Nằm khiêm nhường trên con phố Phan Đình Phùng rợp bóng cây xanh, Cửa Bắc hiện diện như một chứng nhân bất khuất của lịch sử, gắn liền với những giai đoạn hào hùng và đau thương trong cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống lại thực dân Pháp. Xây dựng từ thời Nguyễn, Cửa Bắc là cổng thành duy nhất của Hoàng thành Hà Nội còn tồn tại nguyên vẹn đến nay, trở thành biểu tượng không thể phai nhòa của tinh thần kiên trung của người dân Hà Nội.
Trải qua hơn hai thế kỷ, Cửa Bắc không chỉ là một công trình kiến trúc vọng lâu đặc biệt mà còn là nơi lưu giữ những dấu ấn thời gian. Được xây dựng trên nền cũ của Cửa Bắc từ thời Lê và hoàn thiện vào năm 1805, Cửa Bắc mang trong mình phong cách kiến trúc độc đáo với tầng lầu phía trên và phần thành phía dưới. Phía trên lầu được xây dựng theo kiểu vọng lâu – một dạng phương đình tám mái lợp ngói ta, mang đến vẻ đẹp vừa uy nghiêm vừa gần gũi. Từ vị trí này, ngày trước, quan quân có thể bao quát toàn bộ xung quanh, giúp bảo vệ thành trì trước mọi di biến của địch quân. Ngày nay, đứng từ lầu, người ta vẫn cảm nhận được phần nào sự sừng sững, uy nghi mà Cửa Bắc từng mang lại cho kinh thành xưa.
Bên ngoài trán cửa, ba chữ Hán “Chính Bắc Môn” được khắc trên một tấm biển đá nổi bật. Mép cửa kè bằng đá hình chữ nhật, được trang trí hoa văn tinh xảo với viền cánh sen mang tính biểu tượng, tạo cảm giác bề thế và trang trọng cho công trình. Bên cạnh tấm biển “Chính Bắc Môn,” tấm biển đá khắc ngày 25 tháng 4 năm 1882 vẫn còn giữ nguyên vẹn, đánh dấu ngày mà quân Pháp phá thành chiếm lấy Hà Nội. Trên thân cửa, hai vết đạn thần công vẫn in hằn, như nhắc nhở về thời điểm Hà Nội chống trả quyết liệt trước sức mạnh của đoàn chiến thuyền Pháp từ sông Hồng tiến công vào.
Với chiều cao gần 9 mét, lòng cửa là vòm cuốn xây bằng gạch kiên cố, kết hợp với kết cấu bằng đá và gỗ chặt chẽ tạo nên vẻ vững chãi, đồng thời làm nổi bật đặc trưng kiến trúc của thời kỳ Nguyễn. Phần thành được xây dựng vô cùng kiên cố với đá và gạch xếp theo cấu trúc đặc biệt, gạch xây vuông vức được lắp đặt khéo léo, tạo nên vẻ đẹp cân xứng giữa cổ kính và trầm mặc. Cửa Bắc trở thành biểu tượng không thể thay thế, minh chứng cho truyền thống chống giặc ngoại xâm quật cường của dân tộc ta.
Bên trong Cửa Bắc là nơi tưởng nhớ hai vị Tổng đốc kiên trung Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu – những người đã chiến đấu và hy sinh trong những trận đánh dữ dội để bảo vệ thành Hà Nội khỏi sự xâm lược. Vào đêm 19, rạng sáng ngày 20 tháng 11 năm 1873, quân Pháp bất ngờ tiến công thành. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, sau khi bị thương nặng và mất con trai tại trận, đã từ chối sự cứu chữa của quân địch và tuyệt thực cho đến khi qua đời. Hơn chín năm sau, Tổng đốc Hoàng Diệu tiếp nối tinh thần ấy trong một trận chiến khác, dũng cảm giữ thành đến phút cuối cùng và quyết tử khi không thể bảo vệ thành.
Ngày nay, Cửa Bắc là địa chỉ không thể bỏ qua đối với người dân Hà Nội và du khách từ khắp nơi, là nơi để chúng ta nhìn lại trang sử hào hùng của dân tộc. Du khách khi đến đây dễ dàng cảm nhận sự trầm mặc mà vững chãi của một di tích lịch sử còn sót lại từ khu thành cổ. Đứng trước những dấu đạn còn hằn sâu trên cửa, mỗi người đều có thể hình dung về sự tàn khốc của những cuộc chiến xưa và cảm nhận lòng biết ơn sâu sắc trước những người đã ngã xuống vì nền độc lập.
Như một chứng nhân của quá khứ, Cửa Bắc đã chứng kiến biết bao thăng trầm của Hà Nội và cả đất nước. Hình ảnh “Chính Bắc Môn” sừng sững cùng những nét kiến trúc độc đáo không chỉ mang giá trị văn hóa, mà còn là biểu tượng của tinh thần bất khuất, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Hoàng Anh