Trong cùng một khung giờ, gần 4.000 học sinh tại 117 lớp học từ 16 trường thuộc huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được kết nối với nhau trên nền tảng số, học tiếng Anh qua những bài giảng sinh động, có tính tương tác cao. Chuyển đổi số được xác định là một trong những giải pháp để cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường học.
Hà Nội cũng khó khăn khi triển khai dạy tiếng Anh
TS. Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận Ba Đình (Hà Nội), chia sẻ, mặc dù là quận trung tâm của Thủ đô nhưng giữa các địa bàn vẫn còn sự chênh lệch về trình độ của giáo viên giữa các trường và trong một trường với nhau.
Bên cạnh đó là sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu số lượng giáo viên lớn hơn so với chương trình cũ nhưng việc tuyển dụng tương đối khó khăn vì giáo viên giỏi, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đôi khi lại không chọn nghề giáo mà chuyển công việc khác.
Một khó khăn khác liên quan đến cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học, kể cả về hạ tầng và nền tảng số. “Dù đã được quận quan tâm đầu tư 2.300 tỷ đồng cho giai đoạn 5 năm gần đây, tuy nhiên con số này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của việc dạy học ngoại ngữ nói chung, dạy học tiếng Anh nói riêng”, ông Lê Đức Thuận cho biết.
Việc dạy tiếng Anh càng gặp khó khăn đối với các huyện ngoại thành Hà Nội. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, thực tế, huyện có nhiều giáo viên tuổi cao dạy tiếng Anh ngại đổi mới, hạn chế trong việc tiếp thu, vận dụng những phương pháp dạy học tiên tiến, ít có khả năng tạo ra hứng thú, sân chơi trí tuệ để học sinh thể hiện bản thân.
Bên cạnh đó vẫn còn một số giáo viên hạn chế về chuyên môn. Nhiều học sinh chưa hứng thú với việc học, chưa có phương pháp học hiệu quả, trong khi môn Tiếng Anh đòi hỏi sự cần cù và rèn luyện thường xuyên. Nhiều gia đình còn chưa có sự quan tâm thỏa đáng trong đầu tư cho học tập của con em mình.
Chia sẻ khó khăn trong triển khai dạy tiếng Anh theo chương trình GDPT 2018, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) Nguyễn Anh Thủy cho biết, dù đã 4-5 lần thông báo tuyển dụng nhưng hầu như phòng GD-ĐT huyện không nhận được hồ sơ nào cho vị trí giáo viên tiếng Anh.
Trong khi đó, theo Chương trình GDPT 2018, Tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3. Thiếu giáo viên tiếng Anh là tình trạng phổ biến của rất nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.
Liên kết đào tạo
Một trong những biện pháp được huyện Ba Vì lựa chọn để cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh trên địa bàn huyện là liên kết đào tạo với trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Với định hướng của Trung ương và quyết tâm cao của huyện Ba Vì nhằm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, lãnh đạo huyện Ba Vì đã hợp tác từ nhiều năm nay với trường Đại học Ngoại ngữ để đưa nhiều giải pháp khả thi nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ của huyện.
Nhiều cuộc tập huấn, trao đổi đã được triển khai giữa chuyên gia của trường Đại học Ngoại ngữ với giáo viên tiếng Anh của các trường trên địa bàn huyện Ba Vì. Các thầy cô được làm quen với những cách tiếp cận mới với học sinh như:
Xây dựng môi trường ngoại ngữ, học tập thông qua các trò chơi mới, giúp học sinh hứng thú với tiết học tiếng Anh…
Huyện Mù Cang Chải đã triển khai dự án giảng dạy chương trình dạy và học tiếng Anh thông qua môn Toán và Khoa học do Tập đoàn Equest đầu tư với các bài giảng số xây dựng theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến hơn 1 năm nay.
Các bài giảng số được cài đặt vào máy tính tại các lớp học ở địa phương. Trong cùng một khung giờ, gần 4.000 học sinh tại 117 lớp học từ 16 trường thuộc huyện Mù Cang Chải được kết nối với nhau trên nền tảng số, học tiếng Anh qua những bài giảng sinh động, có tính tương tác cao.
Giờ học được giảng dạy bởi 1 giáo viên tiếng Anh có chuyên môn cao của iSMART (đơn vị thuộc Tập đoàn giáo dục EQuest) tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của 146 giáo viên đồng giảng tại Mù Cang Chải.
Theo ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải, các em học sinh được tiếp cận tiếng Anh sớm hơn, theo hình thức học hoàn toàn mới, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, với bài giảng số sinh động, giáo viên chất lượng cao.
“Chúng tôi gọi đó là sự linh hoạt thích ứng. Về lâu dài, chúng tôi hướng tới một thế hệ trẻ vùng cao tự tin, giỏi ngoại ngữ, góp phần phát triển du lịch, đón du khách trong nước và quốc tế tới địa phương”.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/cong-nghe-dua-tieng-anh-den-vung-kho-20241211175318553.htm