Những bất cập nảy sinh
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đối với Hà Nội phải: “Phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển” và xác định: “Phát triển Thủ đô Hà Nội văn hiến – văn minh – hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”.
Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định: Xây dựng các chính sách để tăng cường liên kết, phối hợp giữa Thủ đô, các tỉnh trong Vùng Thủ đô trên các lĩnh vực trọng điểm, có tính chất liên kết vùng để huy động, sử dụng, phân bổ hợp lý, hiệu quả mọi nguồn lực, hướng tới xây dựng, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững.
Song đang có những quy định “chồng lấn”, xảy ra tình trạng “thừa, thiếu” những liên kết vùng khiến Hà Nội chưa hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành đầu tàu, dẫn dắt.
Thực tế cho thấy, Vùng Thủ đô có 10 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình, trong đó có 6 tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Hồng và 4 tỉnh thuộc Vùng trung du miền núi phía Bắc theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội. Nhưng trên thực tế, Vùng Thủ đô đang có quy hoạch xây dựng theo Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 6-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ và Luật Quy hoạch năm 2017, xác định có 6 vùng kinh tế – xã hội. Điều này lại tạo ra những khó khăn nhất định trong việc triển khai nhiệm vụ giữa các vùng, do có sự chồng lấn về các đơn vị hành chính.
Bất cập này khiến phát triển công nghiệp chưa có sự liên kết và hợp tác sản xuất. Việc phân bố các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong Vùng Thủ đô cũng không có sự phối hợp giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh mà phát triển tự phát theo từng tỉnh.
Đặc biệt, về du lịch Vùng Thủ đô, thiếu sự liên kết và hợp tác bền chặt để tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương phục vụ cho nhiều đối tượng khách trong nước và quốc tế. Một hạn chế nữa dễ nhận thấy của Hà Nội trong thời gian qua là việc thực hiện quy hoạch chung về xây dựng, phát triển mô hình thành phố vệ tinh Hà Nội, các thị trấn sinh thái vẫn còn chậm, gặp nhiều khó khăn.
Để Hà Nội dẫn dắt, mở đường
Để Hà Nội chủ động liên kết, dẫn dắt Vùng Thủ đô, tạo hiệu ứng lan tỏa, tương xứng với tiềm năng và vị thế vốn có, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định việc liên kết, phát triển vùng của thành phố Hà Nội không chỉ giới hạn trong phạm vi 10 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Vùng Thủ đô như hiện nay, mà còn bao hàm cả việc liên kết, phát triển với các địa phương khác trong Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác.
Luật quy định Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc có trách nhiệm liên kết, phát triển theo các chương trình, dự án phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, hệ thống quy hoạch quốc gia. Trong đó, Thủ đô Hà Nội được xác định là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển, là cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc và của cả nước (Khoản 1, Điều 44).
Để ngăn chặn tình trạng “trăm hoa đua nở”, “mạnh ai nấy làm”, luật quy định 4 nguyên tắc, phát triển vùng, tạo cơ sở cho việc thiết lập và vận hành một mô hình liên kết phát triển vùng linh hoạt theo tinh thần chủ động, cộng đồng trách nhiệm giữa các địa phương trong liên kết phát triển vùng.
Theo luật gia Lê Quang Vững, điểm đặc biệt đáng lưu ý nữa là, để bảo đảm tuổi thọ của luật và tăng tính chủ động cho các địa phương, luật không quy định cụ thể các lĩnh vực liên kết trong vùng mà để các tỉnh, thành, cơ quan hữu quan ở trung ương chủ động trong việc đề xuất, triển khai các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng phù hợp với quy mô, tính chất và nhu cầu cũng như khả năng tham gia, đóng góp.
Ngoài trách nhiệm bình đẳng với các địa phương khác tham gia chương trình, dự án liên kết phát triển vùng, chính quyền thành phố Hà Nội còn có trách nhiệm chủ trì phối hợp đề xuất, triển khai thực hiện chương trình, dự án liên kết phát triển vùng trong từng lĩnh vực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bảo đảm cân đối ngân sách triển khai thực hiện chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng. Hy vọng rằng, những cơ chế, chính sách vượt trội, có tính đột phá trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ giúp Hà Nội khắc phục những bất cập hiện hữu, chủ động phối hợp với các tỉnh, thành khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/thuc-day-lien-ket-phat-trien-vung-thu-do-690015.html