Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của đất nước trong kỉ nguyên mới, Luật số 34 đã xuất hiện những vướng mắc, bất cập và được đề xuất sớm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thi hành Luật GDĐH trong thời gian tới.
“Đã đến lúc cần ban hành Luật mới về giáo dục đại học”, PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ và cho rằng, cần phải thực hiện sớm, nhưng đầu tư thời gian, để soạn thảo, lấy ý kiến bài bản, có được quy định cụ thể, đúng đắn, tạo nên bộ Luật mới có chất lượng.
PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ
Nhấn mạnh mỗi một bộ Luật ra đời đều nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể của thực tiễn, PGS.TS Lê Vũ Nam cho rằng Luật số 34 đã làm tròn sứ mệnh của mình về tự chủ đại học, nâng cao chất lượng, phân tầng đại học… Giai đoạn tiếp theo, chúng ta cần có một bộ luật chung. Việc có quá nhiều phiên bản, khiến cho các trường gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Vì vậy nên có một bộ luật mới, thống nhất ở các phiên bản hiện nay. Cùng với đó, việc xuất hiện nhiều bất cập, vướng mắc, chồng chéo trong quá trình thực hiện cũng đã đến lúc phải có sự điều chỉnh kịp thời.
Theo PGS.TS Lê Vũ Nam, Luật số 34 chưa ghi nhận vai trò của Bộ môn trong cơ cấu của trường đại học và nghiên cứu viên. Tinh thần của Luật 34 là tự chủ, trong đó có tự chủ về học thuật, về đào tạo, mà bộ môn chính là nơi hiện thực hóa vấn đề này. Vì vậy cần có sự quy định cụ thể, ghi nhận để phát huy hơn nữa vai trò của bộ môn cũng như Luật hóa chức danh nghiên cứu viên.
Cho rằng nhiệm vụ chính của các trường đại học, trong đó có giảng viên đó chính là nghiên cứu khoa học, đào tạo, phục vụ cộng đồng, PGS.TS Lê Vũ Nam đề xuất, cần có quy định liên quan đến phục vụ cộng đồng; cần cụ thể hơn nữa về khái niệm, cơ chế khuyến khích, động viên phục vụ cộng đồng…
GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên
GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên đánh giá, hiện nay, các cơ sở giáo dục có năng lực không đồng đều nhau về nguồn nhân lực chất lượng cao, do vậy, việc cần thiết ban hành Luật trong bối cảnh thực hiện vai trò dẫn dắt hệ thống, đảm bảo đầu ra thống nhất và công bằng.
Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, giai đoạn 5 năm từ 2019-2024, Luật giáo dục đại học đã có tác động rất tích cực, thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục đại học. Nhưng các chồng chéo còn tồn tại đã đến lúc cần phải tháo gỡ. Vì thế, thay đổi, sửa đổi bổ sung Luật 34 là rất cấp thiết, cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học có thể vận hành hiệu quả hơn.
“Phần lớn bây giờ các Luật đã có những thay đổi theo xu thế thời đại, phù hợp với thực tiễn, nhưng như vậy có thực sự hiệu quả không hay là chúng ta cần xây dựng một bộ Luật mới, trong đó kế thừa những điều còn phù hợp và bổ sung những quy định mới”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội
Khẳng định Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 và sau đó là Luật số 34 đã mở ra hệ thống pháp lý rất tốt cho GDĐH, tạo căn cứ cho các cơ sở GDĐH thực hiện tốt hơn, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, công tác quản lý, quản trị đại học có chuyển biến tích cực. Cơ chế tự chủ đã tạo điều kiện cho cơ sở GDĐH phát huy dân chủ, có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn trong xây dựng và tổ chức triển khai hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng một cách có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của người dân và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, cần đưa các trường cao đẳng thuộc giáo dục đại học để đảm bảo tính hệ thống và phân tầng cơ sở giáo dục đại học nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quản lý nhà nước.