Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh về cách làm, tiến độ thực hiện chủ trương lớn này.
Quan tâm giải quyết các chế độ chính sách
– Ông có thể cho biết, Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 có tác động thế nào với thành phố Hà Nội ?
Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 về phê duyệt phương án sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Nội giai đoạn 2023-2025 có tác động đến 109 xã, phường, thị trấn; giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã và hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới; tác động đến 2.653 cán bộ, công chức (CBCC) và người hoạt động bán chuyên trách cấp xã của 20 quận, huyện, thị xã. Sau sắp xếp, toàn thành phố dôi dư 93 trụ sở, 831 người, cùng những vấn đề cần phải giải quyết như giấy tờ, nhân thân, tài sản, con dấu…
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, thành phố Hà Nội đã bám sát các chủ trương, nghị quyết của Trung ương; tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể được đề ra trong nghị quyết này và những nội dung không bắt buộc phải sắp xếp.
Trong đó, có 2 vấn đề tác động lớn đến việc sắp xếp đơn vị hành chính của thành phố Hà Nội là yếu tố truyền thống văn hóa, lịch sử và thành phố Hà Nội mới được phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo quy hoạch này, thành phố Hà Nội được xây dựng một số thành phố trực thuộc Thủ đô, được triển khai 10 tuyến đường sắt đô thị, một số dự án đường cao tốc, đường vành đai như đường Vành đai 4. Các dự án này khi triển khai sẽ chia cắt địa giới hành chính, tác động đến các thôn, xã của các huyện có liên quan. Do vậy, sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch thì thành phố sẽ tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn sau và giai đoạn 2026-2030 này sẽ nhiều hơn. Đợt này, một số địa phương đủ điều kiện tiêu chuẩn, tiêu chí về diện tích và dân số phải sắp xếp nhưng thành phố chủ trương để hoàn thiện hạ tầng này rồi sẽ thực hiện.
– Như vậy, Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 có tác động đến số lượng đơn vị hành chính và cán bộ, công chức. Thành phố có giải pháp gì để bảo đảm ổn định tình hình sau sắp xếp, thưa ông?
Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hà Nội đã triển khai đến cán bộ chủ chốt toàn thành phố, triển khai kế hoạch hướng dẫn, ban hành các chế độ chính sách giải quyết cán bộ dôi dư.
Sở Nội vụ đã phối hợp giải quyết chế độ cho CBCC tại các đơn vị sáp nhập. Cụ thể, với CBCC đủ điều kiện tiếp nhận, tuyển dụng vào công chức từ cấp huyện thì bố trí về các phòng, ban, các ban đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể của cấp huyện; bố trí chức danh lãnh đạo sang các nơi còn thiếu; giải quyết chế độ với cán bộ muốn thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng cá nhân. Số còn lại sẽ nhập nguyên trạng theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 là sắp xếp trong lộ trình 5 năm. Tuy nhiên, với 831 CBCC dôi dư, thành phố Hà Nội sẽ giải quyết trong năm 2025 và đầu năm 2026; từ năm 2026 đến 2029, theo lộ trình chỉ còn 66 người trong tổng số 831 CBCC dôi dư.
Thành phố cũng rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo là cấp trưởng, khi sắp xếp 2-3 đơn vị sáp nhập thì sẽ dôi dư 2-3 cấp trưởng. Do công tác lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp bố trí khoa học, chặt chẽ; nhất là bố trí bảo đảm phù hợp trình độ, năng lực, cơ bản đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, nên tạo được sự thống nhất cao của cán bộ, đến nay, Thành ủy, HĐND, UBND và các sở liên quan không nhận được bất kỳ đơn thư phản ánh kiến nghị gì, đặc biệt của cán bộ, công chức. Nhân dân cũng rất đồng thuận và tin tưởng. Quá trình này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng tinh giản tổ chức bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hiện nay.
Những điều đó chính là điều kiện tạo được cho thành phố cơ hội, môi trường đầu tư mới trong xu thế phát triển.
– Bên cạnh việc quan tâm giải quyết tốt chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức sau sắp xếp thì cơ sở vật chất sẽ có hướng giải quyết thế nào để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí thưa ông?
Các sở, ngành liên quan như Công an thành phố, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài chính đều có hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi giấy tờ nhân thân, thay đổi con dấu, phương án sắp xếp bố trí trụ sở, tài sản, bố trí cơ sở vật chất… Đồng thời hướng dẫn quy trình cụ thể để thành lập Đảng bộ, các tổ chức chính trị xã hội, HĐND, UBND của đơn vị hành chính cấp xã mới.
Đối với cơ sở vật chất, trước mắt giữ nguyên các trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa ở các thôn, tổ dân phố. Sau khi hoàn thành sự kiện quy hoạch xã mới, sẽ tổ chức phương án khai thác những trụ sở, thiết chế văn hóa dôi dư, theo hướng để lại phục vụ cộng đồng dân cư, không chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố…
Ra mắt 56 Đảng bộ của các xã, phường mới trước 31-12-2024
– Đến thời điểm này, các đơn vị đã triển khai các phần việc gì để sẵn sàng hoạt động, thưa ông?
Theo lộ trình, 20 quận, huyện tổ chức lễ công bố ra mắt 56 đảng bộ của các xã, phường mới trước ngày 31-12-2024. Đồng thời, các huyện chỉ định người triệu tập kỳ họp HĐND của các xã mới để tổ chức kỳ họp ngay sau Tết Dương lịch (1-1-2025). Tại kỳ họp này sẽ bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và UBND, các chức danh ủy viên UBND cấp xã. Với các phường, Chủ tịch UBND quận đã bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường và công bố tại lễ ra mắt.
Bộ máy mới sẽ chính thức đi vào hoạt động trong tháng 1-2025, trong đó tổ chức đảng thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo từ ngày 1-1-2025; đội ngũ công chức vẫn hoạt động bình thường.
Theo nắm bắt tình hình cho thấy, việc tổ chức lễ ra mắt các phường, xã mới được thực hiện trang trọng, đúng quy định của điều lệ Đảng và các tổ chức hội, đúng quy định của pháp luật về thành lập chính quyền mới, tạo không khí phấn khởi, nhất là với đội ngũ cán bộ chủ chốt.
Do được chuẩn bị từ trước, được Thành ủy, UBND thành phố, các quận, huyện chỉ đạo rất sát sao nên việc sắp xếp, bố trí, đưa vào hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể, chính quyền các xã, phường mới không ảnh hưởng đến hoạt động chung cũng như không ảnh hưởng đến việc phục vụ nhân dân trên địa bàn.
– Ông có thể cho biết, đối với những trường hợp người dân bị ảnh hưởng giấy tờ do thay đổi địa giới hành chính sẽ được chính quyền hỗ trợ ra sao?
Thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp, Công an thành phố, các sở, ngành trong giải quyết thủ tục hành chính do sắp xếp liên quan đến doanh nghiệp và người dân thì không thu phí và lệ phí. Công an thành phố đã có kế hoạch rất cụ thể, yêu cầu Công an quận huyện, xã phường ngoài giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” còn tổ chức các đội lưu động về thôn, tổ dân phố và làm ngoài giờ hỗ trợ chuyển đổi giấy tờ như căn cước công dân, giấy phép lái xe và các giấy tờ liên quan…, để tạo thuận lợi nhất cho người dân. Công an cũng phối hợp bưu điện và ngân hàng, đặc biệt trong VNeID vẫn chấp nhận cho thanh toán các thủ tục tài chính liên quan.
Với những trường hợp do yêu cầu công việc chưa làm chuyển đổi giấy tờ thì vẫn giữ nguyên và được bảo đảm không bị ảnh hưởng gì. Thành phố quan tâm tới đối tượng người lớn tuổi hưởng trợ cấp xã hội đang được hưởng chính sách của quận, huyện trả tiền trợ cấp hằng tháng phải có CCCD/VNeID mới. Trong đó, Công an thành phố phối hợp Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại giải quyết tốt việc đó, không để đình trệ. Với số lượng lớn thuộc đối tượng người có công, người được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng được trả qua thẻ ngân hàng trên địa bàn thành phố, trong đợt trợ cấp dịp Tết 2025 này đều được thực hiện đồng bộ, không bị ảnh hưởng gì.
Với các phường, xã có thay đổi về thứ tự thôn, tổ dân phố, hiện thành phố thực hiện tạm thời giữ nguyên số thôn, tổ cũ. Theo luật, việc tổ chức thành lập, giải thể, đổi tên thôn, tổ dân phố được thực hiện tại kỳ họp cuối năm; tuy nhiên sau khi các xã, thị trấn tổ chức các thôn, tổ dân phố mới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu trình HĐND thành phố phê duyệt tại kỳ họp gần nhất.
– Quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã của Hà Nội đến nay được đội ngũ CBCC cũng như nhân dân đón nhận ra sao, thưa ông?
Thực tế cho thấy, việc tổ chức ra mắt các ĐVHC cấp xã mới đang được các quận, huyện tổ chức một cách trang trọng, đúng quy định, điều lệ của đảng và của các tổ chức hội, đúng quy định phát luật về thành lập chính quyền mới, tạo được không khí phấn khởi, nhất là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt. Qua quá trình sắp xếp ĐVHC cấp xã tại Hà Nội đến nay có thể thấy có sự chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, sâu sát, bài bản từ thành phố đến quận, huyện và đến xã, phường.
Đặc biệt, thành phố cùng các quận, huyện dành nhiều quan tâm đến vị trí cấp trưởng. 2-3 ĐVHC nhập làm một thì sẽ dôi dư ra 1-2 cấp trưởng, sẽ xuống làm cấp phó hoặc được điều động luân chuyển. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị làm tốt vấn đề tư tưởng, có phương án cụ thể, giải quyết dứt điểm, quá trình này nhận được sự ủng hộ của đông đảo CBCC, đảng viên và nhân dân; đến nay Thành ủy, HĐND, UBND và các sở liên quan không nhận được bất cứ đơn thư phản ánh, kiến nghị nào. Quá trình sắp xếp ĐVHC cấp xã hoàn toàn phù hợp với định hướng xây dựng, tinh giản tổ chức bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, được đội ngũ CBCC cũng như nhân dân đồng thuận, tin tưởng.
Những điều đó chính là điều kiện để thành phố có cơ hội mới, có một môi trường đầu tư mới trong xu thế phát triển.
– Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://hanoimoi.vn/giam-doc-so-noi-vu-ha-noi-tran-dinh-canh-cong-tac-lanh-dao-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cua-thu-do-khoa-hoc-chat-che-689017.html