Bên cạnh khu đất “Cao Xà Lá”, Hà Nội còn tiến hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án khác tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Hà Đông.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của Thành phố.
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo về kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí năm 2025 và các năm tiếp theo tại Hà Nội.
Đáng chú ý, Thành phố đã đề cập tới trường hợp của dự án khu chức năng đô thị tại số 233, 233B và 235 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân).
Theo đó, để tránh trường hợp cơ sở sản xuất đã di dời nhưng để hoang hóa, chậm đưa đất vào sử dụng, Ban Chỉ đạo giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chậm nhất trong tuần này hoàn thiện nội dung trình UBND Thành phố ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền của Thành phố.
Vị trí các nhà máy tại khu đất “Cao Xà Lá”. Đồ hoạ: Thanh Vũ |
Khu “Cao Xà Lá” là một tên gọi dân dã mà người dân Hà Nội dùng để chỉ khu vực “đất vàng” tại số 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi. Tên gọi này xuất phát từ việc nơi đây từng là địa chỉ của ba nhà máy lớn, bao gồm nhà máy Cao su Sao Vàng, nhà máy Xà phòng Hà Nội, nhà máy Thuốc lá Thăng Long.
Sau khi các nhà máy này được di dời để phục vụ tái quy hoạch đô thị và giảm ô nhiễm, khu đất dự kiến sẽ dùng để xây các khu đô thị mới, với quy mô dân số khoảng 46.000 người. Nơi đây được ví là “khu đất vàng” do nằm cạnh trục giao thông lớn, kế cạnh là khu đô thị Royal City và nhiều trường đại học nổi tiếng.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng đã tiến hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án đầu tư xây dựng trụ sở của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tại 31 – 33 – 35 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm).
Với dự án này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm, trong tháng 12/2024 tổ chức lập quy hoạch thiết kế đô thị các tuyến phố, trình thẩm định phê duyệt theo quy định hiện hành của pháp luật.
Sau khi quy hoạch được duyệt, Ngân hàng SHB hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Với dự án tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ để bán tại số 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), ông Trần Sỹ Thanh cho rằng dự án đã kéo dài nhiều năm, vì vậy cần phải tập trung giải quyết, tháo gỡ nhằm chống lãng phí. Cụ thể, ngay trong tháng 1/2025, dự án phải được xử lý dứt điểm.
Phiên họp cũng xem xét vấn đề quản lý các cơ sở nhà, đất là trụ sở của các cơ quan trung ương và địa phương tại quận Hà Đông, vốn đã bị bỏ hoang nhiều năm. Hiện nơi đây có 6 cơ sở nhà, đất thuộc 5 bộ, ngành trung ương được rà soát là đang không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; 2 cơ sở nhà, đất do 2 sở, ngành, đơn vị đang không sử dụng.
Trước thực tế trên, Sở Tài chính đã đề xuất phương án chuyển giao các cơ sở nhà, đất này về địa phương quản lý.
Bên cạnh đó, theo UBND quận Hà Đông, hiện quận có 7 trụ sở làm việc không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, dự kiến sẽ thực hiện điều chuyển để xây dựng, mở rộng cơ sở giáo dục – đào tạo, hoặc chuyển giao về UBND phường quản lý để làm thiết chế văn hóa – thể thao.
Kết luận, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đồng tình với các phương án xử lý cơ sở nhà, đất tại quận Hà Đông được Sở Tài chính nêu. Đồng thời ông Thanh lưu ý các đơn vị cần “đón đầu” việc xử lý tài sản, trụ sở công khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/ha-noi-doc-thuc-go-vuong-khu-dat-cao-xa-la-d235312.html