Bốt Hàng Đậu từng thay đổi bộ mặt của thủ đô nhờ hệ thống cấp nước sạch, hiện không còn giá trị sử dụng nhưng có tiềm năng lớn khai thác du lịch.
Từ 17/11 đến 31/12, bốt Hàng Đậu (hay Tháp nước Hàng Đậu) lần đầu tiên mở cửa cho khách tham quan nhân dịp lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 do UBND thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chủ trì.
Các tài liệu chỉ ra bốt Hàng Đậu được xây vào năm 1894, trước cả cầu Long Biên, nằm tại ngã sáu của các phố cổ Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng. Giai đoạn cuối thế kỷ 19, người Hà Nội, trong đó có cộng đồng khá đông người Âu, trải qua những trận dịch nặng nề. Đại diện nước Pháp, đứng đầu là Tổng trú sứ Paul Bert, lâm bệnh chết. Điều này khiến người Pháp phải hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch giống châu Âu, thay vì dùng nước giếng, nước mưa hay nước ao, hồ đánh phèn. Sau khi hòa bình lập lại, bốt được giao cho Công ty nước sạch Hà Nội quản lý.
Ông Việt Cường, nhà nghiên cứu về Hà Nội, chuyên gia về lĩnh vực quản lý kinh tế xây dựng, cho biết bốt Hàng Đậu cùng toàn bộ hệ thống cấp nước sạch là công trình “văn minh đầu tiên”, làm thay đổi bộ mặt đô thị của Hà Nội.
Các tài liệu nghiên cứu cho thấy bốt hình trụ tròn Hàng Đậu cao khoảng 25 m với phần mái chóp nhọn, được làm từ đá hộc, xi măng cốt thép. Đá làm bốt Hàng Đậu lấy từ chính đá phá thành Hà Nội vào năm 1894.
Cái tên “bốt Hàng Đậu” được người dân gọi quen miệng vì dáng dấp, vật liệu xây dựng giống các đồn bốt thực dân giăng đầy nội, ngoại thành Hà Nội và các vùng phụ cận lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ông Cường cho biết bốt Hàng Đậu thực sự là đồn cảnh sát ở đầu phố Hàng Giấy, đối diện tháp nước – nay là trụ sở Công an phường Đồng Xuân.
Mặt khác, nhà nghiên cứu chỉ ra bốt này còn có một số tên gọi khác, phản ánh thiện cảm của người dân thủ đô cho nó, ví dụ Két nước Hàng Đậu, Tháp nước tròn Hàng Đậu, Nhà máy nước tròn, Đài nước Quán Thánh, Nhà tròn Quán Thánh.
Ông Cường nói để tránh cảm giác nặng nề do chất liệu xi măng, đá hộc gây nên, nhà thiết kế bao phủ mặt ngoài tháp nước bằng các giải pháp tạo hình thẩm mỹ bắt mắt như vòm cửa hình vòng cung, đường diềm phân tầng.
Đường ống dẫn nước lên tháp bằng thép bên trong tháp Hàng Đậu, chụp năm 2010. Ảnh: Quỳnh Dũng
Tháp tiếp nhận nước từ nhà máy nước Yên Phụ. Nước được đưa lên két chứa trên tầng cao nhất để tạo thế năng đưa vào hệ thống ống dẫn tới khu trung tâm thành phố. Nước sạch chủ yếu cấp cho sinh hoạt của các công sở của bộ máy cai trị, dinh thự của người Pháp, sau đó mới đến các khu phố cổ của dân bản địa – chủ yếu cấp cho vòi nước công cộng.
Năm 2010, trả lời VnExpress, ông Nguyễn Trí Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty nước sạch Hà Nội khi đó, cho biết trước cửa bốt Hàng Đậu, người Pháp đã đặt các van hãm để khống chế việc cấp nước. Muốn hạn chế nước chảy về khu người Việt thì hãm nhỏ cửa van về phía đó, còn khu trong thành, khu nhiều người Pháp ở, cửa van luôn mở.
Theo ông Ngô Quỳnh Dũng, Trưởng phòng Hành chính quản trị công ty khi đó, đến trước tháng 4/2010, tháp nước Hàng Đậu hầu như vẫn còn nguyên trạng từ hình dáng, cấu trúc cho đến hệ thống đường ống dẫn và đài nước khổng lồ bên trong. Chỉ có hàng cửa sổ dưới cùng của tháp bị bịt kín nhằm ngăn những người vô ý thức phóng uế, vứt rác vào.
Đại diện công ty này cho biết tháp nước Hàng Đậu từng nhiều lần bị đe dọa phá dỡ vì mục đích kinh doanh. Trong nhiều năm, quanh chân tháp là hàng chục kiôt buôn bán. Cho tới năm 2003, tháp mới được trả lại không gian thoáng đãng.
Ông Trương Minh Tiến, Nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội, cho biết Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cùng các Sở, ban ngành đã thống kê các công trình kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc ở Hà Nội trước năm 1945. Bốt Hàng Đậu là một trong những công trình tiêu biểu, được đưa vào danh mục trình Hội đồng Nhân dân thành phố quản lý, bên cạnh Nhà hát Lớn, cầu Long Biên, một phần Nhà tù Hỏa Lò, khu kiến trúc phố cổ, một số biệt thự trong nội thành.
Trong quá khứ, một số doanh nghiệp từng ngỏ ý đầu tư, khai thác khu vực này nhưng bốt Hàng Đậu được Công ty Nước sạch Hà Nội quản lý nên việc khai thác du lịch chưa khả thi.
Bốt Hàng Đậu hồi tháng 3/2022. Ảnh: Tùng Đinh
Ông Tiến cho rằng bốt Hàng Đậu có giá trị lịch sử nhưng không có giá trị sử dụng nên ít được công ty nước sạch quan tâm. Tới những năm 1960, chức năng chính của bốt đã không còn cần thiết khi nhà máy nước Yên Phụ được nâng cấp và thay đổi công nghệ truyền dẫn nước sạch.
Vài năm trước, ông Tiến nói có tình trạng người dân vứt rác bừa bãi xung quanh chân công trình, số khác vô ý thức hơn còn lẻn vào đi vệ sinh bậy. Sau này, thành phố mới chỉ đạo giăng dây xích bao quanh bốt Hàng Đậu. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao bởi thỉnh thoảng vẫn thấy tài xế xe máy tấp vào trong, dựng xe ngủ trưa.
“Tôi rất mừng khi bốt Hàng Đậu mở cửa đón khách tham quan. Tôi mong thành phố có phương án quản lý và phát huy lâu dài, không chỉ ngắn hạn trong dịp lễ hội”, ông Tiến nói.
Ông gợi ý Công ty Nước sạch có thể khai thác một số hoạt động du lịch tại đây như biến bốt Hàng Đậu thành “bảo tàng nước sạch thành phố”, duy trì thường xuyên đón khách tham quan.
Ngoài ra, ông Tiến cũng gợi ý đưa bốt Hàng Đậu, cầu Long Biên thành sản phẩm trong chuỗi quần thể phố đi bộ cuối tuần. Về lâu dài, nếu Công ty Nước sạch không có hoạt động khai thác, nên bàn giao bốt Hàng Đậu lại cho chính quyền địa phương để quản lý, tổ chức các hoạt động.
Tú Nguyễn