TPO – Khi đọc xong cuốn sách “Có làm mới có sai” của tác giả Noburu Koyama, Lê Thị Thu Hồng, hiểu ra rằng trên con đường đi đến thành công, không có chỗ cho những người nhút nhát, rụt rè, lo sợ, chưa làm đã nản, chưa thử đã vội buông. Thực ra phải làm mới có thất bại, có thất bại mới có thành công.
Sáng nay, 12/9, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi đại sứ Văn hóa đọc được phát động vào ngày Sách Việt Nam (21/4).
BTC đã nhận gần 200 bài dự thi.
PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội trao phần thưởng cho đại sứ văn hóa đọc năm 2024 Lê Thị Thu Hồng (bên phải). |
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2024 là sự kiện ý nghĩa dành cho các em học sinh, sinh viên trên toàn quốc, với mục đích khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa niềm yêu thích đọc sách nhằm hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho thế hệ trẻ, từ đó khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, tri thức, khả năng sáng tạo, khơi dậy khát vọng cống hiến, phát triển đất nước.
Tham gia cuộc thi, thí sinh được lựa chọn 1 trong 2 đề để thể hiện khả năng của mình. Đối với đề 1, thí sinh tự sáng tác truyện ngắn qua câu chuyện bản thân thể hiện cảm xúc và tình yêu đối với sách, qua đó mong muốn lan tỏa tình yêu đọc sách, khơi dậy trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, niềm tự hào dân tộc và tình yêu Tổ quốc. Đồng thời thí sinh cũng giới thiệu những cuốn sách hay, bổ ích của các tác giả trong và ngoài nước, những cuốn sách này đã truyền cảm hứng để hướng tới lối sống tích cực, có trách nhiệm với xã hội, khơi dậy ý chí khát vọng cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước.
Đối với đề 2: thí sinh đã đưa ra những sáng kiến, kinh nghiệm nhằm thúc đẩy việc đọc sách trong các đối tượng là người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, người dân tộc thiểu số, người khiếm thị…
Sau thời gian chấm bài nghiêm túc, ban giám khảo đã thống nhất chọn ra 01 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích.
Sinh viên Lê Thị Thu Hồng, lớp Kế toán 02 – K68 Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội là chủ nhân của giải nhất tại cuộc thi với phần trình bày về cuốn sách mình yêu thích.
Hồng cho biết những ngày đầu vào đại học, em giống như “cá ao” được ra “biển lớn”, rời xa khỏi vòng tay của bố mẹ để bắt đầu một cuộc sống khác hẳn với 18 năm trước đây. Cũng như bao bạn sinh viên năm nhất khác, Hồng có sự háo hức, chờ mong nhưng cũng có những hoang mang, lo sợ và có cả những va vấp đầu đời. Sự tự tin vốn có của bản thân dần bị những thất bại vùi lấp. Cuối cùng khi không thể kiểm soát được nhịp sống của chính mình thì tâm trí Hồng bị những suy nghĩ tiêu cực chi phối. Đó là hoàn cảnh khi Hồng gặp gỡ cuốn sách “Có làm mới có sai” này.
Đại sứ Văn hóa đọc ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2024 Lê Thị Thu Hồng |
Sau khi đọc xong, em hiểu ra rằng trên con đường đi đến thành công, không có chỗ cho những người nhút nhát, rụt rè, lo sợ, chưa làm đã nản, chưa thử đã vội buông. Thực ra phải làm mới có thất bại, có thất bại mới có thành công.
Bản thân em cũng học được rằng mỗi người sẽ có một mục tiêu sống, mục đích sống và một nấc thang thành công khác nhau. Vì thế mình không cần phải đi nhanh hơn bất kì ai, chỉ cần mình vẫn đang đi, đều đặn, không từ bỏ.
Như được “làm mới” bản thân sau khi đọc xong cuốn sách, em đã vượt qua những nỗi sợ, sự tự ti để đón nhận cuộc sống mới, sẵn sàng tận hưởng cuộc sống sinh viên, sống những ngày tháng rực rỡ của tuổi 18, 20.
“Sai thì sửa, vấp ngã thì làm lại, quan trọng là bản thân chưa bao giờ ngừng bước đi”, Hồng nói.
Trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay mọi người dễ dàng bị cuốn vào mạng xã hội và các ứng dụng giải trí. Tuy nhiên, Hồng tin rằng “Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người”.
Nhưng thực tế cho thấy không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận và yêu thích việc đọc sách. Các đối tượng đặc biệt như người dân ở khu vực biên giới, hải đảo; người dân ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người dân tộc thiểu số; người cao tuổi; người khuyết tật chữ in,…Là những trường hợp khó để có thể tiếp cận nhiều loại sách hay và văn hóa đọc khó được lan tỏa tại đó. Ngược lại một bộ phận có cơ hội thì lại chưa nhận thức được giá trị của việc đọc.
“Em mong rằng mỗi chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ hãy dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách. Hãy cùng nhau lan tỏa văn hóa đọc vì đây không phải là việc của riêng cá nhân ai”, Hồng chia sẻ.