Đây là chia sẻ của PGS.TS Trần Thị Minh Thi – phó viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – tại hội thảo phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Tạp chí Cộng Sản phối hợp tổ chức chiều 26-12 tại Hà Nội.
Ly hôn tăng, mức sinh giảm mạnh
Bà Minh Thi cho biết trong vài thập niên qua, hôn nhân và gia đình Việt Nam đã trải qua những biến chuyển quan trọng, từ kiểu mẫu truyền thống sang kiểu gia đình với những đặc điểm mới, hiện đại và tự do hơn, nhất là từ sau Đổi mới.
Tuy nhiên đến nay, hôn nhân, gia đình vẫn tiếp tục là giá trị hàng đầu của người dân Việt Nam. Thể hiện đầu tiên là người Việt vẫn coi trọng hôn nhân, với tuổi kết hôn trung bình 27,2 tuổi.
Bà Minh Thi cho hay tuổi kết hôn lần đầu đang có xu hướng tăng lên trong bốn thập niên qua, song so với một số xã hội có đặc điểm tương đồng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, xu hướng kết hôn ở Việt Nam đang cao hơn.
Tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam đang ngày càng tăng nhưng so với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… thì tỉ lệ này tăng thấp hơn rất nhiều.
“Chúng ta đang chưa gặp phải những khủng hoảng gia đình như các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Á là kết hôn thì giảm, ly hôn thì tăng.
Trong số các quốc gia Đông Á thì Việt Nam vẫn có tỉ lệ kết hôn cao nhất và ly hôn thấp nhất, một điều rất đáng mừng. Nhà nước cần quan tâm có chính sách để giữ gìn được xu hướng này”, bà Minh Thi nói.
Tuy nhiên, cũng có những xu hướng rất đáng lo ngại. Đó là mặc dù con cái tiếp tục là một giá trị quan trọng trong hôn nhân của người Việt nhưng mức sinh đang giảm.
Tổng tỉ suất sinh ở Việt Nam từ 2,09 con/phụ nữ năm 2019 xuống con 1,96 con/phụ nữ năm 2023. Đến năm 2024 xuống tiếp còn 1,91 con/phụ nữ.
Lý do theo bà Minh Thi là trong nhóm phụ nữ trẻ, hiện đại ở các thành phố lớn hiện nay chủ nghĩa cá nhân phát triển hơn, khiến họ có xu hướng trì hoãn kết hôn, sinh thấp cũng như sống độc thân, đơn thân.
Bà cũng chỉ ra một xu thế mới: giá trị gia đình cũng thay đổi mạnh mẽ theo hướng người phụ nữ sẽ quay trở lại vai trò truyền thống làm nội trợ chăm sóc gia đình thay vì lao ra xã hội tham gia thị trường lao động.
Bà dẫn con số tỉ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động ở Việt Nam trước COVID-19 là trên 70%, nhưng năm 2023 giảm còn 63%, đặc biệt giảm mạnh ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.
Nhiều đàn ông thích ngắm phụ nữ đẹp ngoài đường nhưng không thích vợ làm đẹp
Tại hội thảo, nhiều ý kiến ghi nhận sự tiến bộ trong việc tích cực tham gia xã hội của phụ nữ, tuy thế phụ nữ Việt Nam cũng còn gặp không ít trở ngại trên con đường mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Ông Ngọ Văn Khuyến – phó vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân, Ban Dân vận Trung ương – đưa ra lời khuyên với phụ nữ Việt là cần chủ động hơn trong cuộc sống, làm chủ cuộc sống của mình tốt hơn.
“Phụ nữ biết làm chủ cuộc sống sẽ không phải dằn vặt bản thân về những thứ mình đánh mất hay chưa có được mà tập trung vào việc sống khỏe hơn, hạnh phúc hơn, giàu có hơn mỗi ngày.
Để làm chủ cuộc sống, mỗi phụ nữ hãy suy nghĩ tích cực, sống khỏe, làm đẹp vì chính mình, có đam mê, có sở thích và thường xuyên trau dồi kiến thức”.
Nhắc phụ nữ biết làm đẹp, nhưng ông Khuyến cũng thừa nhận một thực tế ở Việt Nam là “nhiều người chồng thích nhìn ngắm những người phụ nữ đẹp ở bên ngoài nhưng lại không thích vợ mình làm đẹp”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/canh-bao-xu-huong-phu-nu-tre-ngai-ket-hon-sinh-con-20241226233357189.htm