“Cá mập” ráo riết mua gom bất động sản đón cơ hội tăng giá
Bảng giá đất hàng năm có thể khiến giá đất bật tăng gấp hàng chục lần. Nắm bắt thông tin trên, nhiều doanh nghiệp và cá nhân có tiềm lực tài chính có thể tranh thủ mua gom bất động sản trước khi luật mới được thi hành.
Tại hội thảo “Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm” do Báo Đầu tư tổ chức, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tiết lộ có những dự án đã “đóng băng” hơn 6 năm qua, vì vấn đề giải phóng mặt bằng. Lý do đều xoay quanh vấn đề quyền lợi của người dân bị thu hồi đất.
“Trên đường Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội), những căn nhà mặt phố đang được rao bán lên tới 500 triệu đồng/m2. Đó là mức giá của thị trường, còn giá đền bù thì chỉ rơi vào khoảng 120 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so với mức giá kỳ vọng của chủ nhà”, ông Nghĩa chia sẻ câu chuyện thực tế.
Mới đây nhất, theo dự thảo điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM. Giá đất được tính theo cách mới đã tăng gấp 10 – 40 lần so với trước đây.
Chẳng hạn như đường Đặng Công Bình, huyện Hóc Môn, giá đất trong khung giá hiện hành chỉ khoảng 600.000 đồng/m2. Tuy nhiên, nếu tính theo bảng giá đất mới, con số có thể tăng lên 40 lần, lên tới hơn 24 triệu đồng/m2.
“Nhiều doanh nghiệp và người dân đang chờ đợi cơ chế giá mới về đất, để được đền bù giải phóng mặt bằng theo nguyên tắc thị trường. Đây là lý do khiến nhiều tỉnh từng rất thành công trong việc giải ngân vốn đầu tư công như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng lại có kết quả chưa khả quan trong năm nay”, ông Nghĩa cho biết.
Ông Trần Tuấn Tài, Giám đốc Đầu tư của SonKim Retail, đã nhìn thấy trước tiềm năng từ các thương vụ M&A bất động sản. Ảnh: Chí Cường |
Theo ông Trần Tuấn Tài, Giám đốc Đầu tư của SonKim Retail, nhiều nhà đầu tư đã dự liệu trước những biến động giá của thị trường địa ốc. Không ít “cá mập” đã ráo riết tìm kiếm cơ hội ở distressed assets (loại tài sản bị bán với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thật, vì người hoặc doanh nghiệp cần tiền gấp).
Ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã nhìn thấy cơ hội để mở ra các thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập), nhằm gia tăng quỹ đất. Đối với mảng bán lẻ, làn sóng trả mặt bằng trong thời gian qua được đánh ra là thời cơ để các “ông lớn” tận dụng thu gom.
“Bất động sản bán lẻ phải có đủ tiềm lực để phục vụ được cho các chuỗi. Nếu để tối ưu giá trị khai thác, công ty sẽ phải sở hữu 350 cửa hàng trở lên. Khi đó, doanh nghiệp mới có lợi thế để đàm phán với nhà cung cấp, nhận được ưu đãi về chiết khấu, tối ưu chi phí logistic…”, Giám đốc Đầu tư của SonKim Retail phân tích.
Dưới một góc độ rộng hơn, việc các doanh nghiệp lớn thâu tóm bất động sản còn giúp tạo thanh khoản cho thị trường. Nếu các dự án được sử dụng để kinh doanh, tạo dòng tiền, tạo việc làm, đó sẽ là một điều vô cùng tích cực đối với xã hội.
“Trong khi đó, với nhà đầu tư cá nhân, họ đang có xu hướng quan tâm đến các dòng sản phẩm thuộc phân khúc ở thực và có mức giá tầm trung. Đây cũng là loại hình được nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường khuyến nghị đầu tư ở thời điểm hiện tại”, ông Tuấn Tài chia sẻ thêm.