“Nhu cầu của học sinh rất cao, làm sao để đáp ứng các em được nhiều nhất là trăn trở của những người làm công tác tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp”, ông Nguyễn Hoàng Nguyên, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, chia sẻ tại tọa đàm.
Khởi đầu từ năm 2002, đến nay chương trình Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ khởi xướng đã tổ chức hơn 300 chương trình và ngày hội, thu hút khoảng 3 triệu lượt phụ huynh, học sinh tham dự trực tiếp hoặc trực tuyến.
Chương trình góp phần cung cấp kịp thời về toàn cảnh mùa thi – tuyển sinh cho hàng triệu học sinh, giải đáp trực tiếp, cặn kẽ những băn khoăn, vướng mắc của thí sinh, định hướng cho thí sinh có lựa chọn phù hợp trước những ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời.
Chương trình cũng là cầu nối hai chiều giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với phụ huynh, học sinh để chuyển tải kịp thời những chủ trương, chính sách, quy định. Đồng thời là cầu nối giữa các trường đại học, cao đẳng với thí sinh trên cả nước và góp phần làm thay đổi quan niệm, nội dung, cách thức tư vấn tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.
Từ năm 2025, chương trình tư vấn tuyển sinh nên mở ra ở nơi nào? Chỉ tổ chức tại các đô thị hay vùng sâu vùng xa, hải đảo? Cách thức tổ chức nên thay đổi thế nào? Thành phần ban tư vấn có nên điều chỉnh để có thêm các người trẻ, KOL có khả năng lan tỏa những thông điệp tích cực đến cho học sinh không?… Đây là những nội dung đại diện báo Tuổi Trẻ đặt ra tại tọa đàm.
Cần tiếp tục các chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp
Các chuyên gia về tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp dự tọa đàm đều cho rằng sự bùng nổ thông tin hiện nay khiến học sinh phổ thông và phụ huynh dường như “bội thực” thông tin, nhưng điều đó cũng bất lợi vì dễ bị nhiễu loạn thông tin. Nếu không tiếp cận được với kênh thông tin chính xác, tin cậy thì sẽ dễ sai lạc khi lựa chọn hướng đi không phù hợp.
TS Đồng Văn Ngọc – hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội – cho rằng “không chỉ cần mà chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp có sự tin cậy ở thời điểm hiện nay còn quan trọng hơn bao giờ hết. Chương trình sẽ là “bộ lọc” để học sinh phổ thông, phụ huynh tiếp cận được với những thông tin cần thiết”.
Các chuyên gia cũng đặt ra vấn đề “AI tham gia vào vấn đề tư vấn hướng nghiệp như thế nào”. AI có thể ứng dụng để tổng hợp, xử lý các dữ liệu theo hệ thống, hoặc cũng có thể phân tích sở thích, tố chất của học sinh để cho kết quả mang tính gợi ý về việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tại tọa đàm cho rằng AI không thay thế được tư vấn trực tiếp vì khó có thể cá nhân hóa, cung cấp thông tin bao trùm được tất cả các trường hợp, đáp ứng nhu cầu thật sự của học sinh, phụ huynh.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết thời điểm này, Vụ Giáo dục đại học phải tiếp nhận khá nhiều thông tin từ phụ huynh, thí sinh liên quan tới việc hiểu sai thông tin, quy định do đã tham khảo nhầm các trang thông tin giả mạo, sử dụng dữ liệu cũ. Điều này cho thấy càng nhiều thông tin nhiễu loạn, càng cần những kênh cung cấp thông tin và tư vấn hướng nghiệp chính xác, đáng tin cậy.
Ông Hùng cho biết bộ đang cân nhắc nhiều bất cập trong vấn đề xét tuyển sớm và việc mở ra quá nhiều phương thức xét tuyển từ thực tế xét tuyển đại học năm 2024, để xây dựng quy chế tuyển sinh năm 2025.
Cần hướng nghiệp sớm và đa dạng
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương – phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) – gợi ý trong giai đoạn tiếp theo nên đa dạng hơn các hình thức tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh – phó hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa – thì cho rằng cần quan tâm hơn đến vấn đề hướng nghiệp sớm trong công tác tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp.
Ở góc nhìn của nhà quản lý bậc phổ thông, cô Trần Thị Hương Hải, hiệu trưởng Trường THPT Yên Lãng (Hà Nội) cũng quan tâm tới hướng nghiệp sớm. Cô cho biết học sinh lớp 10 bắt đầu phải chọn tổ hợp môn học theo định hướng nghề nghiệp, nhưng lại thiếu vắng thông tin về hướng nghiệp.
Chia sẻ tại tọa đàm, cô Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết vào đầu mỗi năm học, lãnh đạo trường phải trực tiếp trao đổi với cả phụ huynh và học sinh từng lớp học, để giúp học sinh có kế hoạch học tập dựa trên mục tiêu đặt ra sau khi học hết lớp 12. Đây là việc cần thiết để học sinh có kế hoạch, động lực và không bị mệt khi phải dồn sức ở giai đoạn nước rút.
Vì vậy những thông tin hướng nghiệp sớm là rất quan trọng. Còn ở giai đoạn tư vấn ngành học, tư vấn thi và tuyển sinh thì chỉ hiệu quả hơn khi tổ chức sau thời điểm các trường công bố đề án tuyển sinh và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quy chế thi tốt nghiệp THPT, quy chế tuyển sinh…
Cô Nhiếp cũng mong muốn với trách nhiệm với cộng đồng như báo Tuổi Trẻ đã làm hơn 20 năm qua, ở giai đoạn tới, chương trình Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp sẽ có những đổi mới để sát với nhu cầu của học sinh, phụ huynh hơn. Đặc biệt là cần cung cấp cho học sinh một phương pháp luận trong việc chọn nghề dựa trên bức tranh chung về tuyển sinh.
Những ý kiến tại tọa đàm sẽ được báo Tuổi Trẻ lắng nghe để xây dựng chương trình Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp trong thời gian tới hiệu quả, sát với nhu cầu hơn, tiếp tục là cầu nối cho cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở đào tạo đến với học sinh, phụ huynh học sinh.