Đáng nói, sự phát triển của du lịch tâm linh thời gian qua, tuy đã có nhiều chuyển biến, văn minh hơn, song vẫn còn không ít bất cập, đòi hỏi có những biện pháp ngăn chặn kịp thời những biến tướng, tiêu cực.
Vẫn còn không ít “sạn”

Với tập quán đi lễ đầu năm của nhiều người dân Việt Nam, du lịch tâm linh tiếp tục có sức hút vào dịp xuân mới. Những ngày này, các điểm đến di tích, di sản thường tổ chức các hoạt động thực hành văn hóa dân gian, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống có yếu tố tâm linh, cầu may. Theo ghi nhận, các điểm đến du lịch tâm linh được ưa chuộng là: Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ); chùa Hương, Phủ Tây Hồ (Hà Nội); chùa Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh); chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình); đền Trần, Phủ Dầy (tỉnh Nam Định); chùa Tây Thiên (tỉnh Vĩnh Phúc); Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh); miếu Bà Chúa Xứ (tỉnh An Giang); Thiền viện Trúc lâm ở khu vực miền Tây và thành phố Đà Lạt…
Năm nay, hoạt động của các điểm du lịch tâm linh được quản lý, tổ chức bài bản, tạo được không khí tươi vui, hấp dẫn cho người dân và du khách. Nhiều điểm du lịch đón lượng khách đông. Điển hình như chùa Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) đón khoảng 8 vạn lượt khách trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ; chùa Hương (Hà Nội) đón hơn 8,7 vạn lượt khách trước ngày khai hội và đón 1 triệu lượt khách trong 9 ngày nghỉ Tết; Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) đón gần 28 vạn lượt khách trước Tết và hơn 10 vạn lượt khách trong ngày khai hội; chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) đón hơn 7 vạn lượt khách trong dịp Tết; đền Trần (tỉnh Nam Định) riêng trong ngày khai hội thu hút 18 vạn lượt khách…
Mặc dù, mùa lễ hội, du lịch tâm linh năm Ất Tỵ được đánh giá là khá êm ả, song tại một số nơi, những hình ảnh chưa đẹp như cảnh người đi lễ chen lấn lộn xộn, đổi tiền lẻ với giá chênh lệch, tình trạng xô đẩy, tranh cướp lộc phản cảm… còn tồn tại. Trong đó, phải kể đến hiện tượng đổi tiền lẻ diễn ra phổ biến tại Khu danh thắng tâm linh Tây Thiên; tình trạng giằng bông, tranh cướp lộc tại lễ hội Đúc Bụt và lễ hội đả cầu cướp phết. Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ cảnh tượng hàng trăm người chen lấn, xô đẩy để tranh giành manh chiếu mong sinh con trai hay cướp phết lấy lộc đầu năm, trở thành hình ảnh xấu xí của mùa lễ hội năm nay.
Để tránh biến tướng, tiêu cực
Việt Nam có hơn 50 nghìn cơ sở tín ngưỡng và 8 nghìn lễ hội, phần lớn đều gắn với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, là tài nguyên giàu có để phát triển du lịch tâm linh. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn nhận định, số lượng khách du lịch tâm linh ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa. Bên cạnh đó, hoạt động tín ngưỡng, lễ hội diễn ra quanh năm nên loại hình sản phẩm này có thể khai thác được cả bốn mùa.
Tuy là “mỏ vàng” của du lịch Việt Nam, hằng năm thu hút đông du khách, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương, nhưng việc phát triển du lịch tâm linh còn gặp không ít khó khăn, bất cập. Các hành vi lệch chuẩn trong hoạt động tâm linh, tín ngưỡng vẫn tồn tại. Nghi thức cầu an, cầu may vốn là truyền thống tốt đẹp có thể bị biến tướng thành hình thức bói toán, mê tín dị đoan, đốt nhiều vàng mã…
Để tránh các hiện tượng tiêu cực, biến tướng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán; ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” để lễ hội diễn ra bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương. Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng cho biết, các địa phương còn để ra sai sót trong hoạt động văn hóa, du lịch tâm linh, lễ hội sẽ phải chấn chỉnh.
“Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong quản lý, tổ chức, rà soát và kiểm tra các hoạt động lễ hội. Những nội dung tổ chức của lễ hội có thể gây ra hành động phản cảm thì kiên quyết loại bỏ hoặc có phương án tổ chức phù hợp. Bên cạnh đó, địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho người dân, du khách hiểu giá trị truyền thống, tham gia lễ hội với ý thức văn minh, mặc trang phục phù hợp”, ông Lương Đức Thắng nêu.
Du lịch tâm linh cũng là một thế mạnh của Thủ đô. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã và đang tổ chức nhiều cuộc kiểm tra tại các lễ hội, điểm du lịch tâm linh. Yêu cầu đặt ra là các địa phương phải thực hiện tốt công tác quản lý, bảo đảm đúng quy định cũng như giữ gìn nếp sống văn minh nơi thờ tự, kiên quyết xử lý trường hợp sai phạm. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cũng cho biết, Sở yêu cầu các địa phương phải quản lý tốt điểm đến, xây dựng sản phẩm văn hóa hấp dẫn, phù hợp với truyền thống.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/chong-bien-tuong-trong-du-lich-tam-linh-693672.html