Biểu tượng ở nơi “trung tâm của trung tâm”
Có từ các thời trước đó nhưng hình tượng rồng đặc biệt xuất hiện nhiều từ khi có địa danh Thăng Long trong sử sách, khi Lý Công Uẩn có quyết định táo bạo dời đô từ động Hoa Lư thế hiểm đến vùng đất phía nam bên dòng sông lớn Nhĩ Hà. Đó là chỗ “ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” (Chiếu dời đô). Kinh đô mới mở đầu vương triều Lý được chọn mang tên Thăng Long mang nghĩa Rồng bay lên. Rồng là điềm lành gắn cùng với ước mong thăng phát, với hưng thịnh và hạnh phúc từ thời bình minh kiến tạo văn hiến Đại Việt.
Theo PGS-TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), ngay từ thời Lý, chúng ta đã thấy một quan niệm rõ ràng về hình ảnh rồng như là biểu tượng quan trọng nhất cho đế vương. Điều này thể hiện qua các cứ liệu của văn bia Sùng Thiện Diên Linh, một tấm bia quan phương của triều đình do Thượng thư Nguyễn Công Bật soạn và đích thân Hoàng đế Lý Nhân Tông ngự thư trên bi ngạch và cho khắc năm 1121.
Cũng từ thời điểm dời đô năm Canh Tuất đó, từ Thăng Long đến Hà Nội hôm nay, mảnh đất này được nhiều thế hệ tài hoa tích lũy kỳ công xây dựng và bảo vệ, xứng đáng là “kinh đô mãi muôn đời”. Trong suốt gần 1.000 năm, từ thời Lý đến hết thời Nguyễn, rồng trở thành linh vật biểu trưng của quyền lực trung ương tối cao, gắn liền với vua, cung đình và hoàng tộc. Hình rồng còn được đặc biệt gắn/vẽ trang trọng trên các đồ ngự dụng (đồ dùng của vua) trong cung, trên các biểu tượng lễ nghi, trên lễ phục có tính quan phương ở cấp cao.
“Bay lên” từ hố khai quật
Hình tượng rồng tập trung cô đọng và dày đặc ở di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, đặc biệt là trên các bảo vật quốc gia lưu giữ ở đây. Tính tới nay, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long có 7 bảo vật quốc gia thì có tới 5 bảo vật mang hình rồng. Đó là bộ thành bậc điện Kính Thiên thời Lê sơ; đầu rồng thời Trần; sưu tập bát đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ; thành bậc điện Kính Thiên thời Lê trung hưng; 2 bát sứ ngự dụng thời Lê sơ. Hai bảo vật quốc gia còn lại là súng thần công thời Lê trung hưng và lá đề chim phượng.
Điện Kính Thiên, được xây dựng năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện năm 1467 vào đời vua Lê Thánh Tông, là trung tâm của khu di sản. Bộ thành bậc điện Kính Thiên thời Lê sơ gồm hai thành bậc chạm rồng ở giữa và hai thành bậc chạm mây hóa rồng ở hai bên trở thành Bảo vật quốc gia từ năm 2020. Bộ thành bậc này được đặt trên lối lên xuống chính của điện Kính Thiên. Rồng đá thành bậc thời Lê sơ tạo hình vạm vỡ, đầu ngẩng cao oai vệ, bảy khúc thân uốn lượn mềm mại như sóng từ trên xuống.
Thềm rồng nơi đây còn mang tới cho tòa nhà ở đó một cái tên mang dấu ấn lịch sử – Nhà con rồng. Trên nền cũ cung điện xưa là phòng họp của Tổng hành dinh thời kháng chiến chống Mỹ và Nhà con rồng đã ghi dấu nhiều quyết định lịch sử từ cấp cao nhất. Chính vì thế, tòa nhà nơi có thềm rồng thời Lê sơ này cũng là một “di tích kép” mang các giá trị lịch sử – văn hóa từ thời trung đại và cả những giá trị lịch sử thời hiện đại.
Cùng với bộ thành bậc lớn phía trước, khu vực điện Kính Thiên xưa còn giữ lại được một bộ thành bậc thứ hai tạo tác thời Lê trung hưng (thế kỷ 17 – 18) trên lối đi phía sau, bên trái. Bộ thành bậc này được công nhận Bảo vật quốc gia vào tháng 1.2023. Đôi rồng trong bộ thành bậc thời Lê trung hưng cũng “đi” từ trên xuống với dáng cứng cáp, thân rồng vẫn uốn bảy khúc, có nhiều mào lửa, nhưng các khúc đuôi giãn ra hơn. Dưới thân rồng chạm hình cá hóa long, chim phượng, hoa sen trên nền các cụm mây. Có thể nói, cả hai bộ thành bậc tạc rồng ở điện Kính Thiên mang giá trị nghệ thuật điêu khắc đá đặc sắc và độc nhất.
Tại Hoàng thành Thăng Long còn có một bảo vật quốc gia đặc tả đầu rồng thời Trần. Đầu rồng này là một khối tượng tròn bằng đất nung khá lớn và nguyên vẹn, là chi tiết quan trọng trang trí trên bộ mái các kiến trúc thời Lý, Trần, được đặt ở vị trí “con Kìm” (đỉnh đầu hồi của công trình) với hàm ý tâm linh cầu cho công trình tránh được hỏa hoạn. Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đầu rồng từng được mang sang Đức trưng bày để giới thiệu về các báu vật khảo cổ học Việt Nam.
Đầu rồng thể hiện rồng như đang “bay”, bờm và mào hướng ra sau, miệng ngậm ngọc báu, mũi và môi trên biến thành mào lửa hình chữ S, răng nanh dài và uốn cong cùng theo mào lửa, lưỡi nhỏ dài bao ngoài ngọc báu và cũng uốn theo mào lửa rất sinh động… Bảo vật này giúp các nhà nghiên cứu nhận diện bộ mái kiến trúc thời Lý, Trần, cũng minh chứng sự kế thừa và tiếp nối trong những chuyển biến nghệ thuật thời Trần so với nghệ thuật thời Lý.
Bộ sưu tập gốm ngự dụng thời Lê sơ được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2023, gồm những bát, đĩa gốm men lam với kỹ thuật chế tác gốm thượng thừa, nhiệt độ nung cao. Vì là đồ dùng của vua nên tất nhiên đồ án trang trí chủ đạo là hình rồng, hoa văn xung quanh tỉ mỉ và tinh xảo, lòng viết chữ “Kính” (敬) hoặc in nổi chữ “Quan” (官) – là cách xác định rõ nhãn hiệu của những xưởng gốm chỉ chế tác sản phẩm phục vụ hoàng cung.
Kể tiếp những chuyện rồng
“Câu chuyện rồng” ở Hoàng thành Thăng Long không chỉ nằm ở những bảo vật quốc gia mà còn được kể trong những trưng bày liên quan đến khu di sản. Một trong những trưng bày như thế là trưng bày về Hoàng thành mang tên “Những phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất nhà Quốc hội”. Trung tâm nghiên cứu Kinh thành (tiền thân của Viện Nghiên cứu Kinh thành) khi đó đã tái hiện một mặt bằng kiến trúc thời Lý của Hoàng thành Thăng Long tại đây với rất nhiều hiện vật kiến trúc như ngói úp nóc lớn hình lá đề để trang trí rồng, lợp giữa mái cung điện thời Lý…
Những mảnh gạch, ngói tìm thấy tại hố khai quật ở Hoàng thành Thăng Long cũng được ghép lại thành một bức tranh gốm có tên “Bình minh Thăng Long”. Bức tranh được đặt cạnh nội dung Chiếu dời đô trong trưng bày “Những phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất nhà Quốc hội” mang đến cảm xúc về Hoàng thành Thăng Long thời Lý. “Đấy cũng là cách phát huy di sản”, PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, nói.
Mới đây nhất, “câu chuyện rồng” của Hoàng thành Thăng Long lại được viết tiếp khi Viện Nghiên cứu Kinh thành công bố về hình ảnh điện Kính Thiên thời Lê sơ. Mô hình tái hiện cho thấy điện có mái màu vàng rực rỡ. PGS-TS Bùi Minh Trí cho biết: “Ngói rồng chính là điểm đặc biệt của điện này. Khảo cổ học tìm thấy ngói rồng men vàng và xanh lục. Những mảnh đầu, thân, đuôi này đã tạo thành hình rồng hoàn chỉnh. Chúng tôi so sánh vật liệu kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long với các cung điện ở Đông Á, nhất là Trung Quốc, thì thấy đây là loại ngói chỉ ở Việt Nam mới có. Nó mang lại nét độc đáo của kiến trúc thời Lê sơ”.
Việc nghiên cứu hình tượng rồng, nghiên cứu các vật liệu kiến trúc có hình rồng sẽ còn tiếp tục. Qua đó, “câu chuyện rồng” ở Hoàng thành Thăng Long sẽ còn tiếp tục được kể theo những cách mới, vừa mang niềm hoài cổ, vừa cập nhật những nghiên cứu hiện đại.
PGS-TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho rằng huyền thoại dời đô của Lý Thái Tổ với cái tên đầy ý nghĩa “Thăng Long” là chỉ dấu quan trọng cho thấy việc chuyển kinh từ Hoa Lư ra Đại La phải có sự tham mưu của các nhà Nho. “Những điển tích Nho giáo tràn ngập trong Chiếu dời đô với các mẫu hình nhân vật chính trị kiểu Hoa Hạ. Điều đó không chỉ tôn lên vẻ đẹp về địa thế quân sự của Kinh đô mới, mà còn hàm ý trong đó cái đẹp của vương quyền, “mảnh đất rồng bay” với hình thể “rồng cuộn, hổ ngồi”. Đó là một thông điệp về mảnh đất đế vương”, ông nhận xét.
PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, cho biết hai chiếc bát sứ ngự dụng thời Lê sơ đã nổi tiếng trước khi trở thành bảo vật quốc gia. Chúng đã được mang ra làm “ngoại giao gốm” từ năm 2004. Khi Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Nhật Bản Koizumi Junichiro thăm khu di tích Hoàng thành Thăng Long, họ đã được mời ngắm hai hiện vật này. PGS-TS Trí cho biết: “Hai vị khách đều thán phục, ngợi ca về phẩm cấp cao quý, chất lượng tuyệt hảo, vẻ đẹp tinh mỹ của đồ án hình rồng khi chiêm ngưỡng chiếc bát này”.
Về bảo vật quốc gia đầu rồng thời Trần, trước thời điểm Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, một đầu rồng bằng đất nung tuyệt đẹp xuất lộ ở hố khai quật. PGS-TS Tống Trung Tín, lúc đó là Viện trưởng Viện Khảo cổ học, nhớ lại: “Đó là một đầu rồng lớn gần như nguyên vẹn. Ở những phần chi tiết tinh xảo và khó cho thấy tay nghề cao, đầu rồng nguyên vẹn. Xung quanh cũng có một số mảnh khác. Chúng tôi ghi chép và mang đầu rồng đó về”. Sau này đầu rồng đó trở thành bảo vật quốc gia, PGS-TS Tống Trung Tín cũng là thành viên của Hội đồng Di sản quốc gia xét duyệt danh sách bảo vật.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuyen-rong-ngan-nam-o-hoang-thanh-thang-long-18524012812033717.htm