Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh”. Đây “là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương”. Từ đó đến nay, Thăng Long – Hà Nội luôn thực sự là nơi nhân tài hội tụ, đóng góp trí tuệ, vật lực xây dựng, phát triển kinh đô/Thủ đô và đất nước. Và việc trọng dụng hiền tài cũng luôn được đặc biệt coi trọng ở mảnh đất nghìn năm văn hiến.
“Kiến thiết cần có nhân tài”
Trong lịch sử hào hùng của mình, Thăng Long – Hà Nội luôn là nơi để các nhân tài có “đất dụng võ”, phát huy năng lực, trí tuệ. Và trong lịch sử cận, hiện đại, người có tầm nhìn, khả năng thu hút, sử dụng nhân tài nổi trội nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Kiến thiết cần có nhân tài”. Và Người yêu cầu các địa phương phải kịp thời báo cáo cho Chính phủ về người tài ở địa phương. Theo Người, “trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức”. Với quan điểm đó, Bác Hồ đã thu hút, trọng dụng nhiều nhân tài như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Hoàng Minh Giám… Một số trí thức nổi tiếng ở nước ngoài cũng đã tình nguyện về nước theo lời mời của Người như Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm, Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Khắc Viện… Các nhà tư sản yêu nước như Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi…, hay các quan chức trong chính quyền cũ như Tổng trưởng Thanh niên Phan Anh, cựu Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định, Khâm sai đại thần Bắc Bộ Phan Kế Toại, Ngự tiền Văn phòng Đổng lý Phạm Khắc Hòe… cũng đều sẵn lòng dốc sức cùng chính quyền non trẻ xây dựng, phát triển đất nước.
Phát huy truyền thống quý báu đó, Hà Nội luôn có những chính sách, ưu đãi để thu hút nhân tài tham gia bộ máy chính quyền. Hơn 20 năm qua (từ năm 2003), năm nào Thủ đô cũng tổ chức tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố. Gần nhất là tháng 10-2024, đã có 100 Thủ khoa được Thành phố tôn vinh. Như vậy, sau 22 năm, đã có 2.256 thủ khoa xuất sắc được tuyên dương, ghi danh vào Sổ vàng truyền thống. Không dừng lại ở đó, Thành phố luôn quan tâm và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm khuyến khích, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, Thành phố Hà Nội đã thực hiện chính sách tuyển dụng thẳng sinh viên đỗ tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học, cao đẳng vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc. Nhiều người đã phát huy năng lực, hiệu quả trong công tác, nhưng cũng có những thủ khoa sau một thời gian công tác vì lý do thu nhập thấp đã xin thôi việc. Hiện tượng “chảy máu chất xám” cũng diễn ra ở một số nơi do còn cơ chế, chính sách chưa phù hợp đã trở thành “rào cản” người có năng lực thi triển tài năng và sức hút đãi ngộ của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quá lớn. Đó là bài toán cần sớm có lời giải.
Tạo đột phá bằng cơ chế đột phá
Luật Thủ đô 2024, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, được đánh giá là nguồn tiếp lực vô cùng quan trọng cho Hà Nội để tăng tốc phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đáng nói là Luật đã dành nguyên điều 16 để nói về việc “thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Theo đó, công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức… Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Người được xét tuyển, tiếp nhận hoặc được ký hợp đồng làm việc theo diện trên sẽ được hưởng các chế độ, chính sách do Hội đồng Nhân dân thành phố quy định. Luật cũng cho phép sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề tại các cơ sở đào tạo của nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Thành phố quản lý…
Đặt trong bối cảnh thực hiện sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế hiện nay, đây chính là điều kiện thuận lợi cho Hà Nội, nhất là sau khi Nghị định số 179/NĐ-CP về thu hút nhân tài được Chính phủ ban hành. Theo đó, sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng khi tuyển dụng vào làm chuyên viên cao cấp thì ngoài việc được hưởng 100% mức lương trong thời gian tập sự, còn được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày tuyển dụng. Đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam khi tuyển dụng làm công chức, viên chức được bổ nhiệm, xếp lương vào ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm được bố trí và được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 300% mức lương hiện hưởng. Dẫu có thể chưa cao bằng nhiều doanh nghiệp, nhưng rõ ràng mức đãi ngộ hấp dẫn hơn hẳn mức lương hành chính trước đây. Được biết, số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô chiếm 1/3 tổng số trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc và số sinh viên đang theo học chiếm khoảng 40% tổng sinh viên trên toàn quốc. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, là nguồn bổ cập nhân sự chất lượng thay thế cho những viên chức, công chức không còn khả năng bắt kịp sự phát triển của xã hội trong cuộc cách mạng công nghệ hiện nay.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại… Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin – cho, dễ này sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bộ máy nhà nước, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tăng sức cạnh tranh quốc gia là yêu cầu bắt buộc. Trong bối cảnh đó, không tiến sẽ là lùi và những nhân tố cản trở tiến trình phát triển phải được thay thế bằng những nhân tố tích cực, năng động, hiệu quả hơn. Đó là điều tất yếu. Và Hà Nội, với truyền thống trọng dụng nhân tài và kinh nghiệm thực tiễn trong gần 40 năm đổi mới, chắc hẳn sẽ tìm ra cách thức hữu hiệu để giải quyết vấn đề phù hợp, hiệu quả nhằm tạo đột phá, bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/dot-pha-bang-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-691361.html