Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên do TP Hà Nội làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài 13,035km, gồm 12 ga; trong đó có 12,575km tuyến chính và 0,46km đường dẫn và depot.
Đoạn đi trên cao gồm 8 ga từ ga S1 đến S8 dài khoảng 8,5km; đoạn đi ngầm gồm 4 ga từ ga S9 đến ga S12 dài khoảng 4km. Tổng mức đầu tư dự án gần 35.000 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dự án đã trải qua nhiều giai đoạn, phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc giải phóng mặt bằng, thi công trong điều kiện đô thị đông đúc đến những tác động của dịch bệnh giai đoạn 2020-2021.
Dự án đã hoàn thành đoạn tuyến trên cao và đưa vào khai thác vận hành thương mại ngày 8/8, đánh dấu cột mốc quan trọng biểu trưng cho quan hệ hợp tác Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực giao thông đô thị bền vững.
Sau hơn 3 tháng khai thác thương mại, dự án đã cho thấy sức hút của phương tiện vận tải công cộng mới. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, tính đến hiện tại, đoạn trên cao của tuyến đã phục vụ hơn 2 triệu lượt hành khách, trở thành phương tiện di chuyển hằng ngày thuận tiện của một bộ phận nhân dân.
Lãnh đạo TP Hà Nội nhấn mạnh, việc đưa vào vận hành đoạn trên cao là động lực để tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị khác, nhằm hình thành một mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, đồng bộ, phục vụ tốt nhất nhu cầu di chuyển của nhân dân.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, đây là dự án tiêu biểu cho sự hợp tác song phương Pháp-Việt, dự án mà Pháp đã huy động các nguồn tài chính lớn và công nghệ tốt nhất của các doanh nghiệp Pháp.
Đại sứ nhắc đến chuyến thăm chính thức tới Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm hồi đầu tháng 10, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện; tuyên bố chung nhấn mạnh phát triển bền vững, trong đó lĩnh vực giao thông đô thị và đường sắt là hai trụ cột thiết yếu trong hợp tác.
Đại sứ cho biết, đường sắt rất cần thiết cho phát triển bền vững và quá trình “khử carbon” trong giao thông. Cuộc chiến chống lại sự nóng lên của khí hậu toàn cầu là một trong những ưu tiên chính của ngoại giao Pháp trên thế giới. Đây là lý do tại sao Pháp là một đối tác quan trọng của Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cũng như thông qua việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.
Tuyến số 3 đường sắt đô thị Hà Nội thể hiện cam kết chung nhằm giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra, đồng thời giúp Hà Nội giảm bớt tắc nghẽn giao thông, phát triển một cách hài hòa hơn và cải thiện cuộc sống của người dân.
Để xây dựng tuyến metro số 3 này, Đại sứ Olivier Brochet cho biết, các công ty Pháp được lựa chọn và tham gia dự án đã mang tới Việt Nam những công nghệ mũi nhọn với các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất, từ các đoàn tàu metropolis do Alstom cung cấp cho đến hệ thống bán vé tự động RATP Smart Systems. Dự án này bổ sung cho những thành công trước đây của Pháp trong các dự án lớn mang tính cơ cấu và đổi mới trên khắp đất nước.
Trong các lĩnh vực vũ trụ, đường sắt hay năng lượng, thông qua nguồn tài chính và chuyên môn của mình, Pháp đã có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển và hy vọng tăng cường hợp tác này trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện.
Trong khi đó, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier chia sẻ, khi vận hành hoàn toàn tuyến đường sắt có thể phục vụ tới 90 triệu hành khách mỗi năm.
“Chúng ta có thể hình dung tuyến đường sắt sẽ thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cắt giảm khí thải và cải thiện cuộc sống hằng ngày cho hàng triệu người dân Hà Nội”, Đại sứ EU cho biết.
EU đã huy động 10 triệu euro để tài trợ cho các hoạt động chuẩn bị mở rộng tuyến metro này từ ga Hà Nội đến quận Hoàng Mai. EU cam kết hỗ trợ huy động Nhóm châu Âu để đầu tư cho phần mở rộng này.
Metro Cát Linh – Hà Đông bớt ‘cô đơn’ khi có tuyến Nhổn – ga Hà Nội
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, trước đây, trên mạng xã hội gọi tuyến Cát Linh – Hà Đông là “ngôi sao cô đơn”, đến nay tuyến này bớt cô đơn hơn vì đã có metro Nhổn – ga Hà Nội. Vì thế, tới đây sẽ thay đổi phương thức và cách làm.
Dân hào hứng trải nghiệm metro Nhổn-Cầu Giấy, kỷ lục 66.078 lượt khách đi tàu
Theo thống kê, trong ngày thứ 3 chạy tàu thương mại (10/8), tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội đoạn Nhổn – Cầu Giấy đã đón số lượng khách tăng kỷ lục, lên tới 66.078 lượt đi trải nghiệm.
‘Biển’ người đổ lên tàu metro Nhổn – ga Hà Nội ngày cuối tuần
Sáng thứ Bảy, người dân Thủ đô và du khách cùng chen chân lên tàu metro Nhổn – ga Hà Nội để trải nghiệm khiến các toa tàu chật ních.