[
Nằm ở trung tâm của vòng xoáy đô thị hóa, Hà Nội là nơi mà ta có thể cảm nhận rất rõ ràng sự thay đổi: thay đổi trong cảnh quan, thay đổi trong cách sống. Nhưng dẫu tốc độ thay đổi có nhanh tới đâu, thì ở thành phố hơn 1.000 năm tuổi này, dường như vẫn có một số thành trì vô hình bảo vệ những bản sắc riêng của chính nó. Có người nói rằng thành trì dày dặn đó được xây dựng từ tính cố chấp của người dân nơi đây. Chưa biết đúng sai tới đâu, nhưng quả là người Hà Nội luôn kiên trì với những thứ thân thuộc.
Ẩm thực là một ví dụ. Chẳng khó để bắt gặp cảnh nhiều gia đình truyền đời duy trì hoạt động của những quán ăn nhỏ bán những món ăn xưa cũ của Hà Nội giữa phố cổ đất quý hơn vàng; hay chuyện vì hương vị món ăn thơm ngon, đúng chuẩn, mà có người lặn lội đi hết cả nửa thành phố để mua đủ nguyên liệu. Với góc nhìn ẩm thực như một tấm gương phản chiếu con ngườI…
Bún riêu (Bún riêu cô Oanh – 20 Tạ Hiện. Giờ bán: 11h-16h. Giá: từ 30.000đ)
Nếu phở hấp dẫn từ xa bằng hương thơm của nhiều loại nguyên liệu hòa quện thì bún riêu lại khiến nhiều người dừng bước vì “vẻ ngoài” bắt mắt. Màu đỏ tươi của cà chua, vàng óng của gạch cua chưng và đậu phụ rán nổi bật giữa màu xanh của hành lá thái nhỏ và màu nâu nhạt của thịt cua. Thêm chút hương dấm bỗng thanh mát quấn quýt, và thế là thực khách không thể rời bước khỏi hàng bún riêu. Trong một quán ăn nhỏ đơn sơ gần “Ngã tư quốc tế” Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến, bún riêu cô Oanh vẫn được nấu theo kiểu cũ với riêu chan bún se tay, thưởng thức cùng chút rau diếp và tía tô thái nhỏ.
Bánh cuốn Thanh Trì (Trước cửa số 5 Nguyễn Trường Tộ. Giờ bán: khoảng 06-12h. Giá: từ 15.000đ)
Người ta có thể tìm thấy bánh cuốn ở nhiều nơi, nhưng chỉ ở Hà Nội, họ mới có thể tìm thấy thứ bánh mỏng như giấy, mềm như lụa, thơm ngậy mỡ hành quện cùng nước chấm chua ngọt được pha vừa miệng – bánh cuốn Thanh Trì. Món “quà chính tông” của người Hà Nội theo như khẳng định của Thạch Lam này quả thực đã biến một bữa sáng chóng vánh thành một trải nghiệm hương, vị dịu dàng với sự mềm mại và thanh nhẹ của từng loại nguyên liệu. Và bất ngờ là, bạn sẽ tìm thấy điều tưởng chừng như vô cùng tinh tế đó từ… một mẹt bánh cuốn đơn sơ bán ngay trên vỉa hè.
Bún ốc nguội (Bún ốc nguội Ô Quan Chưởng – 01 Hàng Chiếu. Giờ bán: 7h30-14h. Giá: từ 40.000đ)
Bún ốc nguội là một ví dụ về khả năng kết hợp và xử lý nguyên liệu tinh tế của người Hà Nội. Dấm bỗng từ một phụ phẩm của quá trình nấu rượu đã trở thành “ngôi sao” trong món ăn rất được ưa chuộng vào mùa hè này ở thủ đô. Dấm bỗng không chỉ khử mùi tanh của ốc, mà vị chua thanh, đi cùng hương thơm đặc trưng của nó lại vừa khéo đánh thức vị giác, đồng thời vẫn tôn lên vị ngọt, béo của ốc nhồi. Bát nước chấm bún nấu công phu được điểm xuyết ớt chưng bắt mắt, ăn kèm những miếng bún hến vừa miệng. Mẹt bún ốc nguội, quả thật, trông như một tác phẩm sắp đặt xinh xắn. .
Chả cá Lã Vọng (Chả cá Lão Ngư – 171 Thái Hà. Giờ bán: 9h-14h và 17h-22h. Giá: từ 150.000đ)
Món ăn có tuổi đời trên trăm năm này mang tới cho du khách nơi xa một góc nhìn nữa về sự sáng tạo cũng như cầu kỳ trong chế biến món ăn của người Hà Nội. Từ ướp, nướng sơ trên than hoa, xào chín cùng rau gia vị và giữ nóng trên chảo, tới thưởng thức cùng mắm tôm, rau thơm và lạc rang, tất cả quy trình này đã tạo nên một phức hợp hương vị đậm đà, phong phú. Danh thơm của món ăn này lan xa trên thế giới không chỉ khẳng định sự thành công của cách chế biến này, mà còn như một lời công nhận dành cho nghệ thuật ẩm thực của mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Tạp chí Heritage