Thị xã Sơn Tây đã có nhiều nỗ lực để tập trung phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch và là nền tảng để xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô với chức năng đô thị văn hóa – lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng…
Cùng với các làng nghề truyền thống, thị xã Sơn Tây sở hữu nhiều di sản văn hóa truyền thống nổi tiếng, như: Chùa Mía, đền Và, thành cổ Sơn Tây, Văn miếu, làng cổ ở Đường Lâm, các lễ hội truyền thống, tiêu biểu là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đền và, lễ hội đền Măng Sơn… Nơi đây còn có nhiều sản phẩm phong phú về văn hóa, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ,…
Đặc biệt, thị xã Sơn Tây là trung tâm văn hóa xứ Đoài, có nhiều truyền thuyết và lễ hội cổ truyền gắn với các vua Hùng, với Tản Viên Sơn Thánh – đệ nhất phúc thần trong tâm thức người Việt. Thị xã Sơn Tây còn là điểm đến du lịch – nghỉ dưỡng nổi bật, thu hút nhiều nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước và khách quốc tế về đây. Những đặc điểm trên đã và đang giúp Sơn Tây từng bước trở thành một không gian sáng tạo, nơi các ngành công nghiệp văn hóa có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai và cũng là để xây dựng Sơn Tây trở thành thị xã sáng tạo. Hiện Sơn Tây đã và đang tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm phát huy lợi thế “Hệ thống di sản văn hoá” trên địa bàn thị xã, phát triển “thị xã sáng tạo”, “thị xã kết nối”.
Thực hiện Chỉ thị số 11 của Thành ủy, Sơn Tây đã xây dựng Chương trình phát triển văn hóa-xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025. Cho đến nay, thị xã đã đạt 17/17 chỉ tiêu của Chương trình. Tiếp đó, thực hiện Nghị quyết số 09/ NQ-TU về phát triển công nghiệp văn hóa, Chỉ thị số 30 về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 01/6/2021 về “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch thị xã giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”… Trên địa bàn thị xã Sơn Tây hiện có 244 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê, trong đó có 80 di tích được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia, thành phố, 65 lễ hội truyền thống, 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội Đền Và, 99 đạo sắc phong đã được UBND Thành phố công nhận là thư tịch quý. Bên cạnh đó, các phong tục tập quán ở Sơn Tây cũng có nhiều nét đặc trưng riêng, nhất là nếp sinh hoạt của các gia đình ở làng cổ Đường Lâm mang đậm chất văn hóa vùng Bắc bộ và xứ Đoài… Thị xã Sơn Tây đã có nhiều nỗ lực để tập trung phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch và là nền tảng để xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô với chức năng đô thị văn hóa – lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng. Đến nay, thị xã Sơn Tây đã xây dựng được nhiều sản phẩm, không gian văn hóa sáng tạo, như: Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây – xứ Đoài hàng năm, Chương trình Tết Làng Việt, Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Trung thu Thành cổ, đăng cai tổ chức Liên hoan các ban nhạc toàn quốc, Cuộc thi Hoa hậu Áo dài di sản Việt Nam, Chương trình Hanoi Concert – Đoài Melody…; trải nghiệm làm nông nghiệp, làm gốm, vẽ tranh; ẩm thực cỗ Sen, cơm quê tại các nhà cổ, tổ chức chợ đêm làng cổ. Sản phẩm du lịch nông thôn bền vững – Trải nghiệm ẩm thực truyền thống Bắc bộ tại làng cổ Đường Lâm đã được vinh danh và nhận giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững ASEAN. Thị xã có 2 điểm du lịch đã được thành phố Hà Nội công nhận, gồm: Điểm du lịch làng cổ Đường Lâm và Điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn…
Sơn Tây có hệ thống di sản dầy đặc
Thị xã cũng chú trọng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, như: Rạp hát, sân khấu ngoài trời quy mô lớn đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật cấp thành phố, quốc gia trên cơ sở khai thác điều kiện tự nhiên của hồ Đồng Mô; Xây dựng 01 bảo tàng văn hoá – lịch sử xứ Đoài, 01 nhà trưng bày giới thiệu các giá trị văn hóa tiêu biểu của làng cổ ở Đường Lâm; Phát triển Trung tâm chiếu phim tại Trung tâm văn hoá, rạp chiếu phim 2/9… có khả năng tổ chức các sự kiện điện ảnh tầm cỡ; Phát triển hệ thống quảng trường văn hóa tại khu vực quảng trường sân vận động, là nơi giao lưu cộng đồng, gắn với không gian đi bộ… Cùng với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thị xã Sơn Tây chú trọng phát huy tối đa nhân tố con người; lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển. Trong đó, coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, năng lực đổi mới sáng tạo và ý thức trách nhiệm xã hội cho người dân. Tỷ lệ ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo của thị xã chiếm trên 20% tổng chi ngân sách của địa phương.
Tạo điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao quy mô lớn, phát triển du lịch
10 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Thị ủy Sơn Tây luôn nhận thức sâu sắc phát triển văn hóa, con người là nội dung trọng tâm, xuyên suốt, vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài. Nhằm huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa – xã hội, từ năm 2021-2025 thị xã Sơn Tây đã đầu tư hơn 836,9 tỷ đồng; huy động nguồn lực xã hội hoá cho phát triển văn hóa là 37,2 tỷ đồng; xã hội hóa các sự kiện hơn 10 tỷ đồng. Thực hiện Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2035″, hơn 1.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư… Năm 2024, thị xã đã đón hơn 1,15 triệu lượt khách tham quan, du lịch. Đây là tiền đề tốt để xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô, thành thành phố sáng tạo trong tương lai.
Quỳnh Anh
Nguồn: https://sovhtt.hanoi.gov.vn/son-tay-phat-trien-thi-xa-sang-tao/