TS Ali Ahamd, nguyên giảng viên khoa tiếng Anh, Học viện IBG Kamus Pendidikan Islam – học viện đào tạo giáo viên của Malaysia, vừa có buổi chia sẻ kinh nghiệm với một số cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, hiệu trưởng tại Hà Nội, TP.HCM, Huế và Bình Dương về dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh từ kinh nghiệm và bài học của Malaysia.
TP.HCM phải chuẩn bị đầy đủ các yếu tố, nhất là hình thành bộ tiêu chí để lựa chọn các trường tham gia thực hiện chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. Đặc biệt, cần chú trọng yếu tố đồng thuận, tự nguyện của phụ huynh và học sinh.
TS Ali Ahamd
* Ông có bình luận gì về việc Việt Nam thực hiện chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường?
– Theo tôi, chủ trương này rất tốt với người dân và xã hội, giúp học sinh có thêm nhiều cơ hội tiếp cận tiếng Anh. Khi tiếng Anh của học sinh tốt hơn thì các em sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thế giới. Học sinh sau khi ra trường cũng sẽ có nhiều cơ hội về việc làm, cơ hội làm chủ thị trường lao động trong nước và thế giới.
* Từ thực tiễn thực hiện dạy toán, khoa học, công nghệ bằng tiếng Anh trong trường công của Malaysia, theo ông Việt Nam cần chuẩn bị gì khi chính thức thực hiện chủ trương này?
– Việc dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh tại Malaysia đến nay đã diễn ra với hai giai đoạn: Năm 2003, Chính phủ Malaysia thực hiện cải cách trong hệ thống giáo dục công lập: tiếng Anh được sử dụng để giảng dạy toán, khoa học và các môn công nghệ.
Đến năm 2010, Chính phủ Malaysia quyết định chấm dứt việc giảng dạy toán, khoa học và các môn công nghệ bằng tiếng Anh. Từ năm 2012, các môn toán, khoa học và công nghệ được giảng dạy bằng tiếng Bahasa Malaysia.
Nhưng từ năm 2016 đến hiện tại, Malaysia đang đưa việc giảng dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh trở lại với cách thức và cách làm mới và hiện nay chương trình này được đón nhận và thành công với nhiều trường học áp dụng cũng như nhiều học sinh theo học và vẫn đang tiếp tục phát triển.
Theo tôi, điều quan trọng nhất Việt Nam cần có khi thực hiện chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường, bao gồm: nguồn lực giáo viên và học sinh.
Yếu tố giáo viên là vấn đề then chốt để thực hiện chủ trương này. Nguồn giáo viên phải đủ về số lượng và đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Yếu tố học sinh tôi nhắc đến đây là những học sinh thụ hưởng việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường phải nhận được sự đồng thuận của cha mẹ.
Tại Malaysia, từ năm 2003 khi bắt đầu triển khai dạy toán, khoa học, công nghệ bằng tiếng Anh, lúc đó học sinh chưa sẵn sàng cho việc học toán, khoa học bằng tiếng Anh và nhiều cha mẹ học sinh cũng không đồng ý (nhất là cha mẹ học sinh ở vùng nông thôn) nên chủ trương này thất bại.
Sau này, năm 2016, Malaysia đã thay đổi cách tiếp cận đưa ngôn ngữ thứ 2 vào nhà trường và đã thành công nhờ vào sự đồng thuận của phụ huynh cũng như sự sẵn sàng của học sinh.
* Thưa ông, nguồn lực giáo viên thực hiện chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường nên được chuẩn bị như thế nào?
– Tại Malaysia, nguồn giáo viên dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh được chuẩn bị bằng cách những người chưa đủ chuẩn sẽ được đào tạo lại. Các khóa học này giúp giáo viên tăng cường năng lực về ngôn ngữ cũng như kiến thức chuyên môn để họ có thể dạy được bằng tiếng Anh.
Cụ thể, những giáo viên dạy tiếng Anh mà chưa thể đủ trình độ để dạy toán, khoa học sẽ được đào tạo toán, khoa học để dạy được những môn này bằng tiếng Anh. Còn giáo viên dạy toán, khoa học nhưng lại không đủ năng lực tiếng Anh để dạy bằng tiếng Anh thì sẽ được đào tạo thêm về tiếng Anh…
Vì thế, tôi nghĩ Việt Nam cũng cần chuẩn bị nguồn lực dựa trên việc đánh giá trình độ giáo viên và đào tạo lại để chuẩn bị thực hiện chương trình.
* TP.HCM dự kiến là thành phố đầu tiên của Việt Nam thực hiện chủ trương thí điểm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường, ông có lời khuyên nào dành cho TP.HCM?
– Malaysia khi thực hiện đưa toán, khoa học, công nghệ vào giảng dạy trong trường công bằng tiếng Anh đã gặp thất bại ở lần 1 nhưng lần 2 lại thành công.
Để thành công ở lần 2, Bộ Giáo dục Malaysia đã đưa ra bộ tiêu chí bắt buộc các trường phải thực hiện: trường phải đủ tài nguyên; hiệu trưởng, giáo viên phải sẵn sàng thực hiện chương trình; chương trình phải nhận được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và trường phải đạt được hiệu suất đào tạo khi thực hiện chương trình thì mới được thực hiện tiếp.
TS Ali Ahamd có hơn 35 năm kinh nghiệm giảng dạy nhiều môn học tại nhiều cấp học khác nhau ở Malaysia.
Ông bắt đầu sự nghiệp giảng dạy với vai trò là một giáo viên tiểu học, sau đó là trung học và giảng viên đại học.
Ông có 13 năm làm giảng viên cho khoa tiếng Anh của Học viện IBG Kamus Pendidikan Islam – học viện đào tạo giáo viên của Malaysia.