Sáng 12-1, hơn 5.000 học sinh tại Thanh Hóa đã đến Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2025 để lắng nghe tư vấn từ các chuyên gia giáo dục trong việc chọn ngành, chọn trường; cập nhật những thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT và quy chế xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa tổ chức, với sự tài trợ của Tập đoàn Vingroup.
“Siết” dạy thêm, học thêm, đề thi tốt nghiệp THPT có dễ hơn?
Em Bùi Văn Lê, học sinh Trường THPT dân tộc nội trú Thanh Hóa, đặt câu hỏi: “Dù thi chỉ 4 môn, nhưng với lượng kiến thức không ít, việc bộ siết dạy thêm, học thêm thì đề thi tốt nghiệp có dễ hơn không? Vì không phải mọi gia đình đều có điều kiện cho con ra trung tâm học thêm?”.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết bộ không cấm dạy thêm, học thêm; quy định mới thể hiện sự minh bạch hơn trong dạy thêm, học thêm.
Nếu học sinh cảm thấy chưa đủ kiến thức thì có thể đăng ký học thêm tại trường. Hoặc các thầy cô giáo muốn đăng ký dạy thêm bên ngoài có thể thông báo với hiệu trưởng.
Ông nhấn mạnh quy định mới nhằm tránh tình trạng một số giáo viên không giảng dạy hết kiến thức trên lớp mà đề nghị học sinh học thêm bên ngoài. Học sinh, giáo viên vẫn được học thêm, dạy thêm nhưng có sự kiểm soát.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết giáo dục hiện đại là trang bị kiến thức, kỹ năng, không phải học là phải nhớ cả quyển sách. Các bài thi cũng sẽ đánh giá kỹ năng vận dụng, kỹ năng tư duy.
“Cách học quan trọng hơn học nhiều hay học ít. Nếu chúng ta biết đúng cách học, biết đúng đường đi thì có thể về đích rất dễ dàng. Nếu chỉ tập trung học trong sách thì chúng ta chỉ là một công cụ rất nhỏ bé”, thầy Thảo khuyên thí sinh.
Tinh giảm báo chí, học báo chí ra trường có xin được việc làm?
Trước lo lắng của học sinh, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương – phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội – cho biết mục tiêu của quy hoạch là tổ chức, sắp xếp hợp lý, tinh gọn hiệu quả các cơ quan báo chí trên cả nước để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị, đặc biệt đáp ứng bối cảnh chuyển đổi số.
Theo cô Hương, xã hội hiện đại là xã hội thông tin, con người luôn cần những thông tin để phục vụ sự phát triển. Từ cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, toàn quốc đều cần lượng thông tin phong phú.
“Nhu cầu thông tin vì vậy sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực báo chí, truyền thông cũng vậy.
Khi học báo chí truyền thông, ngoài làm việc ở khu vực công, sinh viên còn có thể làm truyền thông doanh nghiệp, quản trị sự kiện, thương hiệu, sáng tạo nội dung. Lĩnh vực báo chí truyền thông đòi hỏi sự năng động sáng tạo của người học, các em cần chủ động về kiến thức, tích lũy kỹ năng để có tương lai rộng mở”, cô Hương nói.
Nên chọn ngành hot hay ngành bản thân yêu thích?
Trả lời câu hỏi của học sinh Nguyễn Võ Hà Anh – Trường THPT nội trú tỉnh Thanh Hóa, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết khi ra trường, một ngành có thể rất hot, lương rất cao nhưng bản thân có đủ kiên nhẫn làm công việc này 1 ngày 8 tiếng nếu không yêu thích hay không?
Theo thầy Thảo, ngành hot hôm nay nhưng 4 năm sau chưa chắc đã hot. Trả lời được câu hỏi này, thí sinh sẽ có lựa chọn phù hợp cho bản thân.
Với băn khoăn về cơ hội việc làm của ngành quan hệ quốc tế, TS Nguyễn Thị Cúc Phương – phó hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội – cho biết hiện nay các trường đại học đang đào tạo theo 3 nội dung, gồm kiến thức (sâu rộng, văn hóa chính trị, xã hội của quốc gia); kỹ năng (phải giỏi giao tiếp, hoạt bát, chuẩn mực); thái độ (sẵn sàng phục vụ, tiếp nhận cái mới, có tinh thần hướng ngoại).
Theo cô Phương, từ 3 khối kiến thức, kỹ năng, thái độ trên, học sinh có thể làm nhiều ngành nghề khác cũng cần những kỹ năng tương tự.
“Nhiều người cho rằng học ngoại ngữ chỉ là giỏi một thứ ngôn ngữ, sẽ chẳng biết làm gì. Đây là quan niệm không đúng. Tất cả các trường đại học đều giảng dạy ngoại ngữ 2 năm đầu tiên cho sinh viên để củng cố kiến thức vững vàng. Từ năm 3, 4, sinh viên sẽ được học nghề có định hướng như phiên dịch, trợ lý dự án, du lịch, thương mại, đối ngoại, sư phạm… rất nhiều ngành nghề khác nhau trong lĩnh vực ngoại ngữ, thị trường làm việc còn rất rộng”, cô Phương nói.
Chọn ngành trước hay chọn trường trước?
ThS Phạm Thanh Hà – phó trưởng phòng phụ trách phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Ngoại thương – cho rằng đây là băn khoăn của rất nhiều bạn học sinh. Hiện có không ít học sinh đến lớp 12 vẫn chưa xác định được ngành nghề tương lai, ngôi trường mình muốn theo học.
Theo cô Hương, thí sinh cần tự xem bản thân yêu thích lĩnh vực gì, tự đánh giá năng lực bản thân về học lực, kỹ năng giao tiếp (năng động hoặc trầm, thích công việc ổn định). Từ cơ sở đó, các em có thể hướng tới việc lựa chọn ngành, nghề trong lương lai.
Ngoài tự đánh giá bản thân, học sinh có thể làm các bài test trắc nghiệm về năng lực để xem bản thân phù hợp với ngành, nghề nào.
Sau khi chọn được ngành nghề yêu thích thì học sinh mới bắt đầu lựa chọn trường đại học, xem xét chương trình đào tạo của các trường có đáp ứng được kiến thức nền tảng cho các em hay không, có mang tính linh hoạt, tính mở cho người học hay không?
Tương tự, TS Lê Thị Thanh Hương, phó hiệu trưởng Trường đại học Đại Nam, cho rằng việc lựa chọn ngành nghề và trường đại học là một quyết định quan trọng, ảnh hưởng lớn đến tương lai của các bạn trẻ. Điều quan trọng nhất khi lựa chọn ngành nghề là các bạn cần hiểu rõ bản thân muốn gì, sở thích, đam mê, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có sự lựa chọn phù hợp.
Cô Hương chia sẻ thêm Trường đại học Đại Nam có tới 42 chương trình đào tạo, đa dạng ngành nghề ở tất cả các khối ngành. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo rút ngắn, chỉ từ ba năm sinh viên có thể tốt nghiệp, có thể tham gia thị trường lao động sớm.
“Năm vừa rồi nhà trường chi gần 50 tỉ đồng cho 7 chương trình học bổng, mang đến cơ hội hỗ trợ tài chính cho sinh viên, như học bổng tài năng, học bổng cho con em có cha mẹ anh chị làm trong lĩnh vực y tế giáo dục, lực lượng vũ trang, học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, học bổng cho sinh viên có anh/chị/em đã và đang theo học tại Trường đại học Đại Nam”, cô Hương thông tin thêm.
Kênh thông tin hỗ trợ học sinh chọn ngành, chọn trường
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Bùi Văn Dũng, hiệu trưởng Trường đại học Hồng Đức, chia sẻ hơn 20 năm qua, báo Tuổi Trẻ và các đơn vị phối hợp đã tổ chức trên 300 chương trình tư vấn tại 35 tỉnh thành phố, với hơn 1.000 chuyên gia tư vấn, nhiều người đã gắn bó nhiều năm với chương trình này.
Tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương khu vực phía Bắc duy trì liên tục chương trình này trong hơn một thập kỷ qua, giúp cung cấp thông tin tư vấn cho các bậc phụ huynh, các em học sinh, để chuẩn bị kỳ thi, lựa chọn những lối đi vào đời sau khi tốt nghiệp THPT.
“Từ những thông tin được chia sẻ ngày hôm nay, tôi mong rằng các em sẽ có lựa chọn sáng suốt, sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn quan trọng sắp tới”, ông nói.
Theo ông Dũng, năm nay Trường đại học Hồng Đức sẽ tổ chức tuyển sinh và đào tạo 7 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; 21 chuyên ngành trình độ thạc sĩ và 40 ngành đào tạo trình độ đại học với 5 phương thức xét tuyển.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ca-nuoc-dang-tinh-gon-chon-nganh-hoc-nao-20250112055347104.htm