Thế rồi quãng hơn 20 năm trước nghề thêu tay ở đây dần bị mai một. Thị trường tiêu thụ khó khăn, việc làm ít, thu nhập bấp bênh nên đa số người dân Đồng Tâm không thể trụ lại với nghề thêu.
Chị Nguyễn Thị Hằng tâm sự: “Em biết cầm kim trước khi biết cầm bút bởi thời điểm đó cái bút ta chấm mực nó không có nhiều màu, còn những sợi chỉ thêu của mẹ có nhiều màu sắc nên em bị cuốn hút vào. Lúc đầu em chỉ thêu những chiếc khăn ăn, đến năm 1990 chú Thẩm trong làng ký được hợp đồng làm kimono của Nhật, em có đến xưởng của chú làm. 3 xã quanh đó là Thượng Lâm, Đồng Tâm và Bột Xuyên có khoảng gần 1.000 tay kim như vậy.
Đến cuối những năm 90 hợp đồng xuất khẩu cứ thưa dần, nhưng em vẫn theo nghề và học hỏi thêm ở nhiều nơi khác trong nước cũng như nước ngoài để năm 2002 đã tự mở xưởng. Năm 2005 em lấy chồng, tự mở cửa hàng thêu ở phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) và sau đó chuyển về phố Lạc Long Quân bán tới giờ”.
Xã hội hiện đại, tuy có nhiều sản phẩm thêu công nghiệp do máy móc thực hiện nhưng giá trị khác biệt mà tranh thêu tay truyền thống ở chỗ là ở bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của người thợ, không máy móc nào có thể thay thế được. Vừa rồi thấy thị trường thêu truyền thống bị giảm bớt, nghề thêu truyền thống bị mai một nhiều nên chị Hằng mới thành lập Hợp tác xã thêu tay Mỹ Đức gồm có 8 thành viên với mong muốn phục hồi lại. Trong đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024, huyện Mỹ Đức có 13 sản phẩm tham gia đánh giá mới thì HTX có tới 5 sản phẩm gồm tranh thêu tay quốc hoa đón xuân, tranh thêu tay Văn Miếu Quốc Tử Giám, tranh thêu tay chùa Một Cột, tranh thêu tay hoa hướng dương, tranh thêu tay Thiền Sen được xếp hạng 3 sao…
Sau khi tìm ra hướng đưa nghề thêu truyền thống vào tranh nghệ thuật để phù hợp với không gian nội thất hiện đại vợ chồng chị quyết định rời cửa hàng về phố Lạc Long Quân để tập trung vào sáng tác. Lúc đó họ gặp vấn đề là nếu chỉ đi một mình sẽ không có nhiều sân chơi, không được nhiều người biết đến nên mới nghĩ ra cách đào tạo để truyền nghề cho người khác qua hai hình thức offline và online dành cho những ai làm nghề hoặc người yêu nghề.
Về online chị đã đào tạo được gần 500 học viên trong nước và ngoài nước. Về offline thì 60-70% học viên là nhà thiết kế, sinh viên chuyên ngành cần làm đồ án tốt nghiệp, chủ công ty thời trang. Không đơn thuần chỉ hướng dẫn kỹ thuật thêu tay, các lớp học của chị còn là cầu nối đưa các nhà thiết kế thời trang hay những người hoạt động chuyên ngành thời trang đến gần hơn với những làng nghề thêu tay truyền thống.
Các học viên được học từ kỹ thuật thêu cơ bản đến nâng cao, được chia sẻ những bí quyết từ các nghệ nhân, được khám phá các phong tục, tập quán cũng văn hóa của làng nghề. Nhờ vậy mà họ thêm hiểu những ý nghĩa sâu xa của từng hoa văn, họa tiết truyền thống để làm ra được những sản phẩm không chỉ có cốt mà còn có hồn. Từ những khóa học tranh thủ kỳ nghỉ về nước ấy một số Việt kiều hay du học sinh ngành thời trang đã mang những kiến thức, kỹ năng thêu truyền thống ra nước ngoài để quảng bá cho sản phẩm tiểu thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.
Còn ở quê, khi chị Hằng mở xưởng năm 2022 có những em chỉ là học sinh nhưng đến giờ không ít người đã tách ra làm những xưởng thêu mới, thành công đến mức mỗi tháng trả tới vài trăm triệu tiền công cho thợ, hay giành cả nút bạc của youtube vì có đông người theo dõi trên mạng. Trước đây giữa chị và họ không có kết nối về công việc nhưng chị đang có ý tưởng nếu sắp tới có được sự hỗ trợ, có những hợp đồng xuất khẩu lớn thì sẽ gom những người có tay nghề lại để cùng phát triển nghề thêu của huyện Mỹ Đức theo hướng đi mới, thiên về tập thể chứ không chỉ cá nhân như hiện tại.
Nghề thêu tay khá linh hoạt, ngoài lao động làm toàn thời gian ở xưởng có thể chọn cách làm bán thời gian tranh thủ lúc nông nhàn ở nhà hay lúc buôn bán vắng khách ở chợ.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM TP Hà Nội
nguồn: https://nongnghiep.vn/chu-nhan-cua-5-san-pham-theu-tay-ocop-va-tam-huyet-gin-giu-nghe-d413423.html