TPO – Về việc Bộ GD&ĐT rút quy định chứng chỉ hành nghề khỏi dự thảo Luật Nhà giáo có ý kiến cho rằng, thật đáng tiếc nếu không còn quy định này. Trong khi đó, nhiều giáo viên, chuyên gia cho rằng, rút là đúng, vì nếu thêm chứng chỉ sẽ gây lãng phí.
Dự thảo lần thứ 5 Luật Nhà giáo trình tại phiên họp Thường vụ Quốc hội vừa qua đã không còn quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, so với dự thảo công bố lần đầu.
Lí giải việc rút quy định về chứng chỉ hành nghề khỏi dự thảo Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho rằng: “Đây là một nội dung mới, cần thận trọng nên ban soạn thảo đã không đưa vào dự thảo luật ở thời điểm này và sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thí điểm. Có thể nội dung này sẽ được đưa trở lại ở chu kỳ sửa đổi, bổ sung luật”.
“Người trong cuộc” nói gì?
Là một giáo viên có thâm niên dạy 22 năm, cô N.T.D – một giáo viên ở Hà Nội cho rằng, cô hoàn toàn đồng ý việc Bộ GD&ĐT rút quy định chứng chỉ hành nghề khỏi dự thảo Luật Nhà giáo vì nếu thêm chứng chỉ sẽ gây lãng phí.
Một vị phó Hiệu trưởng của một trường THCS ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho rằng, không nên có chứng chỉ hành nghề nhà giáo. Chứng chỉ là thừa, bởi vốn nhà giáo phải đã được đào tạo và có bằng Sư phạm.
Vị phó Hiệu trưởng này cho rằng, bằng tốt nghiệp của nhà giáo do cơ sở đào tạo nghề giáo đạt chuẩn cấp bằng. Tấm bằng đó là cơ sở để người được cấp có thể hành nghề Sư phạm. Chất lượng của nhà giáo không phụ thuộc bất kỳ một thủ tục quản lý hành chính nào cả.
Đồng quan điểm, cô Đỗ Ngọc Dung, giáo viên dạy môn Hóa- Sinh ở Hà Nội cho biết thêm, việc phải có thêm 1 chứng chỉ là sẽ tốn nhiều thời gian, công sức tiền bạc của những người đã tốt nghiệp ngành Sư phạm.
“Tôi nghĩ chứng chỉ chỉ áp dụng cho những người không học chuyên ngành Sư phạm nhưng muốn đi dạy học”- cô Dung cho hay.
TS Nguyễn Sóng Hiền – Viện quản lý và công nghệ Châu Âu |
TS Nguyễn Sóng Hiền – Viện quản lý và công nghệ Châu Âu cho rằng, cá nhân ông hoàn toàn đồng ý bỏ quy định này.
Vì các nhiều giấy phép, nhiều quy định hành chính chỉ gây tốn kém và lãng phí nguồn lực xã hội không cần thiết. Đối với nghề giáo lại không nên vì nó là nghề cao quý liên quan đến con người.
Theo ông Hiền, thay vì yêu cầu chứng chỉ hành nghề thì cần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo đội ngũ này và cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo ở vùng sâu vùng xa .
“Thực tế trong lĩnh vực này chúng ta đã có rất nhiều văn bản pháp quy đưa ra các yêu cầu, quy định chặt chẽ trong việc lựa chọn, tuyển dụng cũng như kiểm tra đánh giá đội ngũ này. Vì vậy, thiết nghĩ đưa ra quy định chứng chỉ hành nghề với lĩnh vực này là không cần thiết”- ông Hiền nêu quan điểm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội |
Tích cực, phù hợp: sao bỏ?
Trao đổi về Bộ GD&ĐT rút quy định chứng chỉ hành nghề khỏi dự thảo Luật Nhà giáo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thật đáng tiếc nếu không còn quy định này.
Ông Nam cho rằng quan điểm để hành nghề dạy học thì phải có giấy phép hành nghề (dành cho cả những người hành nghề dạy học tự do không làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục) phù hợp với tiếp cận quản trị nguồn nhân lực giáo dục.
Giấy phép hành nghề cũng sẽ đóng vai trò xác định người đủ điều kiện hành nghề dạy học. Là công cụ hỗ trợ cho việc tuyển dụng nhà giáo linh hoạt, mở rộng cơ hội hoạt động nghề nghiệp và hợp tác quốc tế cho nhà giáo; bảo đảm chất lượng nhà giáo thỉnh giảng hoặc người hành nghề dạy học tự do; là cơ sở để đánh giá, điều chỉnh các chương trình đào tạo sư phạm; cũng như căn cứ để đánh giá quá trình phát triển nghề nghiệp liên tục của nhà giáo.
Ông Nam nhấn mạnh, điểm tích cực của chính sách này là giúp nhà giáo trong hệ thống công lập và ngoài công lập được hưởng chính sách công bằng để chuẩn hoá và nâng cao trình độ chuyên môn theo chuẩn nghề nghiệp; được hưởng lương tương xứng với chức danh theo mức độ đáp ứng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Sẽ không phải tham gia các khóa bồi dưỡng không gắn với thực tiến chuyên môn của hoạt động nghề nghiệp.
Ngoài ra, theo ông Nam, việc xác định chuẩn nhà giáo qua giấy phép cũng tạo điều kiện cho nhà giáo có thể tham gia thị trường lao động bằng năng lực chuyên môn sâu của mình một cách chính đáng.
“Tôi cho rằng những quan điểm này vẫn đúng và giữ nguyên giá trị và cá nhân tôi vẫn ủng hộ. Tuy nhiên, chính sách mới cũng có thể dẫn đến phát sinh chi phí để nhà giáo tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phải chi thêm kinh phí để đào tạo đáp ứng chuẩn nghề nghiệp”- ông Nam nêu quan điểm.
Cũng theo ông Nam, quan ngại về quy trình tổ chức và quản lý giấy phép có thể làm phát sinh chi phí với nhà giáo, thêm các thủ tục và giấy phép con. Chính vì thế Bộ GD&ĐT mới tiếp tục thăm dò dư luận, lắng nghe các ý kiến phản biện xã hội để điều chỉnh thêm về vấn đề này.
Trước đó, Dự thảo Luật Nhà giáo công bố lần đầu tiên vào tháng 5/2024 quy định về chứng chỉ hành nghề nhà giáo tại các Điều 15, 16 và 17. Theo đó, chứng chỉ này có giá trị sử dụng toàn quốc và ở các quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam.
Chứng chỉ hành nghề được cấp cho nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo; nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.
Khi đó, Bộ GD&ĐT cho hay, chứng chỉ hành nghề là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác.