Đà Lạt ra thế giới, Vietjet cũng là hãng bay tiên phong kết nối Đà Lạt với thị trường quốc tế. Ông Hà Năng Việt cho hay công tác này rất vất vả do đặc thù của sân bay Liên Khương là sân bay quốc nội. Tuy vậy, hãng đã rất nỗ lực khai thác đường bay đến Busan, Seoul (Hàn Quốc) đưa các đoàn du khách quốc tế đến với thành phố ngàn hoa hay các chuyến bay thuê chuyến để đưa khách Trung Quốc đến khám phá.
“Từ khi khai thác đến nay, Vietjet đã kết nối khoảng 10 triệu khách đến Đà Lạt. Trong đó, khoảng 9,5 triệu khách nội địa và 500.000 khách quốc tế. Hiện chúng tôi đang duy trì 6 đường bay đến Đà Lạt, trong kế hoạch tương lai luôn đặt Đà Lạt là trọng tâm để cùng phát triển du lịch”, ông Hà Việt Năng cam kết.
Vietjet hãng hàng không thế hệ mới 115 tàu bay mới, kết nối Việt Nam đến nhiều quốc gia trên thế giới. Tàu bày của hãng sơn biểu tượng cờ đỏ sao vàng và phát nhạc Hello Việt Nam trên các chuyến bay.
Du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh là mảng tiềm năng rất lớn
Bà Lê Thị Thùy Lan, giám đốc kinh doanh Samten Hills Dalat: “Du lịch tâm linh là một mảng trong du lịch văn hóa. Đây là ngành có tốc độ phát triển rất cao. Sau đại dịch, mảng du lịch này càng phát triển hơn.
Có 2 yếu tố chính để phát triển du lịch tâm linh đó là thiên nhiên và con người. Samten Hills Dalat đã dùng yếu tố văn hóa tâm linh để đưa vào vùng đất khô cằn, địa hình phức tạp từ đó hình thành nên một sản phẩm du lịch. Từ quý 4 năm 2023, chúng tôi đã có những bước đi hướng tới net zero. Đối với con người, may mắn của chúng tôi là chúng tôi có chân dung con người Đà Lạt”.
“Bằng dữ liệu nghiên cứu của chúng tôi và các đối tác, chúng tôi có thể khẳng định du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh là mảng tiềm năng rất lớn. Có sức mạnh tạo ra giá trị cao nhất nhưng sử dụng tài nguyên thấp nhất. Sự sáng tạo, và yếu tố văn hóa là 2 yếu tố chúng tôi luôn cố gắng nắm bắt khi tạo sản phẩm và hoàn thiện sản phẩm du lịch.
Chúng tôi đã tạo được sản phẩm, mong sự hỗ trợ từ quý vị lãnh đạo, các công ty lữ hành, đường bay để mang sản phẩm đến với đại chúng trong nước và quốc tế”, bà nói.
Tiến sĩ Mai Minh Nhật, phó hiệu trưởng trường Đại học Đà Lạt cho biết các giá trị và di sản văn hóa được xem là trụ cột của phát triển công nghiệp văn hóa, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã khẳng định điều này. Chính phủ Việt Nam cũng xác định trong các biện pháp và giải pháp, một trong những điều đáng lưu ý nhất là phải tập trung khai thác các sản phẩm mang dấu ấn văn hóa và giá trị địa phương, tạo ra các giá trị của tài nguyên và văn hóa khu vực đối với sự phát triển của ngành văn hóa.
Di sản văn hóa cũng trở thành động lực, mục tiêu phát triển
Theo TS Minh Nhật, nhờ công nghiệp văn hóa mà giá trị và hình ảnh về nét đẹp của địa phương và con người được lan tỏa, mang đến nguồn lợi và qua đó di sản văn hóa cũng trở thành động lực, mục tiêu phát triển. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng xác định cốt lõi và thế mạnh của nơi này là phát triển công nghiệp văn hóa và di sản.
Tuy nhiên, mỗi địa phương cần xem lại thế mạnh của mình thay vì phát triển dàn trải. Hiện nay, Đà Lạt nổi bật nhất với nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực, âm nhạc, kiến trúc – sẽ là những điểm nhấn của di sản văn hóa.
“So với các đô thị khác, Đà Lạt còn non trẻ với 130 năm phát triển. Nhưng nhờ điều kiện khí hậu tự nhiên và các yếu tố lịch sử mà nơi này có nhiều di sản quý giá, độc đáo. Con người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch và mến khách. Các giá trị này sẽ kết tinh và tạo ra bản sắc của du lịch Đà Lạt.
Đây là kho báu quý giá mà chúng ta cần chung tay giữ gìn, phát triển du lịch và nâng cao đời sống của người dân, đồng thời định vị tên tuổi của du lịch Đà Lạt trên bản đồ du lịch thế giới”, TS Minh Nhật nói.
Cuộc sống đã nhanh, du lịch phải chậm lại
Bà Tạ Thị Tú Uyên, đại diện công ty Vietravel, dưới góc độ người làm sản phẩm du lịch, cho rằng trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong nhu cầu du lịch trải nghiệm thiên nhiên. Du khách không chỉ tìm kiếm những điểm đến đẹp mà còn mong muốn có những trải nghiệm độc đáo, gần gũi với thiên nhiên.
Du khách muốn tham gia vào các hoạt động như trekking, cắm trại, hay khám phá văn hóa bản địa. Điều này không chỉ giúp họ thư giãn mà còn tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ, “chạm và đọng lại trong du khách” .
Từ những nhận định đó, các công ty du lịch khi thiết kế sản phẩm du lịch đều đưa vào giá trị sống trong các chuyến đi.
“Cuộc sống đã nhanh, du lịch phải chậm lại”, bà Tú Uyên chia sẻ. Vậy, cần làm gì để gia tăng thêm sản phẩm du lịch Đà Lạt?
Nói đến Đà Lạt của xứ ngàn hoà, làm sao du khách có thể nâng cao chỉ số hạnh phúc sau các chuyến đi du lịch đến Đà Lạt. Đây là yếu tố thôi thúc du khách quay trở lại. Ưu tiên phát triển sản phẩm tái tạo năng lượng. Trong đó, tập trung du lịch thiên nhiên gắn với văn hóa cộng động.
Thành phố Đà Lạt, với khí hậu mát mẻ và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, thực sự là một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá. Đà Lạt không chỉ nổi bật với những cánh đồng hoa rực rỡ mà còn với các hoạt động như tham quan rừng thông, hồ nước và các khu du lịch sinh thái.
Theo khảo sát gần đây, hơn 75% du khách đến Đà Lạt cho biết họ hài lòng với trải nghiệm thiên nhiên tại đây.
Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, du khách cảm nhận sự tươi mới bản thân thông qua các chuyến đi. Đà lạt phát triển du lịch sự kiện.
Ngoài sự kiện Festival Hoa Đà Lạt, với mệnh danh là thành phố sáng tạo ngoài hàng tháng, còn có sự kiện thu hút du khách trong và ngoài nước, trải nghiệm Đà Lạt một cách trọn vẹn nhất.
Ngoài ra, để giảm thiểu tác động từ lượng khách du lịch ngày càng tăng tại Đà Lạt, việc quản lý môi trường cần được chú trọng hơn bao giờ hết.
Đà Lạt và Suphanbur (Thái Lan) hợp tác phát triển sự kiện âm nhạc để thu hút du khách quốc tế
Bà Apinya Iamampha, phó thống đốc thành phố Suphanburi, Thái Lan, cho biết thành phố Đà Lạt có sự kết nối rất tốt về văn hóa, đây là một nền tảng quan trọng để Đà Lạt tiếp tục phát triển trong tương lai.
Về phía Suphanburi, bà Apinya chia sẻ tỉnh cũng đang triển khai kế hoạch phát triển 20 năm nhằm đưa du lịch kết hợp với văn hóa trở thành trụ cột kinh tế. Với lợi thế là thành phố thuộc Mạng lưới Âm nhạc được UNESCO công nhận, Suphanburi đã đặt mục tiêu khai thác yếu tố âm nhạc để thu hút du khách quốc tế.
“Chúng tôi tin rằng âm nhạc là ngôn ngữ kết nối toàn cầu. Với tầm nhìn này, chúng tôi hướng tới việc tạo ra một thế hệ nhạc sĩ mới và sử dụng âm nhạc như một động lực phát triển kinh tế – xã hội. Sự hợp tác công tư, cùng với sự tham gia của chính quyền và các bên liên quan, sẽ là yếu tố then chốt để tạo ra các giá trị bền vững,” bà Apinya nhấn mạnh.
Cụ thể, tỉnh Suphanburi đang đẩy mạnh quảng bá âm nhạc, tổ chức các lễ hội thường niên và khuyến khích việc tổ chức lễ hội âm nhạc hàng tháng.
“Chúng tôi mong muốn nâng cao kỹ năng âm nhạc cho người dân, đồng thời kết hợp với các đơn vị tư nhân để tổ chức thêm nhiều lễ hội quy mô lớn,” bà Apinya chia sẻ.
Bà cũng cho biết, vai trò của chính quyền địa phương là điều phối và hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Hiện nay, đã có nhiều nhóm nhạc nổi tiếng trong và ngoài nước đến biểu diễn tại Suphanburi. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ sắp xếp chỗ ở, khách sạn và các dịch vụ cần thiết cho nghệ sĩ cũng như du khách tham dự sự kiện.
Những lễ hội âm nhạc đã mang lại nguồn thu đáng kể cho Suphanburi và góp phần nâng cao hình ảnh của tỉnh trên bản đồ du lịch quốc tế. Với tiềm năng sẵn có, bà Apinya kỳ vọng Suphanburi và Đà Lạt có thể hợp tác để tổ chức các sự kiện âm nhạc liên tỉnh, qua đó thu hút thêm du khách quốc tế và tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo, bền vững.
Xác định rõ phân khúc du khách sẽ giúp Đà Lạt có chiến lược thu hút phù hợp và khai thác hiệu quả các nguồn khách tiềm năng
Ông Đỗ Quốc Thông – phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM – đánh giá, trong suốt 30 năm qua, hoạt động du lịch tại Đà Lạt – Lâm Đồng đã phát triển nhanh chóng. Tuy vậy, sự phát triển này cũng làm thay đổi đáng kể cảnh quan và diện mạo của thành phố. Quá trình phát triển này cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là sự gia tăng nhanh chóng của nhà lồng, nhà kính, ảnh hưởng đến giá trị cảnh quan tự nhiên.
Bày tỏ ý kiến đồng tình với TS Minh Nhật, ông Quốc Thông cho rằng vấn đề bảo tồn di sản, đặc biệt là các biệt thự cổ của Đà Lạt, rất quan trọng.
Cùng với đó, Đà Lạt cần xây dựng những tuyến du lịch kết nối qua nhiều điểm di sản, vừa phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, vừa tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Lượng khách quốc tế đến Đà Lạt đang có dấu hiệu tăng trưởng. Vì vậy, thành phố cần chú trọng phân khúc thị trường du lịch quốc tế theo từng khu vực và đối tượng khách hàng. Việc xác định rõ phân khúc sẽ giúp Đà Lạt có chiến lược thu hút phù hợp và khai thác hiệu quả các nguồn khách tiềm năng.
“Chúng ta còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Để phát triển bền vững, cần tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc từ những tài nguyên hiện có. Quan trọng hơn, làm sao để Đà Lạt không còn tình trạng mùa cao điểm quá tải và mùa vắng khách đìu hiu, khi đó du lịch mới thực sự phát triển ổn định và bền vững,” ông Thông nhấn mạnh.
* Tuổi Trẻ Online cập nhật