Theo Quỹ VinFuture, với thông điệp “Bứt phá kiên cường”, VinFuture 2024 vinh danh các công trình nghiên cứu và phát minh mang tính đột phá và có tác động sâu rộng, giúp nhân loại kiên cường vượt qua khó khăn và chạm tới những đỉnh cao mới. Như thông lệ, hệ thống giải thưởng VinFuture năm nay gồm 4 hạng mục. Trong đó, giải thưởng chính trị giá hơn 76 tỉ đồng (tương đương 3 triệu USD) là một trong các giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu. Ba giải đặc biệt mỗi giải trị giá gần 13 tỉ đồng (tương đương 500.000 USD) được dành cho nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới. Như vậy, riêng chi phí cho giải thưởng, số tiền mà quỹ đã chi trả là gần 115 tỉ đồng.
Ngay từ khi ra đời, VinFuture đã kỳ vọng sẽ tạo nên một giải thưởng khoa học công nghệ uy tín bậc nhất toàn cầu. Vì thế các công trình được đề cử xét giải trước hết phải xuất sắc. Còn các công trình được trao giải hiển nhiên phải là “xuất sắc của xuất sắc”. GS Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, nói: “Công trình được lựa chọn trao giải thưởng phải là những phát triển trong nghiên cứu khoa học mà chưa ai lường tới, chưa ai có thể dự đoán trước với những tác động mà chúng ta muốn tạo ra trong cuộc sống thực”.
Với mục tiêu này, công chúng không kỳ vọng có công trình của nhà khoa học VN được đoạt giải, bởi thực trạng nền khoa học của chúng ta đang ở mức thấp so với thế giới. Năm ngoái, công trình của GS Võ Tòng Xuân được trao giải ở hạng mục Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, chỉ là một trường hợp hy hữu. Trong khi đó điều kiện nghiên cứu khoa học ở VN hiện nay rất khó khăn, kinh phí cho nghiên cứu khoa học rất thấp. Trong dư luận có nhiều ý kiến cho rằng việc VinFuture chi thưởng lớn cho các tài năng đỉnh cao (vốn có môi trường làm khoa học lý tưởng), còn cái được cho nền khoa học VN khi tỉ phú Phạm Nhật Vượng chi trăm tỉ đồng trao giải thưởng VinFuture chỉ gói gọn trong mấy từ: “truyền cảm hứng”.
Tuy nhiên, rất nhiều nhà khoa học, trong đó có những lãnh đạo các trường ĐH, viện nghiên cứu, cho rằng nếu chỉ nhìn vào lễ trao giải thưởng VinFuture thôi thì chưa thể đánh giá hết hiệu quả các hoạt động mà Quỹ VinFuture mang đến cho nền khoa học VN. Trước và sau lễ trao giải, từ ngày 4 đến 7.12, nhiều hội thảo và hoạt động khoa học được tổ chức, không chỉ tại trung tâm hội nghị chính của Vingroup mà còn ở 9 trường ĐH trên địa bàn Hà Nội. Trước đó, từ tháng 4, Quỹ VinFuture còn phối hợp với các trường ĐH, viện nghiên cứu trong nước tổ chức chuỗi hoạt động kết nối InnovaConnect 2024.
Không phủ nhận giá trị quan trọng nhất mà Quỹ VinFuture đã tạo ra được là truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là các sinh viên tài năng theo đuổi nghiên cứu khoa học, khi các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến VN. Tuy nhiên PGS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhấn mạnh, một tác động rất quan trọng khác là quỹ đã kết nối được khoa học VN với thế giới, giúp giới khoa học VN tiếp cận được những kết quả nghiên cứu mới nhất. PGS Vũ Hải Quân phân tích: “Quỹ VinFuture đã tổ chức hội nghị tại các trường ĐH, mời các nhà khoa học đầu ngành thế giới đến trình bày. Đây là cơ hội cho các nhà khoa học VN được tiếp cận những định hướng nghiên cứu mới nhất trong các lĩnh vực được quan tâm nhất hiện nay: năng lượng mới, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo (AI), y học… Hơn nữa, khi các nhà khoa học thế giới đến VN, họ được tiếp xúc với nhà khoa học và sinh viên VN thì sẽ hiểu nền khoa học công nghệ VN. Nhờ đó, trong tương lai họ sẽ có những hoạt động giúp cho khoa học công nghệ VN”.
PGS Ngô Văn Minh, Trường ĐH Giao thông Vận tải, cũng nhấn mạnh: “Hoạt động kết nối khoa học quy mô mà Quỹ VinFuture tổ chức đang tạo ra làn sóng hứng khởi chưa từng có đối với giảng viên và sinh viên trường. Việc mời được các giáo sư hàng đầu thế giới, trong đó có cả chuyên gia phát triển bộ chỉ số đổi mới sáng tạo quốc tế, đến chia sẻ về trí tuệ nhân tạo – lĩnh vực đang “làm mưa làm gió” toàn cầu – là điều không dễ dàng”.
GS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội, trước lễ trao giải kể, nhà trường đã được đón GS Yann LeCun (Mỹ, một trong 5 chủ nhân giải thưởng chính VinFuture 2024) đến giảng bài. Người tham gia (trực tuyến và trực tiếp) rất đông, gần như có đủ mặt những chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin (IT) trong nước, gồm các nhà khoa học ở các trường ĐH và viện nghiên cứu, cả lãnh đạo các tập đoàn công nghệ VN. “GS LeCun thực sự là một tên tuổi lớn, là nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn. Thông thường, để mời được những người như GS LeCun (hay những nhà khoa học khác đã đến Hà Nội dự tuần lễ VinFuture vừa qua) đến VN nói chuyện, giảng bài, thì không một trường ĐH hay viện nghiên cứu nào, kể cả Bộ GD-ĐT hay Bộ KH-CN, làm được”, GS Linh nhận định.
GS Yann LeCun, một trong 5 chủ nhân giải thưởng chính giải thưởng VinFuture 2024 với sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, ngày 5.12.
Vì thế theo GS Vũ Hoàng Linh, giá trị mà Quỹ VinFuture mang lại cho nền khoa học VN là tạo được sự chú ý về mặt chính trị cho khoa học, công nghệ VN. Suốt 4 năm qua, năm nào cũng có lãnh đạo cấp cao (Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng), cùng nhiều lãnh đạo khác trong Chính phủ, dự lễ trao giải. Đặc biệt năm nay còn có sự kiện Tổng Bí thư Tô Lâm gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học thế giới dự tuần lễ VinFuture. “Các việc này tác động rất lớn tới các nhà chính trị, những người hoạch định chính sách, đội ngũ lãnh đạo nhà khoa học, giới khoa học, những người nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ…”, GS Vũ Hoàng Linh nói.
Một số tác động khác mà theo GS Vũ Hoàng Linh là khó đong đếm được: “Đây còn là cơ hội để nâng cao vị thế của VN, giới thiệu nền khoa học VN với thế giới. Có thể trình độ phát triển khoa học của chúng ta kém xa rất nhiều so với các nước phát triển, nhưng chúng ta thể hiện được là rất cầu thị, rất mong muốn được hợp tác, được phát triển. Hoặc đơn giản, chẳng hạn sau này trong số các giáo sư đã đến VN nhận được hồ sơ của nghiên cứu sinh VN, rõ ràng họ sẽ à lên chứ không như với nghiên cứu sinh đến từ một xứ sở mà họ chẳng có thông tin gì cả”.
GS Vũ Hoàng Linh nhấn mạnh: “Phải tạo được một không gian để cho các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến VN nói chuyện với nhau. Sau đó là cơ hội của chúng ta. Nắm bắt cơ hội thế nào thì phụ thuộc rất lớn vào Chính phủ VN, vào các trường ĐH, viện nghiên cứu, vào chính các nhà khoa học trong nước”.
Thực tế cho thấy một số nhà khoa học, một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu đã chớp lấy cơ hội mà Quỹ VinFuture mang lại. Nhờ sự kết nối của Quỹ VinFuture, GS Kenneth Mei Leung, Hiệu trưởng Trường Năng lượng và môi trường, ĐH Thành Phố ở Hồng Kông (Trung Quốc); và PGS Từ Bình Minh, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), đã hợp tác nghiên cứu giám sát các chất gây ô nhiễm nước ở cửa sông thuộc chương trình Giám sát cửa sông toàn cầu (GEM). Trong giai đoạn 1, các nhà khoa học của chương trình đã theo dõi, thu thập mẫu nước từ khoảng 150 cửa sông trên thế giới để giám sát các loại chất thải dược phẩm. VN là một trong những đối tác chính của của chương trình. Dự kiến năm 2025, các nhà khoa học Hồng Kông và VN sẽ cùng nhau công bố một bài báo có tác động lớn dựa theo kết quả của nghiên cứu toàn cầu này.
Các nhà khoa học trao đổi bên hành lang một cuộc tọa đàm trong tuần lễ VinFuture 2024.
GS Leung cũng đã đại diện Trường Năng lượng và môi trường ký bản ghi nhớ hợp tác với khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Việc mở rộng chương trình GEM tại vùng cửa biển Hà Tĩnh là một trong số nhiều hoạt động hợp tác được nêu trong bản ghi nhớ này, đặc biệt được tài trợ bởi Quỹ VinFuture. Vị chuyên gia này cho rằng các hoạt động của Quỹ VinFuture nói chung, bao gồm InnovaConnect và Giải thưởng VinFuture, là những nỗ lực tuyệt vời trong thúc đẩy phát triển khoa học, hợp tác quốc tế sâu hơn.
Tương tự, thông qua sự thúc đẩy kết nối của Quỹ VinFuture, Viện Thủy lực và nguồn nước, Trường ĐH Kỹ thuật Munich (Đức), đã ký thỏa thuận hợp tác cùng Trường ĐH Thủy lợi, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) với Trường Vật liệu, ĐH Bách khoa Hà Nội… PGS Lê Hải Trung, Trưởng nhóm Mangroves Living Lab, Trường ĐH Thủy lợi, cho biết: “Quỹ VinFuture đóng vai trò như một nền tảng trung gian, kết nối giữa các viện, trường để gia tăng trao đổi ý tưởng, chia sẻ công nghệ, cũng như lĩnh vực quan tâm nghiên cứu giữa các bên; từ đó tìm ra cơ hội để cùng nhau nghiên cứu, và đặc biệt sẽ còn hỗ trợ hợp tác trao đổi, đào tạo thế hệ mới”.
PGS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, cũng chia sẻ, hiện nay tỷ lệ đột quỵ mới mắc ở VN là cao nhất thế giới, với trên 200.000 ca đột quỵ/năm. Đồng thời tỷ lệ tử vong của đột quỵ ở VN hiện nay cũng còn cao, đặc biệt là tỷ lệ tàn tật do đột quỵ. Các nhà khoa học VN muốn đề xuất với Bộ Y tế có một chương trình quốc gia về phòng, chống, quản lý bệnh nhân đột quỵ. Việc vừa rồi có nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới về đột quỵ đến VN tham gia tọa đàm chủ đề này trong tuần lễ VinFuture 2024 là cơ hội quý báu, tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Y tế tham vấn các chuyên gia tìm kiếm giải pháp.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/but-pha-kien-cuong-cua-khoa-hoc-viet-nhin-tu-giai-thuong-vinfuture-185241214203909141.htm