Hoàng thành Thăng Long có bốn bảo vật quốc gia đợt này
Thẻ bài hiện được lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, được xác định niên đại vào tháng tư năm Quang Thuận thứ 7, đời vua Lê Thánh Tông (1466). Thông tin niên đại được ghi ở mặt sau thẻ bài.
Thẻ là tấm hợp kim đồng, phẳng, mỏng, hình thang cân, hai góc của cạnh trên của hình thang được tỉa cong. Hai mặt có khắc chữ Hán, nét chữ khắc sâu, rõ ràng. Mặt trước khắc 5 chữ Hán được dịch tiếng Việt: Cung nữ xuất mãi bài.
Ngoài thẻ bài, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội còn có ba bảo vật khác cũng được công nhận bảo vật quốc gia lần này.
Đó là Đao cẩn tam khí, niên đại thời Trần, thế kỷ XIV. Hoa văn trang trí trên đao đặc biệt tinh xảo với nhiều đồ án khác nhau được trang trí nhắc lại ở hai mặt, tạo cảm giác hai mặt như một.
Lá đề trang trí chim phượng đất nung thời Lý, niên đại thế kỷ XI. Mặc dù phần thân đã bị om, giập, mất phần bệ nhưng so với những lá đề cùng loại đã được phát hiện, lá đề này là phiên bản còn đầy đủ và đẹp nhất.
Mô hình đất nung kiến trúc thời Lê sơ, niên đại thế kỷ XV, phần còn lại của một công trình hoàn thiện, bao gồm một phần bộ mái và một phần bộ khung kết cấu.
Nhiều bảo vật quốc gia thuộc bộ sưu tập tư nhân
Ngoài ra, các hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia đợt này gồm:
– Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai, niên đại 4.000 – 3.000 năm, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.
– Thạp đồng Kính Hoa II, niên đại khoảng thế kỷ III – II trước Công nguyên, hiện lưu giữ tại sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, Hà Nội.
– Sưu tập đàn đá Khánh Sơn, niên đại khoảng 2.500 – 3.000 năm, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa.
– Bình đồng Đông Sơn (An Biên), niên đại văn hóa Đông Sơn, thế kỷ II – I trước sau Công nguyên; hiện lưu giữ tại sưu tập tư nhân An Biên, Hải Phòng.
– Trống đồng Sao Vàng, niên đại văn hóa Đông Sơn (khoảng 2.000 năm), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
– Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1, niên đại thế kỷ VII – VIII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
– Tượng Shiva Mỹ Sơn C1, niên đại thế kỷ VIII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
– Linga vàng Po Dam, niên đại thế kỷ VIII – IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận.
– Bia Phước Thiện, niên đại cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.
– Phù điêu Nữ thần Uma, niên đại khoảng thế kỷ IX – X, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu.
– Phù điêu Apsara Trà Kiệu, niên đại thế kỷ X, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
– Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh, niên đại thế kỷ X, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình.
– Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.
– Bình gốm hoa nâu, niên đại thế kỷ XI – XII, hiện lưu giữ tại sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.
– Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần, niên đại thế kỷ XIII – XIV, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương.
– Bia “Đại bi Diên Minh tự bi”, niên đại thời Trần, năm Đinh Mão, niên hiệu Khai Thái thứ 4 (1327), hiện lưu giữ tại UBND xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.
– Lư hương gốm men lam xám, niên đại khoảng niên hiệu Hưng Trị (1588 – 1591), đời vua Mạc Mậu Hợp, hiện lưu giữ tại sưu tập tư nhân An Biên, Hải Phòng.
– Tượng thờ Vua Pô Klong Garai, niên đại thế kỷ XVI – XVII, hiện thờ tại Tháp Pô Klong Garai, phường Đô Vinh, TP Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận.
– Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn, niên đại thời Lê trung hưng, hiện thờ tại chùa Côn Sơn, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, Hải Dương.
– Mộc bản chùa Trăm Gian, niên đại thế kỷ XVII – XX, hiện lưu giữ tại chùa Trăm Gian, xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương.
– Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa), thời Lê trung hưng, niên đại năm Nhâm Tý, niên hiệu Long Đức nguyên niên (1732); hiện lưu giữ tại khu di tích Cổ Loa, thuộc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội.
– Mộc bản chùa Dâu, niên đại từ năm 1752 – 1859, hiện lưu giữ tại chùa Dâu, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh.
– Bảo kiếm an dân, niên đại niên hiệu Khải Định (1916 – 1925), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
– Khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng và khuôn in tín phiếu mệnh giá 50 đồng, niên đại từ năm 1947, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.
– “Sưu tập vàng lá Châu Thành”, niên đại văn hóa Óc Eo, giai đoạn muộn thế kỷ VII – IX, thuộc sưu tập của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/the-bai-cung-nu-ra-vao-noi-cung-thoi-le-so-duoc-cong-nhan-bao-vat-quoc-gia-20240118232817893.htm