GS Phan Huy Lê
Với những giá trị to lớn về mặt nghiên cứu lịch sử, văn hóa-xã hội, bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” đã vinh dự được trao giải vàng Sách Hay và giải bạc Sách Đẹp tại cuộc thi “Sách Việt Nam” năm 2013 vừa qua. Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với GS.NGND Phan Huy Lê, chủ biên của công trình ý nghĩa này.
Thưa Giáo sư, tính đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Lịch sử Thăng Long – Hà Nội, xin Giáo sư cho biết bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” do Giáo sư chủ biên được trao giải cao nhất sách hay lần này có gì khác biệt so với những công trình nghiên cứu trước đó?
Giáo sư Phan Huy Lê: Sự khác biệt làm nên giá trị của bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” so với những công trình nghiên cứu về Hà Nội trước đó tập trung ở hai phương diện.
Thứ nhất, nó cập nhật được tất cả những kết quả nghiên cứu mới nhất về Hà Nội. Phải nói là trong hai thập kỷ vừa qua, những kết quả nghiên cứu về Hà Nội đã đạt được rất nhiều thành tựu mới, dựa trên những nguồn tư liệu vô cùng quý giá bao gồm cả tư liệu trong nước và nước ngoài. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của một nguồn tư liệu rất mới mẻ và có tính chất chân thực vào bậc nhất, đó là các tài liệu khảo cổ học. Có thể nói, chưa bao giờ mảnh đất Hà Nội lại được khai quật nhiều và trên một quy mô lớn như vậy, riêng khu Hoàng thành đã có tổng diện tích khai quật lên đến 30.000m2. Trên cơ sở những khai quật đó, lần đầu tiên chúng ta đã đưa ra khỏi lòng đất những di tích và di vật vô cùng quý giá, giúp chúng ta hình dung một cách rõ nét hơn về từng thời kỳ khác nhau của Thăng Long – Hà Nội trải dài suốt 1000 năm, chưa nói đến thời Tiền Thăng Long trước đó. Tôi lấy ví dụ về mặt kiến trúc cung đình, nếu không có khảo cổ học thì chúng ta không thể hình dung được kiến trúc cung điện thời Lý như thế nào và khác với thời Trần ra sao, móng trụ của kiến trúc gỗ thế nào, đồ “ngự dụng” của nhà vua và hoàng gia thế nào…Như vậy, bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” có may mắn là được biên soạn vào lúc mà công việc nghiên cứu về Hà Nội được đẩy mạnh và tập trung nhất từ trước đến nay, nên nó tổng hợp những thành tựu rất mới mà những công trình nghiên cứu trước đây chưa có được.
Điểm khác biệt thứ hai là bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” cố gắng biên soạn theo một quan điểm mang tính hiện đại trên cơ sở phát triển của lịch sử xã hội và quan điểm về tính toàn bộ và toàn diện của lịch sử. Quan điểm này nhìn lịch sử Thăng Long – Hà Nội không phải chỉ là lịch sử chính trị, lịch sử của các vương triều hay bộ máy chính quyền, mà bên cạnh vai trò rất quan trọng của nhà nước, còn phải làm thế nào để phản ánh được đời sống của cộng đồng cư dân Thăng Long – Hà Nội, nhất là vai trò của các tầng lớp thị dân như thợ thủ công, thương nhân, vai trò của các phố, phường, bến cảng,… vốn là đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội mà các tỉnh thành khác không có hoặc chỉ có được phần nào… Cùng với các hoạt động kinh tế xã hội, phải chú ý tới đời sống văn hóa của cư dân, từ tôn giáo, tín ngưỡng đến những sinh hoạt bình dị của người dân. Đó chính là quan điểm lịch sử phải hướng tới con người nhiều hơn.
Đây chính là hai nét đặc biệt nhất của bộ sách này so với những công trình nghiên cứu trước đây về lịch sử Hà Nội.
Công trình lịch sử Thăng Long – Hà Nội
Đây là công trình được triển khai từ năm 2005, biên soạn xong năm 2010 và xuất bản vào năm 2011, tức là khi Hà Nội đã có khá nhiều thay đổi về mặt địa giới… Vì thế, có lẽ độc giả cũng sẽ chú ý đến “tính thời sự” đó của tác phẩm này?
Giáo sư Phan Huy Lê: Đứng về nguyên lý của sử học thì khi nói về lịch sử của một vùng đất nào đó, bao giờ cũng phải xuất phát từ địa giới hôm nay. Bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” xuất bản năm 2011, tức là khi Hà Nội đã mở rộng địa giới. Tuy nhiên, bộ “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” đã được đặt vấn đề từ năm 2005, đến năm 2007 thì hoàn thành đề cương và kế hoạch thực hiện. Tháng 8/2008, Hà Nội mở rộng địa giới, khi đó, nhóm biên soạn chúng tôi cũng đã bàn bạc rất kỹ xem có tính đến yếu tố mở rộng đó trong bộ sử này hay không. Vấn đề đặt ra là nếu như để bộ sách ra mắt đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội thì không thể kịp được, vì diện tích phần mở rộng còn lớn hơn cả diện tích vốn có của Hà Nội với những nội dung rất phong phú. Cho nên, bộ sách này vẫn được biên soạn trên không gian địa lý của Hà Nội trước khi mở rộng địa giới. Người dân Hà Nội ở vùng mở rộng, khi đọc bộ sách này chắc chắn chưa thật thỏa mãn. Trong lời tựa của bộ sách, chúng tôi cũng đã nói về “món nợ” này đối với phần mở rộng của Hà Nội, hy vọng đến khi tái bản sẽ khắc phục được phần còn thiếu này.
Thường đối với những bộ sách lớn, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học thì việc “không đều tay” về kiến thức, về văn phong, về cách thể hiện… là khó tránh khỏi. Bộ “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” có lẽ cũng không phải là ngoại lệ. Vậy với vai trò chủ biên của bộ sách, Giáo sư đã xử lý vấn đề này như thế nào?
Giáo sư Phan Huy Lê: Đây đúng là một trong những vất vả của tôi khi thực hiện bộ sách này. Có thể nói, không riêng gì bộ “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” mà bất cứ công trình khoa học nào có nhiều người tham gia đều phải đặt ra vấn đề làm sao vừa tôn trọng phong cách, cá tính của từng tác giả, vừa bảo đảm tính nhất quán của một công trình khoa học. Muốn thực hiện được điều đó trước hết phải thống nhất trong đề cương viết của tác phẩm. Đề cương của bộ “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” đã được chúng tôi xây dựng rất công phu, thậm chí làm đi làm lại nhiều lần. Cũng phải thừa nhận, trong sách mỗi chương có một phong cách khác nhau của từng tác giả mà ai đọc kỹ đều nhận ra. Theo tôi đấy là điều tất nhiên của một công trình do nhiều tác giả cùng tham gia. Vấn đề căn bản là sự khác biệt và đa dạng về phong cách đó không dẫn đến sự thiếu nhất quán và mâu thuẫn trong nội dung và trình bày.
Có một việc nữa mà chủ biên phải kiên quyết làm. Đó là mỗi một chương viết có phân ranh giới rõ ràng của từng thời kì, giai đoạn nhưng do thói quen, ai cũng muốn có mở đầu trước khi viết vào phần của mình, nên “lấn” sang cả chương trước đó, rồi đoạn cuối cũng có khi nhích sang phần sau… Đối với những trường hợp như vậy thì để tránh sự trùng lặp, không có cách nào khác hơn là chủ biên phải kiên quyết cắt bỏ. Cũng cần phải nói thêm là tham gia vào cuốn sách này, ngoài những người trực tiếp viết chịu trách nhiệm cho từng chương còn có cả những người tham gia gián tiếp, tức là họ không trực tiếp biên soạn mà được “đặt hàng” nghiên cứu một chuyên đề, rồi từ đó lọc ra một số kết quả nghiên cứu, những ý hay, có khi chỉ lọc ra độ dăm bảy dòng hay một vài trang thôi. Tôi lấy ví dụ như tôi đặt cả một chuyên đề về tiếng nói Hà Nội, về quá trình hình thành tiếng nói Hà Nội? Để phân tích được điều này thì chúng tôi phải mời một chuyên gia về ngôn ngữ học viết cả một chuyên đề, nhưng cuối cùng chỉ đưa vào sách một đoạn rất ngắn thôi và ghi chú rõ người tham gia đó.
Xưa nay, có nhiều bộ sách lịch sử hết sức có giá trị, nhưng do tính hàn lâm, tính chuyên biệt về chuyên môn cao nên đối tượng khai thác những tác phẩm ấy thường không rộng lắm. Giáo sư và các nhà khoa học tham gia thực hiện bộ sách này có tính đến vấn đề đó không, để đông đảo độc giả có thể dễ dàng tiếp cận bộ sách, qua đó tăng thêm sự hiểu biết của họ về Thủ đô ngàn năm văn hiến?
Giáo sư Phan Huy Lê: Điều đó cũng đã nằm trong chủ trương ngay từ đầu của nhóm tác giả biên soạn. Theo đó, tác phẩm phải đạt hai yêu cầu, một mặt là phải đảm bảo yêu cầu khoa học cao nghĩa là phải cập nhật và tổng hợp được các kết quả nghiên cứu mới nhất, phải đạt độ tin cậy về mặt khoa học, nhưng mặt khác phải trình bày như thế nào đó để mọi người với trình độ văn hóa phổ thông đều có thể đọc và hiểu được. Kết hợp được hai yêu cầu này quả thật không dễ, nhưng ngay trong chủ trương biên soạn bộ sử, chúng tôi đã nêu lên như mục tiêu phấn đấu. Hơn nữa cùng với bộ lịch sử hai tập này, Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến còn có chủ trương tiến tới biên soạn một bộ Lịch sử Thăng Long – Hà Nội giản lược chỉ khoảng bốn năm trăm mang tính phổ cập với nội dung chọn lọc và cách viết hấp dẫn để có thể đến với mọi người dân thủ đô và cả nước. Tôi rất hoan nghênh chủ trương đó và hi vọng sẽ sớm trở thành hiện thực.
Giáo sư hy vọng như thế nào về việc bộ sử “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” nói riêng và Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến nói chung của Nhà xuất bản Hà Nội sẽ phát huy ý nghĩa của nó vào việc xây dựng Thủ đô trong những năm tới?
Giáo sư Phan Huy Lê: Bộ Lịch sử Thăng Long-Hà Nội cũng như Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến muốn phát huy hết ý nghĩa và tác dụng của nó thì trước hết nó phải đến với con người, đi vào cuộc sống xã hội. Từ đó, kết quả nghiên cứu và sáng tác mới thấm được vào nhận thức và tình cảm con người, góp phân nâng cao hiểu biết, tạo nên niềm tin, đề cao trách nhiệm của người dân sống trên mảnh đất nghìn năm văn hiến này trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thủ đô. Về phương diện này, những giá trị lịch sử văn hóa, những di sản và truyền thống tốt đẹp của Thăng Long-Hà Nội mỗi khi được đánh thức và thấm vào lòng người thì trở thành một nội lực to lớn, một sức mạnh phi thường trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Một phương diện thứ hai không kém phần quan trong là những kết quả nghiên cứu về quá khứ của Thăng Long-Hà Nội cung cấp nhiều luận chứng khoa học, nhiều kinh nghiệm phong phú, kể cả bài học thành công và thất bại, cho những nhà lãnh đạo và quản lý thủ đô tham khảo trong hoạch định chiến lược xây dựng và bảo vệ Hà Nội, trong xây dựng qui hoạch phát triển thủ đô cũng như trong xử lý một cách có căn cứ khoa học, có sức thuyết phục những vấn đề liên quan đến lịch và văn hóa Thăng Long-Hà Nội. Lịch sử không bao giờ lặp lại và cũng không ai có thể làm lại lịch sử, nhưng lịch sử để lại những kinh nghiệm và bài học vô cùng quý báu để con người không lặp lại sai lầm của quá khứ và biết khai thác, phát huy những kinh nghiệm thành công của hôm qua để phục vụ cuộc sống hôm nay và ngày mai.