Tin mới y tế ngày 9/1: Nguy cơ viêm tụy cấp và sỏi thận dịp cuối năm
Vào dịp cuối năm, khi các buổi liên hoan, tiệc tùng, và các cuộc gặp gỡ đối tác diễn ra liên tục, nhiều người phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có viêm tụy cấp.
Viêm tụy cấp từ rượu bia và thói quen sinh hoạt thất thường
Viêm tụy cấp là tổn thương viêm cấp tính của tụy, dẫn đến tình trạng viêm toàn thân, gây ra các rối loạn nhiều cơ quan như tim, phổi, gan, thận, và mức độ nặng có thể xuất hiện nhiều biến chứng như suy hô hấp, rối loạn đông máu, sốc nhiễm khuẩn…
Viêm tụy cấp là tình trạng người bệnh hay gặp phải khi lạm dụng rượu bia. |
Viêm tụy cấp tạo điều kiện cho các enzyme hoạt hóa và các chất độc như cytokine tràn ra ngoài tụy, đổ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng và lan sang các bộ phận khác gây suy đa tạng. Chất độc có thể được hấp thu từ ổ bụng vào mạch bạch huyết, sau đó vào máu gây tụt huyết áp, nhiễm trùng huyết, tổn thương các cơ quan ngoài ổ bụng.
Trên toàn thế giới, bia rượu là nguyên nhân phổ biến gây viêm tụy. Viêm tụy cấp do rượu thường gặp chủ yếu ở nam giới, đặc biệt là tuổi trung niên (từ 40 tuổi trở lên) có tiền sử lạm dụng rượu (uống nhiều, thường xuyên).
Các triệu chứng ban đầu như đau bụng dữ dội vùng thượng vị, có thể lan ra sau lưng, đi kèm với biểu hiện chướng bụng, nôn. Trong những trường hợp nhẹ, mức độ đau có thể nhẹ, âm ỉ, kéo dài từ 2 – 3 ngày.
Trường hợp nặng, diễn biến bệnh thường cấp tính, với biểu hiện cơn đau dữ dội, cảm giác như dao đâm, bụng chướng căng, sốt… và những trường hợp nặng, bệnh nhân có nguy cơ tử vong tăng lên khoảng 10-30%.
Ít phổ biến hơn, viêm tụy diễn biến âm thầm, kéo dài mà không hề có triệu chứng như đau bụng, nôn mà thường chỉ được chẩn đoán khi ảnh hưởng đến chức năng tụy như đái tháo đường, hoặc rối loạn tiêu hóa, phân có nhiều mỡ, nang giả tụy.
Viêm tụy có thể biểu hiện ở dạng cấp tính hoặc mạn tính với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Để chẩn đoán xác định viêm tụy cấp, bác sĩ thường dựa vào triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân như đau bụng điển hình, chướng bụng, nôn kết hợp với xét nghiệm men tụy trong máu tăng (tăng amylase, lipase) hoặc hình ảnh viêm tụy trên siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính bụng.
Bên cạnh chẩn đoán xác định viêm tụy, bệnh nhân cũng cần thăm dò, xét nghiệm máu để xác định mức độ nặng của viêm tụy cũng như nguyên nhân gây ra viêm tụy ở từng bệnh nhân. Các đợt viêm tụy cấp tái phát như trường hợp của bệnh nhân Tuyến, cần kiểm tra chi tiết để xác định căn nguyên.
Viêm tụy cấp tái phát nhiều đợt có thể gây ra tình trạng viêm dai dẳng, lâu dần dẫn đến những biến đổi trên nhu mô tụy như teo nhu mô tụy, hình thành xơ hoá, vôi hoá nhu mô, hoặc sỏi tụy và trở thành viêm tụy mạn tính.
Viêm tụy là một bệnh lý nghiêm trọng có thể gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, hoặc nếu không theo dõi và điều trị triệt để, có thể để lại nhiều biến chứng. Các biến chứng viêm tụy không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng mà còn ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Theo Th.Đào Trần Tiến, Phó trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, các biến chứng cấp tính của viêm tụy cấp như viêm tụy hoại tử, sốc giảm thể tích, hoặc suy tạng như suy thận, suy hô hấp… có thể gặp trong các trường hợp viêm tụy cấp thể nặng, làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân từ 2-10% và các trường hợp viêm tụy cấp thể nặng sau điều trị cần theo dõi và xử trí để dự phòng tiến triển thành nang giả tụy, áp xe tụy.
Các trường hợp viêm tụy tái phát, tiến triển lâu ngày, hoặc điều trị không triệt để có thể xuất hiện các biến chứng như suy tụy mạn tính dẫn đến giảm sản xuất các enzym tiêu hóa dịch tụy, dẫn đến suy kiệt, suy dinh dưỡng, hoặc suy giảm chức năng tụy nội tiết dẫn đến biến chứng đái tháo đường do tụy.
Phòng ngừa viêm tụy cấp tốt nhất bằng cách tránh yếu tố là nguyên nhân hoặc nguy cơ viêm tụy như hạn chế bia rượu (gây tổn thương trực tiếp hoặc nhiễm trùng ảnh hưởng đến chức năng tuyến tụy), dự phòng sỏi mật (sỏi ống mật chủ, sỏi túi mật), bệnh đái tháo đường (người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc viêm tụy cấp cao hơn khoảng 30%);
Hạn chế dùng thuốc nguy cơ gây viêm tụy (thuốc chống viêm giảm đau không steroid, hoặc steroid), kiểm soát rối loạn mỡ máu (tăng nồng độ triglyceride ở người béo phì) hoặc điều trị bệnh lý nội tiết khác như cường tuyến cận giáp hoặc canxi trong máu cao hoặc tầm soát ở người có tiền sử gia đình bị viêm tụy…
Đặc biệt, với những người có tiền sử viêm tụy nên hạn chế rượu bia (cắt giảm hoặc bỏ rượu bia); tránh ăn quá nhiều đạm, chất béo trong một bữa (đặc biệt trong ngày Tết), thực hiện chế độ ăn uống cân bằng (uống đủ nước, đủ đạm, ăn nhiều trái cây, rau quả), tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng khỏe mạnh (giảm cân nếu thừa cân có thể giúp giảm nguy cơ, hạn chế chất béo); tránh thuốc lá và nên thăm khám định kỳ, thường xuyên để được bác sĩ theo dõi và tư vấn tình trạng sức khỏe.
Bệnh nhân 53 tuổi mắc sỏi san hô lớn gây suy thận
Bà N.T.T.V., 53 tuổi, sống tại Khánh Hòa, đã phải chịu đựng cơn đau nhức lưng và hông trong suốt hai tháng mà không rõ nguyên nhân. Cơn đau thường xuất hiện khi bà cúi người hoặc làm việc mạnh, khiến bà nhanh chóng cảm thấy mệt và phải nằm nghiêng sang phải để giảm cơn đau. Thêm vào đó, bà cũng phát hiện nước tiểu có màu đục và mùi khó chịu. Lo lắng, bà quyết định đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.
Tại bệnh viện, bà được Ths.Nguyễn Trường Hoan, Khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, chỉ định làm chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) để kiểm tra vùng hông lưng.
Kết quả cho thấy thận trái của bà bị ứ nước và có một khối sỏi lớn dạng san hô, gồm 4 nhánh lây lan vào các đài thận. Tổng kích thước khối sỏi lên đến 5-6 cm, chiếm khoảng ⅓ thể tích của thận trái. Ngoài ra, bà còn bị nhiễm trùng tiểu.
Sỏi san hô dạng này không chỉ gây tắc nghẽn đường thoát nước tiểu mà còn khiến thận bị ứ nước, dẫn đến suy thận nếu không được điều trị kịp thời. Đây là trường hợp sỏi thận san hô nhiễm trùng, một dạng sỏi tiết niệu rất nguy hiểm.
Với tình trạng sỏi thận san hô nhiễm trùng, cần phải điều trị kháng sinh để kiểm soát nhiễm khuẩn trước khi tiến hành phẫu thuật. Bà V. được điều trị kháng sinh trong một tuần và tiến hành cấy nước tiểu để đảm bảo tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát hoàn toàn. Nếu không điều trị nhiễm trùng trước, khi tán sỏi, vi khuẩn từ khối sỏi có thể xâm nhập vào máu, gây nguy hiểm cho tính mạng.
Sau khi kết quả cấy nước tiểu âm tính và tình trạng nhiễm trùng được ổn định, bà V. đã được chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ (mini PCNL).
Đây là phương pháp tối ưu cho việc điều trị sỏi san hô lớn, với những ưu điểm vượt trội như ít chảy máu, ít nhiễm trùng vết mổ và ít đau sau phẫu thuật, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng.
Trong quá trình phẫu thuật, nhờ sự hỗ trợ của siêu âm và hệ thống C-Arm định vị chính xác vị trí của sỏi, các bác sĩ đã tạo một đường thông nhỏ dưới 1 cm từ bên ngoài da vùng hông lưng trái vào bên trong bể thận. Sau đó, khối sỏi được tiếp cận và tán thành các mảnh vụn nhỏ bằng năng lượng laser công suất cao, rồi hút sạch ra ngoài.
Sau khoảng 180 phút, toàn bộ khối sỏi san hô đã được loại bỏ khỏi thận trái của bà V. Một ngày sau phẫu thuật, bà V. đã phục hồi nhanh chóng, không còn cảm thấy đau đớn, có thể ăn uống và di chuyển bình thường. Sau một tuần tái khám, kết quả siêu âm cho thấy thận trái của bà đã sạch sỏi hoàn toàn.
Sỏi san hô chỉ chiếm khoảng 10-15% trong các dạng sỏi tiết niệu, nhưng là loại sỏi nguy hiểm nhất. Sỏi san hô thường phát triển trong môi trường nhiễm trùng tiểu và dễ dàng gây ứ nước thận, tắc nghẽn lưu thông nước tiểu, làm suy giảm chức năng thận. Nếu không điều trị kịp thời, sỏi san hô có thể dẫn đến nhiễm trùng thận, viêm mủ thận, suy thận, thậm chí nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng.
Sỏi san hô thường phát triển âm thầm, ít triệu chứng hoặc chỉ có những dấu hiệu như đau tức hông lưng, nước tiểu đục, mệt mỏi… Chính vì vậy, bác sỹ Hoan khuyến cáo những người có tiền sử sỏi thận, đặc biệt là sỏi san hô, cần chủ động khám sức khỏe định kỳ mỗi 6-12 tháng để phát hiện sớm sỏi thận khi chúng còn nhỏ và có thể điều trị bằng phương pháp ít xâm lấn hơn, như dùng thuốc hoặc tán sỏi ngoài cơ thể.
Với phương pháp điều trị nội soi tán sỏi qua da (mini PCNL), bà V. đã được giải quyết tình trạng sỏi thận san hô một cách an toàn và hiệu quả. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy việc phát hiện và điều trị sớm sỏi thận có thể giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng nguy hiểm và phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
Đột biến Gene khiến sản phụ suy tim sau sinh
Chị Nhi, 41 tuổi, đã phải trải qua một hành trình đầy khó khăn khi đột ngột tăng hơn 10kg, chân sưng phù và gặp khó khăn trong việc thở, ngay cả khi sinh hoạt bình thường. Sau khi khám bệnh, chị được chẩn đoán suy tim nặng do bệnh lý cơ tim chu sinh.
Mười năm trước, sau khi sinh con gái thứ hai, chị Nhi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và phù chân. Ban đầu, chị được chẩn đoán suy tim không rõ nguyên nhân và điều trị theo chỉ dẫn của bác sỹ. Sau một thời gian, chị cảm thấy khỏe hơn, sinh hoạt và làm việc bình thường, nhưng tự ý ngừng thuốc và bỏ qua việc tái khám.
Đến đầu năm 2024, các triệu chứng của chị Nhi tái phát mạnh mẽ với triệu trứng khó thở về đêm, thở dốc khi đi lại và sinh hoạt, cùng với việc tăng cân nhanh (12kg trong vòng chưa đầy 1 tháng). Chị quyết định đến một bệnh viện lớn để kiểm tra sức khỏe.
Ths.Đỗ Thị Hoài Thơ, Phòng khám Suy tim, Trung tâm Tim mạch, cho biết chị Nhi nhập viện trong tình trạng phù mặt, chân, mệt mỏi và khó thở nghiêm trọng.
Siêu âm tim cho thấy phân suất tống máu thất trái (LVEF) chỉ còn 13% (bình thường > 50%), chỉ số này cho thấy tình trạng suy tim nặng. Chụp mạch vành không thấy dấu hiệu tắc nghẽn, nhưng MRI tim cho thấy có dấu hiệu bệnh cơ tim giãn nở.
Kết quả xét nghiệm gene cho thấy chị Nhi mang đột biến gene TTN. Đột biến này được cho là nguyên nhân gây ra khoảng 20% các trường hợp cơ tim giãn nở trong gia đình. Phụ nữ mang đột biến gene TTN khi mang thai và sinh con có nguy cơ cao mắc bệnh cơ tim chu sinh, một thể bệnh của cơ tim giãn nở.
Bệnh cơ tim chu sinh là một bệnh lý hiếm gặp, xảy ra trong những tháng cuối thai kỳ và 5 tháng sau sinh. Bệnh này gây suy yếu chức năng co bóp của tim, dẫn đến suy tim. Đặc biệt, bệnh thường gặp ở phụ nữ trên 30 tuổi và có thể do nhiều yếu tố, bao gồm sự thay đổi hormone trong thai kỳ, viêm cơ tim do virus và đột biến gene.
Khi nhập viện, chị Nhi đã phải thở oxy và sinh hoạt tại giường vì tình trạng suy tim nghiêm trọng. Sau khi thăm khám và xác định nguyên nhân, bác sỹ đã chỉ định điều trị bằng thuốc lợi tiểu kết hợp với thuốc nền tảng điều trị suy tim. Sau hơn một tuần điều trị, chị Nhi đã có những cải thiện đáng kể như giảm khó thở, giảm phù và giảm được 3kg.
Chị Nhi sau đó xin ra viện điều trị ngoại trú và theo dõi tình trạng tại nhà. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, chị nhập viện lại với tình trạng phù tăng và khó thở nghiêm trọng. LVEF của chị chỉ còn 15%, và tình trạng đề kháng thuốc lợi tiểu khiến bác sỹ phải thay đổi phác đồ điều trị. Các bác sỹ tiếp tục phối hợp thuốc lợi tiểu đường uống và truyền tĩnh mạch, cùng với các thuốc nền điều trị suy tim.
Sau 10 ngày điều trị, chị Nhi dần ổn định và được xuất viện với chỉ dẫn cụ thể về việc uống thuốc, theo dõi tình trạng sức khỏe tại nhà và thực hiện các bài tập vận động nhẹ.
Sau hơn 9 tháng điều trị, chị Nhi không tái nhập viện thêm lần nào. Chức năng tim của chị đã được cải thiện rõ rệt, với chỉ số LVEF tăng lên 47%, giảm tổng cộng 10kg, không còn phù và không còn khó thở. Chị đã có thể quay lại làm việc và chăm sóc gia đình.
Ths.Đinh Vũ Phương Thảo, Phòng khám Suy tim, Trung tâm Tim mạch cho biết, hơn 50% bệnh nhân mắc bệnh cơ tim chu sinh có thể hồi phục và trở lại chức năng tim bình thường trong vòng 6 tháng điều trị.
Tuy nhiên, trường hợp của chị Nhi khá đặc biệt khi chị đã sống chung với bệnh suy tim suốt 10 năm mà không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều này đã khiến tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn, làm giảm khả năng hồi phục.
Bệnh cơ tim chu sinh có nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì trước khi mang thai, hoặc mang thai lần đầu, mang thai đôi hoặc sinh ba, và nhiều yếu tố liên quan đến thai kỳ. Phụ nữ đã từng bị cơ tim chu sinh trong các lần mang thai trước cần thận trọng và tư vấn với bác sĩ trước khi mang thai lần nữa.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh cơ tim chu sinh, phụ nữ cần duy trì sức khỏe tim mạch tốt: ăn uống lành mạnh, vận động đều đặn, không hút thuốc, hạn chế rượu bia, kiểm soát cân nặng và bệnh nền như tiểu đường và huyết áp cao.
Chuyên gia khuyến cáo, nếu chị em đã từng mắc suy tim trong thai kỳ trước, hãy trao đổi với bác sỹ để kiểm tra và nhận tư vấn phòng ngừa bệnh trong những lần mang thai tiếp theo.