[
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về Dự thảo 2 “Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện giữa Chính phủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc (AKFTA)”.
Da giày là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Hàn Quốc (Ảnh minh hoạ) |
Thông tư này quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện giữa Chính phủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc).
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức cấp C/O; Thương nhân; Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.
Theo dự thảo thông tư, hàng hóa có xuất xứ là hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của một nước thành viên được coi là có xuất xứ và đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan nếu hàng hóa đó đáp ứng một trong các quy định về xuất xứ dưới đây: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên xuất khẩu theo quy định tại Điều 6 Thông tư này; Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên xuất khẩu với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng Điều 7 hoặc Điều 8 hoặc Điều 9 hoặc Điều 10 Thông tư này.
Ngoại trừ quy định tại Điều 10 Thông tư này, điều kiện để hàng hóa đạt xuất xứ theo quy định tại Thông tư này phải được thực hiện không bị gián đoạn tại lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 của Điều 5 Thông tư này, hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên trong các trường hợp sau: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được thu hoạch, hái hoặc thu lượm sau khi trồng tại nước thành viên đó; Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại nước thành viên đó; Các sản phẩm chế biến từ động vật sống nêu tại khoản 2 Điều này; Sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, thu lượm hoặc săn bắt tại nước thành viên đó…
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Phòng Xuất xứ hàng hóa – Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại địa chỉ: 54 – Hai bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Điện thoại: (024) 2220 5361/2220 5445; Email: [email protected], [email protected]).
Xem toàn văn dự thảo thông tư tại đây.