Năm 2025, các cơ sở giáo dục đại học vẫn tiếp tục được tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển sinh, vì Luật Giáo dục đại học cho phép đại học tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các kỳ thi này.
“Các kỳ thi đánh giá năng lực phải phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018”
Tại hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 diễn ra hôm nay 31-10, ông Huỳnh Văn Chương – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – cho biết việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm yêu cầu đánh giá đúng năng lực học sinh, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Đồng thời kết quả của kỳ thi cũng làm căn cứ đánh giá quá trình dạy và học ở các nhà trường, các địa phương; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực, có sự phân hóa để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.
Về tuyển sinh theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi khác phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Chương đề xuất tính công bằng trong việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh:
Khi sử dụng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển cần bảo đảm tính công bằng nếu sử dụng nhiều tổ hợp môn (tổ hợp tuyển sinh) để xét tuyển vào cùng một ngành.
Việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp, nhiều em điểm thi cao nhưng vẫn không đỗ được nguyện vọng mình yêu thích, tạo tâm lý xã hội không tốt cho hàng ngàn thí sinh và phụ huynh.
Vì vậy các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… do các cơ sở giáo dục đại học tổ chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành trong quy chế tuyển sinh quy định cụ thể về mặt quản lý nhà nước để bảo đảm kiểm tra, giám sát được chất lượng kỳ thi.
Quy trình xây dựng ngân hàng đề; đề thi phải không vượt quá Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điểm này rất quan trọng và để học sinh không phải ôn thi riêng có thể phá vỡ việc dạy và học ở các trường phổ thông.
Quy trình tổ chức thi bảo đảm an toàn thống nhất và tránh nhiều hình thức gây khó khăn cho học sinh ôn thi; hiện nay mỗi trường đang sử dụng một hình thức khác nhau.
Đề xuất công bố kết quả xét tuyển sớm sau ngày 31-5 hằng năm
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sử dụng tổng cộng hơn 20 cách xét tuyển, chủ yếu là xét tuyển sớm (bằng điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế, đánh giá năng lực, tư duy, kết hợp…).
Cả nước hiện có khoảng 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy do các trường đại học tổ chức. Trong đó, kỳ thi của hai đại học quốc gia và Bách khoa Hà Nội đông thí sinh và được nhiều trường dùng để xét tuyển nhất.
Năm 2023, trong hơn nửa triệu thí sinh trúng tuyển đại học, khoảng 2,57% nhập học bằng cách xét điểm các kỳ thi riêng.
Trước thực trạng này, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương đề xuất: “Thời điểm công bố kết quả xét tuyển sớm cần phải sau khi kết thúc chương trình và kế hoạch năm học, tức ngày 31-5 hằng năm. Điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm cần được công bố sau thời gian này, tránh ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và việc học tập của học sinh”.