Tàu liên tục phải chờ xếp “slot” qua đèo
Vừa trải nghiệm tàu hỏa qua đèo Hải Vân, cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam theo đánh giá của nhiều chuyên trang du lịch thế giới, chị Mai Trang (Cầu Diễn, Hà Nội) chia sẻ: “Tàu đi qua đây đẹp lắm. Có điều phải dừng chờ quá lâu để lên đèo”.
Tàu khách qua đèo Hải Vân, địa hình phức tạp.
Ông Huỳnh Thế Sơn, Phó trưởng phòng Kinh doanh – Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay: Đèo Hải Vân là điểm ách tắc nhất trên tuyến Bắc – Nam, ảnh hưởng nhiều đến khai thác vận tải.
Nếu dự án làm hầm mới này được thực hiện sẽ nâng năng lực thông qua khu vực đèo Hải Vân lên 25 đôi tàu/ 1 ngày đêm. Tuy số đôi tàu tăng lên không nhiều nhưng sẽ giải quyết được bài toán về thời gian. Thời gian tàu qua đèo hiện nay hơn một giờ, sau khi làm hầm sẽ chỉ vài chục phút. Tàu chạy giữa Huế – Đà Nẵng sẽ chỉ mất hơn một giờ, như hiện nay mất khoảng 2,5-3 giờ.
Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt VN
“Chúng tôi đang đau đầu không biết sẽ bố trí tàu kết nối di sản miền Trung giữa Huế – Đà Nẵng như thế nào. Tàu đang rất thu hút khách. Tuy nhiên, năng lực thông qua đèo Hải Vân tới hạn rồi”, ông Sơn nói và cho biết thêm, tốc độ tàu chạy qua đèo chậm, chỉ khoảng 30km/h, số đôi tàu có thể qua đèo trong một ngày/đêm không nhiều.
Chiều dài đoàn tàu khi qua đèo bị hạn chế cũng là một điểm nghẽn. Trong khi năng lực toàn tuyến cho phép đoàn tàu có thể kéo đến 15-16 toa xe khách thì tại ga Hải Vân Nam, chiều dài đường ga chỉ cho phép đoàn tàu kéo tối đa 14 toa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dù nhu cầu khách tăng cũng không thể nối thêm toa.
“Dịp hè vừa rồi, nhu cầu khách du lịch từ các tỉnh phía Bắc đi Đà Nẵng rất cao. Chúng tôi muốn chạy thêm tàu mà không thể xếp slot qua đèo Hải Vân. Các đoàn tàu từ phía Bắc vào đến Huế, các đoàn tàu phía Nam ra đến Đà Nẵng sẽ phải chờ nhau để qua đèo. Vì thế thời gian hành trình kéo dài thêm 3-4 giờ”, ông Sơn nói.
Điểm nghẽn trên tuyến Bắc – Nam
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, trên đèo Hải Vân có 6 hầm. Hầm ở trên đèo nên nếu sự cố xảy ra sẽ không có phương tiện đường bộ để tiếp cận, xử lý nhanh được.
Tàu container qua đèo Hải Vân.
Đại diện Cục Đường sắt VN cho hay, khu vực đèo Hải Vân dài hơn 25km, địa hình hiểm trở, núi cao. Trong 6 hầm trên đèo, có 3 hầm được sửa chữa năm 2006 theo một dự án do Chính phủ Pháp tài trợ. Tuy nhiên, thời điểm đó chủ yếu là thay thế vỏ hầm cũ bị phong hóa kết hợp mở rộng kích thước hầm.
Ba hầm còn lại chưa được sửa chữa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Các hầm này cũng đã được đưa vào danh sách hầm cần gia cố, cải tạo hầm yếu trên tuyến Bắc – Nam.
Tìm hiểu của PV, Cục Đường sắt VN vừa đề xuất lập dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Hải Vân và di dời ga Đà Nẵng với tổng mức đầu tư dự kiến 19.000 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2031.
Theo đó, sẽ xây dựng mới hầm Hải Vân và di dời toàn bộ đường sắt khu vực Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố theo quy hoạch.
Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, việc nghiên cứu làm hầm đường sắt mới, cải tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân đã được triển khai từ những năm 2000. Thực tế, đây là một trong bốn điểm nghẽn về hạ tầng trên tuyến Bắc – Nam, cần được cải thiện để nâng năng lực thông qua, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải.
Bộ GTVT đã giao Ban QLDA Đường sắt lập nghiên cứu tiền khả thi dự án cải tạo đường sắt đèo Hải Vân và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Việc nghiên cứu này sau đó cũng tạm dừng để chờ đồng bộ với dự án đường sắt tốc độ cao, làm rõ phương án đi chung hay đi riêng giữa đường sắt hiện có và đường sắt tốc độ cao.
Làm mới một hầm dài xuyên núi
Theo ông Cảnh, đến nay, đường sắt tốc độ cao đã xác định được hướng tuyến, đi về phía Tây, song song với đường bộ cao tốc, không trùng vị trí hay chung hầm với tuyến đường sắt hiện có.
Tổng công ty Đường sắt VN sửa chữa, gia cố hầm 14 trên đèo Hải Vân để đảm bảo an toàn cho tàu chạy. Ảnh: Vĩnh Nhân.
Vì vậy, Cục Đường sắt VN đề xuất nghiên cứu, đầu tư tiếp dự án cải tạo đường sắt qua đèo, bao gồm làm hầm mới vì trên hành lang Bắc – Nam, Bộ GTVT đã xác định vẫn tiếp tục khai thác tuyến đường sắt hiện có, bên cạnh đầu tư, khai thác đường sắt tốc độ cao.
Nghiên cứu ban đầu, hầm mới sẽ nằm sát với hầm đường bộ Hải Vân hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc thay vì đường sắt ở lưng chừng đèo với nhiều hầm như hiện nay, chỉ cần một hầm ở chân đèo và khoan xuyên núi từ bờ Bắc qua bờ Nam với chiều dài hầm khoảng 6km.
Trong hầm làm đường sắt đơn, không làm đường đôi vì chi phí quá lớn. Để phòng ngừa các yếu tố rủi ro khi khai thác chạy tàu sẽ có hầm lánh nạn.
“Cùng với làm mới hầm và cải tuyến đường sắt qua đèo, sẽ di dời ga Đà Nẵng từ nội đô về khu vực ga Kim Liên, từ đây tàu có thể chạy thẳng trên tuyến, thay vì phải rẽ nhánh vào vào thành phố như hiện nay. Tại khu vực ga Kim Liên sẽ có nhánh đường sắt ra cảng biển Liên Chiểu và nhánh đường sắt lên phía Tây kết nối với đường sắt tốc độ cao”, ông Cảnh cho hay.
Ủng hộ việc xây mới hầm đường sắt qua đèo Hải Vân, ông Trần Anh Tuấn nói: “Nếu làm được hầm đường sắt Hải Vân mới, cả tàu khách, tàu hàng đều có thể nâng được tốc độ, rút ngắn thời gian hành trình”.